Từ lá rau đến “lá vàng”
Cây biển súc hay còn gọi là rau đắng từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với người Việt. Loại rau này phân bố rộng rãi trên khắp nước ta, nhiều nhất ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội.
Ở một số nơi, rau đắng còn được gọi là cây xương cá vì đặc điểm hình dạng - lá nhỏ, mọc so le và có bẹ chìa. Cây có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần, vừa có thể dùng làm thực phẩm, vừa có giá trị dược liệu. Toàn bộ cây đều có thể sử dụng.
Đúng như tên gọi, rau đắng có vị đắng nhưng không độc, tính bình. Người Việt xưa thường dùng nó để chữa vết rắn cắn, chữa tiểu buốt, sỏi thận, bệnh vàng da. Bên cạnh đó, rau đắng còn có công dụng kháng viêm, kháng khuẩn, lợi tiểu và giải độc.
Không chỉ phân bố ở Việt Nam, cây rau đắng còn được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới châu Á như Trung Quốc, Lào, Myanmar. Xưa kia ở Trung Quốc, cây rau đắng từng là loại “rau cứu đói” trong những năm tháng khó khăn của người dân nước này. Họ hái chồi non, chần qua với nước sôi rồi trộn với tỏi để làm dịu vị đắng của rau.
Trên thị trường dược liệu xứ Trung, rau đắng cũng là một vị thuốc phổ biến để điều trị chứng tiểu nhiều và tiểu buốt. Tại đây, rau đắng còn được trồng trong nhà kính thông minh, được điều chỉnh tỷ lệ dinh dưỡng, điều kiện nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để cây phát triển tốt nhất. Các công ty công nghệ sinh học xứ Trung còn tạo ra các thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chiết xuất từ rau đắng. Sản phẩm này rất được yêu thích tại thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.
Hiện tại ở Trung Quốc, rau đắng khô có giá gần 22 NDT/kg, tương đương 76.500đ/kg. Trong khi đó ở Việt Nam, dược liệu này có giá cao hơn, dao động từ 102.000 – 199.000đ/kg tùy nơi bán, nguồn gốc và chất lượng.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)