Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết
7 giờ trướcBài gốc
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 1.710 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 115% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 5 đến tháng 11 là cao điểm của dịch, nên tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo người dân chung tay đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa bệnh SXH.
Số ca mắc tăng
Ngày 8-5, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, có 10 ca mắc SXH đang điều trị, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Bà Phạm Thị Trung (70 tuổi, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) cho biết, trước đó bà bị sốt, cứ nghĩ là bệnh cảm sốt thông thường nên mua thuốc về uống. Tuy nhiên, sau 4 ngày bệnh không giảm mà nặng thêm nên bà vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa điều trị. Tại đây, bà Trung được bác sĩ chẩn đoán bị SXH. Qua 3 ngày điều trị, sức khỏe của bà đã ổn, dự kiến sẽ được xuất viện trong tuần này. Cùng buồng bệnh, ông Trần Văn Lũy (72 tuổi, chồng bà Trung) cũng đang điều trị do SXH. Ông phát bệnh sau bà Trung 2 ngày. Được đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện điều trị tích cực, hiện nay sức khỏe của ông đã ổn, không còn tình trạng sốt cao như những ngày trước.
Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa khám và điều trị cho hơn 410 ca mắc SXH, trong đó có 16 ca nặng, 69 ca cảnh báo, 24 ca chuyển viện lên tuyến trên điều trị tiếp. Bác sĩ chuyên khoa I Trần Lê Giang - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa cho biết: “Những năm gần đây, bệnh SXH không chỉ ghi nhận ở trẻ em như trước mà số ca mắc ở người lớn cũng tương đối cao. Trẻ em và người lớn khi mắc bệnh đều có biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Ở trẻ, biến chứng thường gặp là choáng, chảy máu; ở người lớn thường đi kèm với bệnh nền nên dễ dẫn đến xuất huyết nặng”.
Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 1.710 ca mắc SXH, tăng 115% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 74 trường hợp nặng và 227 ca có dấu hiệu cảnh báo; có 83 ổ dịch được phát hiện và xử lý. Các địa phương ghi nhận số ca mắc cao gồm: Nha Trang 584 ca, Ninh Hòa 463 ca, Diên Khánh 289 ca và Cam Ranh 142 ca. Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca mắc SXH tháng 1 và 2 thấp hơn so với mức trung bình 5 năm, tuy nhiên, số ca mắc tháng 3, tháng 4 tăng và vượt số mắc trung bình 5 năm, điều này cho thấy tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Cần sự chung tay phòng bệnh
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngay từ đầu năm, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống bệnh SXH như: Giám sát, điều tra ca bệnh, xử lý ổ dịch, tổ chức diệt lăng quăng định kỳ… Các huyện, thị xã đã phối hợp với ngành Y tế, Đoàn Thanh niên triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nguy cơ cao. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn gia tăng, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng kéo dài của dịch cuối năm 2024 (mỗi tháng ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh). Cùng với đó, việc xử lý ổ dịch ở các địa phương chưa triệt để, cộng với tâm lý chủ quan của người dân là yếu tố làm dịch kéo dài. Nhiều hộ gia đình vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc diệt lăng quăng; các chiến dịch phòng, chống dịch tại địa phương hiệu quả chưa cao, chủ yếu mới dừng lại ở tuyên truyền. Công tác truyền thông còn hạn chế, người dân chưa nhận thức đầy đủ về bệnh và các biện pháp phòng ngừa, vẫn trữ nước trong các dụng cụ nhưng không che đậy kín, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Ngoài ra, hệ thống phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm bị gián đoạn cũng gây cản trở cho việc cập nhật và giám sát dịch tễ…
Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra lăng quăng trong bình hoa tại hộ dân ở huyện Cam Lâm.
Để công tác phòng, chống bệnh SXH đạt hiệu quả trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh kiến nghị các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường cần tổ chức diệt lăng quăng hằng tuần tại các khu vực nguy cơ cao; đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống ngay tại hộ gia đình; phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, huy động sự phối hợp của lực lượng liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh và phát huy vai trò giám sát cộng đồng của người dân. Ngoài ra, cần có chế tài đối với cán bộ và hộ dân không tuân thủ các quy định phòng dịch. Với người dân, cần chung tay với các cấp, ngành nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, chủ động diệt muỗi, lăng quăng tại nơi ở... Có như thế mới hạn chế số ca mắc mới, khống chế dịch bệnh không bùng phát trên diện rộng.
C.ĐAN
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202505/nguy-co-bung-phat-dich-benh-sot-xuat-huyet-edd21b3/