Chiều 4/5, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo thông tin dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi họp báo, đại diện Ủy ban Kinh tế và Tài chính trả lời câu hỏi liên quan đến nguồn kinh phí cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, cụ thể là việc thực hiện chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Ông Phan Đức Hiếu trả lời tại họp báo. Ảnh: Như Ý.
Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho hay, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 gồm nhiều khoản.
Ngoài khoản thực hiện chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động, theo ông Hiếu, còn hai khoản quan trọng là miễn học phí cho học sinh công lập và nguồn kinh phí 3% thực hiện Nghị quyết số 57 về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ông Hiếu cho rằng, việc thẩm tra chi ngân sách càng ngày càng khó, tuy nhiên nguyên tắc chung là theo thẩm quyền và sự cần thiết. "Việc chi trả chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động có cần thiết không? Chắc chắn là cần phải chi rồi. Vậy có ngân sách không, lấy từ nguồn nào? Tính khả thi ra sao", ông Hiếu nêu vấn đề
Theo ông, Chính phủ báo cáo sẽ sử dụng từ 2 nguồn: Nguồn cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2024 còn dư, chuyển nguồn sang năm 2025; dự toán ngân sách năm 2025, dự kiến lấy từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương năm 2025. Nếu cần thiết, có nguồn rồi mà ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô thì phải xem xét, điều chỉnh.
"Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy vấn đề gì cần điều chỉnh. Nhưng năm nay là năm có nhiều diễn biến khó lường, nên các chính sách tài khóa, tiền tệ luôn được xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng, thận trọng", đại biểu Phan Đức Hiếu cho hay.
Trước đó, Chính phủ đã gửi Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2025.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị cho phép sử dụng 15.710 tỷ đồng nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 để bổ sung dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng quy định tại các Nghị định số 178 và Nghị định số 67 của Chính phủ.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 28.290 tỷ đồng dự toán thu ngân sách trung ương năm 2025 để thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng.
Theo Chính phủ, tổng kinh phí 44.000 tỷ đồng nêu trên được đề xuất thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Luân Dũng