Bà Nguyễn Thị Hon, Việt kiều ở thủ đô Vientiane, chuẩn bị mâm nghi lễ cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào
Sinh ra và lớn lên thuộc thế hệ thứ 3 ở Lào, bà Nguyễn Thị Hon ở thủ đô Viêng Chăn lại đi chợ để mua sắm vàng mã, cá chép, hương, hoa về làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Sau khi đi chợ về, bà Hon dọn dẹp nhà cửa và căn bếp của gia đình sạch sẽ trước khi làm một mâm cơm cúng để tiễn ông Công ông Táo về trời.
Mỗi gia đình đều có cách bày biện mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo mang đặc trưng riêng, nhưng mâm cơm mà bà Hon cúng thường có một con gà luộc, một đĩa thịt lợn luộc và một đĩa xôi đậu, thứ mà không thể thiếu khi bày biện cùng mâm cúng là bộ mũ ông Công, ông Táo, tiền vàng mã và một chậu có 3 con cá chép khỏe mạnh.
Bà Hon cho biết, là người Việt Nam đang mang trong mình dòng máu “con lạc cháu hồng” nên những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của quê hương Việt Nam được bố mẹ của bà truyền lại bà luôn giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ sau để cho con cháu của bà lúc nào cũng biết mình có nguồn gốc là người Việt Nam.
Không chỉ gìn giữ phong tục tập quán của bố mẹ ông bà, với bà Hon, việc truyền dạy cho con cái những giá trị cùng ý nghĩa của những phong tục, lễ tết của dân tộc chính là cách để thế hệ sau biết trân trọng văn hóa truyền thống, về đời sống tâm linh, tín ngưỡng, giúp con cái dù đi đâu, làm gì, cũng không quên nguồn cội của mình.
Bà Nguyễn Thị Hon, Việt kiều thủ đô Vientiane làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào
Tương tự, ông Trần Thông, kiều bào tại thủ đô Viêng Chăn chia sẻ rằng sinh ra và lớn lên ở Lào đến đời ông là đời thứ 3, dù là người Lào nhưng ông mang trong mình dòng máu Việt Nam. Do vậy, hằng năm cứ đến ngày này, ông Thông lại làm mâm cơm để cúng ông Công, ông Táo.
Ông Thông bày tỏ, tục lệ của bố mẹ hồi xưa như thế nào thì thời này ông làm như vậy. Hôm nay, ông Thông cùng thành viên trong gia đình làm mâm cơm cúng gồm bánh trái, xôi chè, vàng mã để đưa ông Công, ông Táo về trời, tống tiễn những xui xẻo của năm cũ, cầu mong năm mới làm ăn thuận lợi hơn.
Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp), bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.
Sau lễ cúng ông Công, ông Táo, cá chép sẽ được các gia đình đưa đi tới một dòng sông rộng để "phóng sinh" và cầu mong cho gia đình một năm mới may mắn, sung túc. Sau đó, các gia đình sẽ trở về nhà cùng quây quần bên mâm cơm để đoàn viên, sum họp cùng với các con các cháu của mình ôn lại những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, để chúng luôn phải biết giữ gìn.
Với những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa sâu sắc song hoạt động thờ cúng ông Công, ông Táo đã khắc họa rõ nét đời sống tâm linh phong phú của người Việt, trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang đầy tính nhân văn, hướng đến chân, thiện, mỹ.
Xuân Tú - Bá Thành (TTXVN)