Ông Trump phát biểu tại biên giới Mỹ - Mexico vào tháng 8/2024. Ảnh: Getty
Theo truyền thông Mỹ, những năm gần đây, cuộc khủng hoảng fentanyl (loại opioid được sử dụng như thuốc giảm đau nhưng cũng được dùng để tổng hợp thành ma túy) tại Mỹ đã leo thang với tốc độ đáng báo động, gây ra 70.000 ca tử vong mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng cuộc chiến nhằm vào fentanyl làm lý do để áp đặt các mức thuế cứng rắn lên 3 đối tác thương mại quan trọng của Mỹ là Mexico, Canada và Trung Quốc.
Nhưng liệu động thái này có thực sự giúp kiểm soát cuộc khủng hoảng fentanyl hay chỉ là một phần trong chiến lược thương mại và chính trị của ông Trump?
Ba mắt xích Mỹ cáo buộc trong “đường dây” fentanyl
Theo Washington Post, fentanyl chủ yếu được sản xuất từ các "tiền chất" hóa học (các hóa chất cần thiết để tạo ra fentanyl) có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó được các băng đảng ma túy Mexico tổng hợp thành ma túy và đưa vào Mỹ qua biên giới phía nam. Trong khi đó, theo NPR, Canada dính dáng rất ít đến đường dây buôn lậu này, nhưng vẫn bị ông Trump đưa vào danh sách các nước bị trừng phạt bằng thuế quan.
Các tổ chức tội phạm Mexico, đặc biệt là các băng đảng Sinaloa và Jalisco, đã tận dụng công nghệ và nguồn "tiền chất" được cho là từ Trung Quốc để sản xuất fentanyl trong các phòng thí nghiệm bí mật.
Do fentanyl mạnh gấp 50 lần heroin và có thể vận chuyển dễ dàng trong những lô hàng nhỏ, việc phát hiện và tịch thu loại ma túy này trở nên vô cùng khó khăn.
Sự liên quan của Canada tới "đường dây" fentanyl khá hạn chế. Năm 2024, chỉ có khoảng 20 kg fentanyl bị thu giữ tại biên giới Mỹ - Canada, so với con số khổng lồ gần 10 tấn bị tịch thu tại biên giới Mỹ - Mexico.
Tuy nhiên, để tránh xung đột thương mại, Canada đã cam kết siết chặt kiểm soát, đầu tư 1,3 tỷ USD vào hệ thống phát hiện hóa chất tại biên giới và lập một lực lượng đặc nhiệm chung với Mỹ.
Theo Washington Post, về phía Trung Quốc, dù chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu "tiền chất" fentanyl, nhưng nhiều công ty hóa chất vẫn tìm cách lách luật và tiếp tục cung cấp nguyên liệu cho các băng đảng Mexico. Điều này khiến Mỹ không hài lòng, dẫn đến căng thẳng trong quan hệ song phương.
Thuế quan của ông Trump - Công cụ chống fentanyl hay đòn bẩy thương mại?
Một số chuyên gia cho rằng ông Trump tung đòn thuế quan là để tạo lợi thế đàm phán. Ảnh minh họa: Daybreak/Getty Images
Dưới áp lực từ cuộc khủng hoảng fentanyl và mong muốn kiểm soát chặt chẽ biên giới, ông Trump quyết định áp thuế lên hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng động thái này không thực sự nhằm vào fentanyl mà là một chiến lược rộng lớn hơn để tạo lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại.
Khi Mexico đứng trước nguy cơ bị áp thuế, nữ Tổng thống Claudia Sheinbaum đã ngay lập tức điều động 10.000 binh sĩ đến biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán fentanyl.
Ở chiều ngược lại, Mỹ cam kết sẽ hạn chế dòng chảy vũ khí vào Mexico để đổi lấy sự hợp tác này. Đây là một minh chứng cho thấy thuế quan của ông Trump không chỉ là công cụ kinh tế mà còn là đòn bẩy chính trị mạnh mẽ, theo NPR.
Trong khi đó, Canada đã tìm cách xoa dịu căng thẳng với Mỹ bằng cách bổ nhiệm một “đặc phái viên fentanyl”, đưa các băng đảng Mexico vào danh sách khủng bố và triển khai các biện pháp chống rửa tiền. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng quốc gia này vẫn bị cuốn vào cuộc chiến thương mại nhiều hơn là cuộc chiến chống ma túy.
Với Trung Quốc, căng thẳng leo thang khi Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ trước các cáo buộc của ông Trump. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố fentanyl là vấn đề nội bộ của Mỹ và không thể đổ lỗi cho Trung Quốc khi nhu cầu tiêu thụ fentanyl tại Mỹ vẫn rất lớn.
Điều này khiến mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục rạn nứt, nhất là khi Washington không chỉ nhắm vào fentanyl mà còn sử dụng thuế quan để gia tăng áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc.
Liệu thuế quan có thể giải quyết cuộc khủng hoảng fentanyl?
Chuyên gia không đánh giá cao đòn thuế quan của ông Trump trong việc giải quyết khủng hoảng fentanyl. Ảnh: India Today
Theo NPR, mặc dù ông Trump sử dụng fentanyl như một cái cớ để áp thuế, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây không phải là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ma túy tại Mỹ.
Cựu quan chức Lực lượng chống ma túy (DEA) Mike Vigil nhận định, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở nhu cầu tiêu thụ fentanyl khổng lồ bên trong nước Mỹ. Ngay cả khi các quốc gia như Mexico, Canada và Trung Quốc siết chặt kiểm soát, thì chừng nào vẫn còn người sử dụng ở Mỹ, vẫn sẽ có nguồn cung từ nơi khác.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại do ông Trump khơi mào có thể làm tổn hại đến các nỗ lực hợp tác chống ma túy, trang NPR nhận định. Ví dụ, Trung Quốc đã hợp tác với Mỹ dưới thời chính quyền ông Biden để kiểm soát các "tiền chất" chế tạo fentanyl, nhưng các biện pháp trừng phạt thương mại của ông Trump có thể khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ và không còn hợp tác.
Hơn nữa, dù Mexico đã triển khai binh sĩ và Canada tăng cường kiểm soát biên giới, việc chặn đứng hoàn toàn dòng chảy fentanyl vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và đầu tư vào công nghệ phát hiện tiên tiến.
Nguyễn Thái - RT