Người Việt có xu hướng ngày càng kết hôn muộn

Người Việt có xu hướng ngày càng kết hôn muộn
2 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: TTXVN
Xu hướng kết hôn chậm, muộn hơn, ly hôn tăng
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) thông tin, về đăng ký kết hôn, trong giai đoạn 2017-2020, cả nước đã có 2.778.532 cặp đăng ký kết hôn, trong đó kết hôn lần đầu là 2.479.308 cặp, chiếm tỷ lệ cao (89,23%).
Số cặp đăng ký kết hôn mới theo năm. (Nguồn: Báo cáo của Bộ Tư pháp)
Tuy nhiên, con số này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2021-2023, với tổng số cặp kết hôn đăng ký giảm xuống còn 1.890.488 vụ, trong đó tỷ lệ kết hôn lần đầu giảm xuống còn 85,58% (1.618.020 vụ), ít hơn 3,65% so với giai đoạn trước.
Đặc biệt, số liệu thống kê từ năm 2017 đến 2023 cho thấy tỷ lệ kết hôn lần đầu có xu hướng giảm mạnh. Năm 2017, cả nước ghi nhận 645.886 vụ kết hôn lần đầu, chiếm 90,5% tổng số vụ kết hôn. Tuy nhiên, đến năm 2023, con số này chỉ còn 572.864 vụ, chiếm 84,2%.
Số cặp đăng ký kết hôn lần đầu theo năm. (Nguồn: Báo cáo của Bộ Tư pháp)
Sự thay đổi này phản ánh một xu hướng kết hôn muộn, tỷ lệ kết hôn lần đầu có xu hướng giảm, trong khi tuổi trung bình kết hôn của nam và nữ ngày càng cao.
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu. (Nguồn: Báo cáo của Bộ Tư pháp)
Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2017-2023 cả nước có 187.690 vụ ly hôn của công dân Việt Nam trong nước đã được tòa án giải quyết; tỷ lệ các vụ việc ly hôn, hủy kết hôn trái pháp luật (ở trong nước) được ghi vào sổ hộ tịch ngày càng tăng.
Cụ thể, năm 2017, tổng số vụ ly hôn là 27.948, trong đó tỷ lệ ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn theo bản án, quyết định của tòa án có thẩm quyền là 9.171 vụ (32,8%).
Tuy nhiên, đến năm 2023, tổng số vụ ly hôn đã tăng lên tới 32.060 vụ, bao gồm 19.322 vụ ghi vào sổ hộ tịch, chiếm tới 60,3%.
Đột quỵ đứng đầu bảng nguyên nhân gây tử vong
Bác sĩ thăm khám, theo dõi sức khỏe cho người bệnh bị đột quỵ não. (Ảnh: TTXVN)
Cũng tại hội nghị, Bộ Y tế công bố báo cáo cho thấy, trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam năm 2023, 5 nguyên nhân hàng đầu đều là bệnh không lây nhiễm, đứng đầu là các bệnh mạch máu, tim mạch, ung thư và tử vong do tai nạn giao thông đường bộ.
Cụ thể, trong năm 2023, bệnh mạch máu (đột quỵ, tai biến mạch máu não) là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam, với tỷ lệ tử vong lên đến 86/100.000 dân.
Các bệnh ung thư, bao gồm ung thư phổi và ung thư gan, đứng sau đột quỵ trong bảng xếp hạng nguyên nhân tử vong, cùng với bệnh lý tăng huyết áp và bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Mặc dù không thuộc nhóm bệnh lý, tai nạn giao thông vẫn là một nguyên nhân lớn gây tử vong, đứng thứ 6 với tỷ lệ 10/100.000 dân.
Những dữ liệu trên cho thấy, các bệnh không lây nhiễm (NCDs) hiện nay chiếm ưu thế trong danh sách các nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Điều này phản ánh xu hướng gánh nặng bệnh tật của người dân đang chuyển từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố liên quan đến lối sống, chế độ dinh dưỡng…
Ngoài ra, cũng theo báo cáo từ Bộ Y tế, tổng số người tử vong được ghi nhận tại cộng đồng và bệnh viện ở Việt Nam tăng dần qua các năm.
Năm 2021, con số này là 267.000 trường hợp, nhưng đến năm 2023 đã tăng lên 391.610 trường hợp. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2024, số tử vong đã đạt 329.200 trường hợp.
Hiện nay, chỉ khoảng 14% trường hợp tử vong tại cơ sở y tế còn hầu hết các trường hợp tử vong tại nhà, không có chứng kiến của nhân viên y tế.
Đối với tử vong tại nhà, nguyên nhân thường được ghi nhận một cách chung chung như "suy tim", "suy hô hấp", hoặc "chết già", làm giảm giá trị của số liệu khi phân tích mô hình bệnh tật, tử vong trong hoạch định chính sách y tế.
Bộ Y tế cũng cho biết, dữ liệu về nguyên nhân tử vong là một phần không thể thiếu của dữ liệu đăng ký sinh tử.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, việc xác định chính xác nguyên nhân chính gây tử vong có vai trò quan trọng trong việc xác định vấn đề sức khỏe ưu tiên, xây dựng chính sách y tế và dân số quốc gia, đánh giá hiệu quả các chương trình can thiệp y tế ở cấp quốc gia và cải thiện chất lượng chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất dành ưu tiên cho việc thu thập, xử lý và công bố số liệu về sinh tử và nguyên nhân tử vong phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
TRUNG HƯNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nguoi-viet-co-xu-huong-ngay-cang-ket-hon-muon-post850924.html