Năm qua, du lịch được xem là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội, nhờ chính sách thị thực thông thoáng cùng các hoạt động truyền thông và xúc tiến quảng bá hiệu quả.
Ngành du lịch đã khép lại năm 2024 với hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm trước, và phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt 840 nghìn tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, ẩn sau những con số ấn tượng này là mối lo ngại về tình trạng nhập siêu dịch vụ du lịch, một vấn đề được nhiều chuyên gia nhấn mạnh khi đánh giá tổng thể tác động đến tăng trưởng GDP.
Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 12,19 tỷ USD, tăng 33,1%, nhưng kim ngạch nhập khẩu đã lên tới 12,57 tỷ USD, tăng 60,6%. Điều này dẫn đến mức nhập siêu 380 triệu USD chỉ riêng lĩnh vực du lịch.
Xét rộng hơn trong toàn ngành dịch vụ, Việt Nam đã nhập siêu 12,34 tỷ USD trong năm qua. Các chuyên gia nhận định, thực trạng này tạo áp lực lớn lên cán cân kinh tế và ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng GDP trong dài hạn.
Trong năm 2024 có 5,3 triệu lượt người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài, trong khi đó có 17,5 triệu khách tế đến Việt Nam.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, tiêu dùng cuối cùng là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, chiếm 63% GDP năm 2024. Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu dùng những năm gần đây rất chậm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 5,9 - 6% so với mức gần 10% trước năm 2020. Do đó, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần có nhiều giải pháp hiệu quả để kích thích động lực tiêu dùng.
Ông Lâm nhấn mạnh, cần có giải pháp để người dân Việt Nam tăng cường tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. “Nếu chúng ta tiêu dùng nhiều hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu thì vô hình chung chúng ta làm cho GDP Việt Nam giảm đi”.
Dẫn chứng câu chuyện xuất nhập khẩu du lịch năm 2024 cho thấy người Việt Nam đi du lịch nước ngoài còn tiêu nhiều tiền hơn 17,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, ông Lâm đặt vấn đề, nếu có chính sách, dịch vụ tốt thu hút du lịch nội địa thì sẽ có thêm nguồn lực rất lớn đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng cần có giải pháp kích thích tiêu dùng tập trung vào hàng hóa dịch vụ trong nước.
Ông Linh nêu rõ: “2024 là năm đầu tiên Việt Nam nhập siêu dịch vụ du lịch. Thường thì chúng ta ít đi du lịch nước ngoài nhưng đặc biệt trong năm 2024 tăng đáng kể. Nguyên nhân cơ bản là do vé máy bay từ Hà Nội đi Bangkok còn rẻ hơn đi Phú Quốc. Những tính toán rất đơn giản, bình dân như vậy điều hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam. Như vậy đặt ra vấn đề, chúng ta tập trung kích cầu hàng hóa, nhưng phải là hàng hóa trong nước chứ không phải hàng hóa nước ngoài. Chúng ta phải tính rất là kỹ lưỡng về vấn đề này”.
Việc người Việt Nam ưu tiên chi tiêu nhiều khi du lịch quốc tế không chỉ phản ánh nhu cầu cá nhân mà còn cho thấy sự thiếu cạnh tranh của dịch vụ và hàng hóa trong nước.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, để gia tăng tiêu dùng cuối cùng trong nền kinh tế, cần tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nội địa. Điều này đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cải thiện năng suất lao động để giảm giá thành, cung cấp nguồn vốn ưu đãi, và áp dụng các chính sách giãn, hoãn thuế phù hợp.
Đồng thời, cần nâng cao thu nhập và sức mua của người dân thông qua các chính sách tạo việc làm, hỗ trợ người lao động tiếp cận cơ hội việc làm, và điều chỉnh các chính sách thuế như tăng mức giảm trừ gia cảnh hoặc giảm thuế VAT.
Ngoài ra, cần thúc đẩy phát triển thương mại hiện đại và thương mại điện tử trong nước, tận dụng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu có xu hướng sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm chất lượng cao.
“Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ trên các mảng lớn như vậy để tăng thu nhập người dân, tăng chất lượng, đa dạng sản phẩm, giảm giá thành. Có như vậy chúng ta mới kích cầu tiêu dùng được”, ông Lâm nhấn mạnh
Về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, cho biết rằng từ ngày 18/2, chính sách miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống sẽ chính thức bị bãi bỏ. Quy định này nhằm hạn chế việc mua sắm trên các nền tảng xuyên biên giới và thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử trong nước.
Về khuyến khích tiêu dùng, ông Cường cho biết giảm thuế VAT 2% sẽ gia hạn đến giữa năm nay: “Chúng tôi cũng có kiến nghị giảm thuế thu nhập cá nhân để tăng nguồn tiền cho người dân mua sắm. Đặc biệt với du lịch chúng ta quan tâm tăng cường chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tăng chi tiêu, hạn chế tình trạng khách cầm tiến đến rồi cầm tiền về”.
Đỗ Kiều