Nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu

Nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu
19 giờ trướcBài gốc
Năm 2024, Bình Thuận đã xảy ra 42 vụ cháy, thiệt hại về tài sản trên 8,2 tỷ đồng. Quý I/2025, toàn tỉnh không xảy ra cháy lớn, kể cả các khu dân cư, nhưng một số nơi xa khu dân cư xảy ra cháy lan trên diện rộng. Gần đây nhất, khoảng 19h ngày 20/3, tại khu vực núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong) xảy ra cháy. Toàn bộ diện tích bị cháy không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, song do nơi đây có nhiều loại cây bụi, có thực bì khô nên ngọn lửa khi gặp gió đã nhanh chóng phát triển thành đám cháy trên diện tích khoảng 2 ha. Theo nhận định ban đầu của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến cháy ở núi Tàu có thể do người dân trong quá trình tham gia giao thông trên quốc lộ 1A đã hút thuốc rồi vứt tàn thuốc vào đám cỏ khô dẫn đến cháy lan.
Diễn tập chữa cháy, cứu nạn ở khu dân cư.
Điều đó cho thấy, một bộ phận người dân còn xem nhẹ, chủ quan trong việc bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH). Trên thực tế, rất nhiều khu dân cư cũng nằm xen kẽ với nơi có thực bì khô, nhưng kiến thức, kỹ năng về PCCC của người dân còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, chưa quyết liệt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện trong nhân dân thời điểm này vẫn cao hơn những tháng mùa mưa. Khoảng 2h20 ngày 2/4/2025, tại căn nhà có 8 người ở trên đường Mạc Vân, phường Xóm Củi, quận 8 (TP. HCM) cũng bất ngờ xảy ra cháy. Vụ cháy khiến 3 người tử vong (2 người lớn và 1 trẻ em), 5 người đã kịp thoát ra ngoài. Vụ cháy trên một lần nữa cảnh báo nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu. Do đó, không được chủ quan trước nguy cơ cháy nổ, đồng thời phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn, cứu hộ là điều rất cần thiết.
Để đảm bảo an toàn PCCC, ngành chức năng của tỉnh đã đưa ra khuyến cáo cụ thể cho trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đề nghị người dân, doanh nghiệp phải bố trí để đồ dùng, hàng hóa gọn gàng, không để hàng hóa dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn điện, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa xăng, dầu... phải đậy kín. Phải lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Lựa chọn thiết bị điện chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
Mặt khác, không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn vào cùng một ổ cắm. Mỗi gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải chuẩn bị phương án thoát nạn qua ban công, cửa sổ, lối sang mái nhà bên cạnh để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Khi xảy ra cháy, nổ, cần huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy tại chỗ và báo nhanh cho Cảnh sát PCCC số máy 114.
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm việc tự kiểm tra an toàn PCCC; kịp thời khắc phục sơ hở thiếu sót về PCCC&CNCH. Xây dựng, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng cơ sở, đội dân phòng. Công an tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”. Rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. Tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm PCCC tại các địa bàn, khu vực trọng điểm, trong đó tập trung kiểm tra, hướng dẫn về PCCC&CNCH đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm, cháy nổ cao...
LÊ PHÚC
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/nguy-co-chay-no-van-hien-huu-129067.html