Bệnh nhân nhập viện do tự thụt tháo đại tràng được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh số 1. “
Tin vào “detox”, mất luôn đại tràng
Tin vào quảng cáo “thải độc đại tràng bằng nước chanh muối”, bà Nguyễn Thị H. (54 tuổi, ở tỉnh Bắc Ninh) phải trải qua một cuộc đại phẫu. Nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ, chướng nhẹ, ăn kém, bà được chẩn đoán viêm lan tỏa ruột non và đại tràng, kèm hoại tử đoạn đại tràng sigma – biến chứng nặng, buộc phải mổ cấp cứu trong đêm.
Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân từng điều trị bán tắc ruột tại cơ sở y tế địa phương trước đó một tuần, sau khi ra viện thì tái phát triệu chứng. Điều đáng chú ý, bà H. cho biết đã thực hiện thụt tháo đại tràng tại nhà bằng nước chanh pha muối trong suốt 6 tháng, với tần suất 2 - 3 lần mỗi tuần. Trước đó, chồng bà cũng áp dụng phương pháp tương tự gần một năm.
Ca phẫu thuật do kíp bác sĩ của Khoa Ngoại Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh số 1) thực hiện đã cắt bỏ đoạn đại tràng hoại tử và làm hậu môn nhân tạo. Theo BSCKII Trần Nhật Hùng - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể bị thủng đại tràng, dẫn tới viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng, thậm chí tử vong. “Thụt tháo bằng chanh muối là hành vi nguy hiểm. Đây là dung dịch có tính axit nhẹ, dễ gây tổn thương niêm mạc ruột nếu sử dụng kéo dài, đặc biệt khi thực hiện tại nhà, không có kiểm soát liều lượng và vô khuẩn” – BS Hùng cảnh báo.
Không chỉ chanh muối, trước đó, trên mạng xã hội cũng từng đang lan truyền phương pháp thụt tháo đại tràng bằng cà phê cũng gây hậu quả tương tự. Tại Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.P. (38 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng đau dữ dội vùng chậu, đi ngoài ra máu ngay sau khi thụt cà phê tại một phòng khám tư. Chụp cộng hưởng từ cho thấy vỡ trực tràng 1/3 dưới, áp xe khoang sau phúc mạc. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, khâu chỗ vỡ, dẫn lưu ổ nhiễm trùng và làm hậu môn nhân tạo tạm thời.
Vì sao những phương pháp “detox đại tràng” vẫn thu hút nhiều người? Câu trả lời nằm ở sự lan truyền tràn lan của thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội. Từ TikTok đến YouTube, nhiều “hướng dẫn viên” không chuyên rao bán dụng cụ thụt tháo, chỉ cách đun cà phê, pha nước muối hay tinh dầu rồi tự truyền vào hậu môn. Họ khẳng định phương pháp này giúp làm sạch ruột, tăng miễn dịch, chống trầm cảm, thậm chí hỗ trợ điều trị ung thư – những tuyên bố không có bất kỳ bằng chứng y học chính thống nào xác nhận.
Thực tế, TS.BS Nguyễn Thành Khiêm - Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: “Cà phê không tác động đến hấp thu calo vì quá trình hấp thu dinh dưỡng diễn ra ở ruột non. Việc đưa cà phê vào ruột già hoàn toàn không giúp giảm cân, mà còn phá vỡ hệ vi sinh đường ruột – một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sức khỏe tiêu hóa”.
Theo tài liệu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), cho đến nay không có bất kỳ cơ sở nào chứng minh các phương pháp thải độc kiểu này có khả năng “loại bỏ độc tố” khỏi cơ thể hay cải thiện sức khỏe. Ngược lại, nhiều nguy cơ đã được ghi nhận như mất cân bằng điện giải, viêm ruột, tổn thương trực tràng, suy giảm chức năng tiêu hóa, thậm chí tử vong. Nghiên cứu của Heejung Son (Hàn Quốc, 2020) tổng hợp 9 nghiên cứu từ năm 1980 về thụt cà phê cho thấy không có hiệu quả rõ rệt, trong khi ít nhất 3 ca tử vong được báo cáo do biến chứng từ phương pháp này.
Cơ thể không cần thải độc
Đối với nhiều người, ý tưởng “thải độc” đại tràng nghe có vẻ hợp lý: cơ thể hiện đại bị “nhiễm độc” bởi thực phẩm công nghiệp, stress, lối sống tĩnh tại… nên cần được làm sạch. Nhưng theo các chuyên gia, đây hiển nhiên là một ngộ nhận, bởi chính cơ thể con người đã được thiết kế với các cơ chế đào thải tự nhiên vô cùng hiệu quả, nếu không can thiệp thô bạo và sai cách.
TS.BS Nguyễn Thành Khiêm khẳng định, đại tràng không phải nơi chứa “độc”, càng không phải là nơi cần được súc rửa thường xuyên như nhiều người lầm tưởng. “Hệ tiêu hóa của con người đã có chu trình loại bỏ cặn bã thông qua ruột già, với thời gian lưu thông ruột kéo dài khoảng 3 ngày. Trong quá trình đó, nước và chất dinh dưỡng còn lại tiếp tục được hấp thu, phần cặn bã dần định hình thành phân và được đào thải tự nhiên. Hệ vi sinh vật trong đại tràng – gồm hàng nghìn tỷ vi khuẩn đóng vai trò thiết yếu trong việc tiêu hóa, tổng hợp vitamin và điều hòa miễn dịch. Việc thụt tháo, dù bằng nước lọc hay cà phê, đều có nguy cơ rửa trôi hệ vi sinh này, gây mất cân bằng kéo dài và suy giảm chức năng tiêu hóa. Không ít bệnh nhân sau khi thụt vài lần thì bị mất phản xạ đại tiện. Tức là, nếu không thụt thì không đi ngoài được. Điều này khiến ruột già dần mất khả năng co bóp, nhu động kém, và cuối cùng là táo bón mạn tính – đúng điều họ đang cố tránh” – BS Khiêm cho biết. Thậm chí, nhiều người còn dùng thuốc nhuận tràng, viên xổ hoặc bột thải độc theo chu kỳ như một thói quen giảm cân, trong khi các bằng chứng khoa học đều khẳng định: calo được hấp thu ở ruột non, đại tràng không đóng vai trò trong quá trình này.
Nguy cơ nghiêm trọng nhất khi thụt tháo là thủng trực tràng hoặc đại tràng. Một đầu ống đưa vào quá sâu, động tác không đúng kỹ thuật, dung dịch quá nóng hoặc có tính ăn mòn – tất cả đều có thể gây tổn thương niêm mạc ruột, thậm chí gây vỡ thành ruột. Nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có thể rơi vào sốc nhiễm trùng, viêm phúc mạc, nguy cơ tử vong rất cao.
Người thực hiện không hề biết rằng hệ tiêu hóa - vốn vận hành theo một cơ chế tự điều chỉnh tinh vi có thể bị phá vỡ chỉ sau vài thao tác tưởng chừng “tự nhiên”.
Theo khuyến nghị của bác sĩ, cách tốt nhất để “giữ sạch” đại tràng là duy trì lối sống khoa học: ăn đủ chất xơ (trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên cám), uống đủ nước, ngủ đủ giấc và vận động đều đặn. Cần tránh rượu bia, thuốc lá, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ – những yếu tố khiến hệ tiêu hóa trì trệ và làm tăng độc chất nội sinh.
Với người bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, táo bón, đầy hơi, chướng bụng…, giải pháp không phải là tự “làm sạch ruột”, mà là đến khám bác sĩ chuyên khoa. Có thể, điều họ thực sự cần là điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung lợi khuẩn hoặc điều trị dứt điểm bệnh nền như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích.
Khi đại tràng vẫn còn nguyên vẹn, đừng “tẩy rửa” nó theo cách khiến chính cơ quan này bị tổn thương. Thay vì biến cơ thể thành phòng thí nghiệm cho những phương pháp thiếu kiểm chứng, mỗi người cần đủ tỉnh táo để nhận ra: sức khỏe là thứ không thể “giải độc” lại được nếu đã bị phá vỡ.
Đức Trân