Năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,4 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 64 - 65 tỷ USD. Trọng tâm là tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm và tích hợp đa giá trị. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ khuyến khích phát triển mô hình sản xuất lớn theo hướng hữu cơ, tuần hoàn.
Những định hướng này cho thấy "xanh hóa" đang trở thành xu hướng chủ đạo, được ưu tiên và tạo điều kiện phát triển trên phạm vi toàn quốc. Điều này cũng gợi mở rằng trong năm 2025 và các năm tiếp theo, các chính sách đầu tư, tài chính và tín dụng sẽ ngày càng chú trọng vào việc hỗ trợ nông nghiệp xanh, với những ưu đãi về lãi suất, điều kiện tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại.
Trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, nông nghiệp Việt Nam dù giàu truyền thống vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức do mô hình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp tài chính thiết thực và đồng hành cùng người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết.
Tín dụng xanh: Công cụ dẫn dắt chuyển đổi
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025, bà Thái Hương - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á chia sẻ: "Nông nghiệp sạch, công nghệ cao luôn là ưu tiên đầu tư hàng đầu, đồng thuận với định hướng phát triển kinh tế xanh của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước".
Với ngân hàng này, nông nghiệp – đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – không chỉ là lĩnh vực trọng yếu mà còn là đòn bẩy chiến lược trong tăng trưởng tín dụng những năm tới".
Bà Thái Hương – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á.
Từ ngành sữa đến thực phẩm, Bắc Á Bank đều theo đuổi chiến lược đưa người nông dân trở thành một mắt xích chủ động trong chuỗi giá trị. Nhưng để làm được điều đó, nền nông nghiệp buộc phải chuyển mình – phải cao hơn, xanh hơn và thông minh hơn. Việc đào tạo nông dân ứng dụng công nghệ cao không thể chỉ dừng lại ở lý thuyết. Công nghệ cao bao gồm nhiều khâu: Từ thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu sang cơ giới hóa hiện đại, nơi một chiếc máy có thể thay thế đến 800 lao động, cho đến việc số hóa quy trình, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc toàn cầu.
Trong quá trình tái cấu trúc, Bắc Á Bank từng dành đến 70% dư nợ cho nông nghiệp. Dù tỉ trọng hiện tại giảm còn khoảng 50%, nhưng đó là do dư nợ toàn hệ thống tăng lên chứ chiến lược vẫn không hay đổi. Ngân hàng tiếp tục xây dựng các dự án tích hợp, đưa thanh niên vào đào tạo bài bản, và theo đuổi giấc mơ kinh tế rừng – một mô hình phát triển dài hơi, cần đánh giá lại thực trạng và chính sách về tài nguyên rừng.
Đại diện Bắc Á Bank khẳng định, cấp tín dụng cho nông nghiệp không thể làm đơn lẻ mà cần tư vấn, đồng hành, đưa khoa học quản trị vào quy trình để đảm bảo chất lượng và tối ưu chi phí.
Thực tế cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn là khu vực được hệ thống ngân hàng dành nhiều chương trình ưu tiên, ưu đãi nhất. Riêng hoạt động cho vay sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, đến cuối năm 2024, các tổ chức tín dụng đã giải ngân khoảng 124.000 tỷ đồng.
Với Đề án Phát triển một triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, hàng chục mô hình sản xuất lớn đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Các ngân hàng thương mại cũng cam kết không giới hạn hạn mức tín dụng. Trong khi đó, với gói vay ưu đãi lãi suất dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, hạn mức đã tăng từ 15.000 tỷ lên 60.000 tỷ đồng, với dư nợ cho vay ở nhiều địa phương đạt 4.000 – 5.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 1-2%/năm.
Nông nghiệp sạch, công nghệ cao luôn là ưu tiên đầu tư hàng đầu.
Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhận định: "Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh là tất yếu và sống còn. Tín dụng xanh là công cụ tài chính quan trọng để nông dân, HTX và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn".
Khó tiếp cận tín dụng phục vụ chuyển đổi sang sản xuất xanh và bền vững đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Lý giải cụ thể, ông Lê Đức Thịnh cho biết, các tác nhân trong chuỗi từ HTX, doanh nghiệp đến các nhóm hộ và trang trại đều gặp khó khăn khi vay vốn do vướng hai điều kiện cơ bản là phải có tài sản thế chấp và dự án vay vốn rõ ràng.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu cấp thiết về một cơ chế tín dụng linh hoạt, phù hợp hơn với đặc thù sản xuất nông nghiệp xanh là điều không thể phủ nhận.
Đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch
Liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị, đặc biệt là vai trò tiên phong của doanh nghiệp, đang ngày càng trở nên quan trọng. Trong làn sóng đổi mới này, doanh nghiệp chính là mắt xích then chốt dẫn dắt sự chuyển dịch, không chỉ trong sản xuất mà còn trong việc tạo dựng các mô hình liên kết hiệu quả, từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững.
Tuy nhiên, để hệ sinh thái đó thực sự vận hành, ngoài việc khơi thông nguồn vốn thì còn cần sự cộng hưởng từ phía thị trường. Bởi lẽ, dòng chảy tín dụng chỉ phát huy hiệu quả khi sản phẩm đầu ra có chỗ đứng vững chắc. Đó cũng là lý do vì sao, bên cạnh câu chuyện về vốn, bài toán về tiêu dùng và những đòi hỏi ngày càng khắt khe từ thị trường cũng đang trở thành tâm điểm được quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Thứ – Chủ tịch HĐQT GC Food.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thứ – Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food cho biết, những người sản xuất nông sản theo hướng an toàn với chi phí sản xuất cao hơn thường khó cạnh tranh về giá với sản phẩm canh tác đại trà không được kiểm soát. Trong khi đó, người tiêu dùng luôn mong muốn có những thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng thực tế lại không dễ để mua được sản phẩm đúng nghĩa "sạch".
"Trong "ma trận" thực phẩm sạch - "bẩn" lẫn lộn, chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng được một chuỗi nông sản sạch, an toàn với giá cả phù hợp đến tay người tiêu dùng", ông Thứ nói.
Bằng cách tự sản xuất đồng thời liên kết, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân dưới sự giám sát, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, GC Food đảm bảo được nguồn nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình nông nghiệp bền vững, góp phần lan tỏa văn hóa sản xuất nông nghiệp sạch tại Việt Nam.
Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư làm nông sản chắc chắn phải xác định là trường kỳ và thực sự khó nhằn, nếu chỉ chăm chăm vào lợi nhuận trước mắt sẽ khó mà làm được.
Ông Thứ nhấn mạnh, cần tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển nền nông nghiệp xanh không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhấn mạnh, nông nghiệp là một trong 5 lĩnh vực cần ưu tiên tín dụng xanh.
Phát triển bền vững là tăng trưởng đi kèm với trách nhiệm không tàn phá môi trường, không làm tổn hại tới tương lai.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Hùng, các ngành hàng này cần có khuôn khổ chính sách hỗ trợ tốt hơn, từ cơ chế tính phí dịch vụ cân đối giữa lợi ích xã hội và bù đắp được chi phí đầu tư vận hành, đến các biện pháp hỗ trợ tài chính hay chia sẻ rủi ro đầu tư để thu hút được đầu tư tư nhân quy mô lớn. Khi thị trường các ngành này sôi động, đây sẽ là cơ hội đáng kể để phát triển tài chính xanh.
Dưới góc nhìn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), kinh tế xanh là một thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Trong quá trình phát triển, cần đặt trọng tâm vào việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo đảm tiến bộ xã hội.
Ông tinh thần chung là phải tăng trưởng phải đi kèm với trách nhiệm không tàn phá môi trường, không làm tổn hại tới tương lai, đó mới là phát triển bền vững.
Theo ông Huân, để thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, Việt Nam cần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0", bằng cách hạn chế khí thải trong mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống. Ngành lâm nghiệp đóng vai trò then chốt khi phải trồng thêm rừng đủ lớn để hấp thụ khoảng 80 triệu tấn carbon vào năm 2050, mức hấp thụ cần thiết để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không.
Ông cũng lưu ý rằng, Việt Nam chấp nhận đạt đỉnh phát thải vào năm 2035 và sau đó sẽ bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng công nghệ cũ, gây tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều khí nhà kính, ảnh hưởng đến tiến trình này.
Về mặt chính sách, ông Huân nhận định khung pháp lý hiện hành cho kinh tế xanh tuy đã có nền tảng, nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Vì vậy, cần bổ sung thêm các đạo luật, quy định cụ thể để các ngành và địa phương có cơ sở triển khai thống nhất.
Ông nhấn mạnh, để người dân và doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, ngoài việc duy trì định hướng xuyên suốt từ Đảng và Nhà nước, rất cần sự hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như các biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm khơi dậy hành động từ cộng đồng ngay từ bây giờ.
Phương Anh - Thu Hương
Nguyễn Phương Anh