Nguy cơ chiến tranh thương mại phủ bóng kinh tế toàn cầu

Nguy cơ chiến tranh thương mại phủ bóng kinh tế toàn cầu
3 giờ trướcBài gốc
Tuyên bố làm dậy sóng thương mại thế giới
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 25-11 tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada, và thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Chủ nhân Nhà trắng sắp tới cho biết, quyết định về việc này sẽ được ông ký ban hành ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, tức ngày 20-1-2025.
Giới kinh tế lo ngại trước tuyên bố áp thuế cao với hàng hóa của Mexico, Canada và Trung Quốc vào Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Trong thông tin được đăng tải trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống đắc cử Donald Trump nêu rõ, việc áp thuế đối với Mexico và Canada sẽ được áp dụng cho đến khi hai quốc gia láng giềng này siết chặt các biện pháp ngăn chặn ma túy, đặc biệt là fentanyl, và tình trạng người di cư vượt biên trái phép. Tương tự, ông Donald Trump cũng tuyên bố áp mức thuế bổ sung 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vì “lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ không thay đổi cho tới khi vấn đề này được giải quyết.
Quyết định áp thuế 25% đối với đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada nếu được ban hành sẽ chấm dứt Thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Điều đáng nói là mức thuế mới mà Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận là hiệp định thương mại tự do có hiệu lực năm 2020 vốn được chính ông đặt bút ký thành luật trên cương vị Tổng thống.
Tuyên bố áp thuế với Mexico, Canada và Trung Quốc dù không bất ngờ vì từng được ông Donald Trump nhiều lần đề cập khi tranh cử, song vẫn gây chấn động bởi đây là những đối tác thương mại lớn của Mỹ. Trong đó, Mexico hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau không chỉ trong phạm vi USMCA mà còn trên quy mô toàn cầu. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9-2024, kim ngạch thương mại song phương Mỹ - Mexico đạt 632 tỷ USD, chiếm tới 15,9% tổng kim ngạch ngoại thương toàn cầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cùng kỳ, Canada và Trung Quốc là các đối tác thương mại lớn thứ 2 và thứ 3 của Mỹ với tỷ trọng lần lượt đạt 14,4% và 10,8%.
Do đó, việc chính quyền sắp tới ở Mỹ quyết định áp thuế ở mức cao sẽ gây khó cho hàng hóa của Mexico, Canada và Trung Quốc vào thị trường lớn nhất thế giới này. Thế nên, không ngạc nhiên khi Chính phủ 3 đối tác kinh tế lớn này của Mỹ đã lập tức lên tiếng chỉ trích, phản ứng gay gắt, đồng thời cảnh báo sẽ có những biện pháp trả đũa.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26-11 phê phán ý định áp thuế với hàng hóa của nước này vào Mỹ là “không thể chấp nhận được vì sẽ khiến nền kinh tế của hai quốc gia rơi vào vòng xoáy suy thoái, đồng thời đẩy tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao”. Tổng thống Claudia Sheinbaum tuyên bố, nếu Mỹ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Mexico thì nước này sẽ áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Mỹ ở mức tương ứng và hành động này sẽ gây tổn hại cho hoạt động kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp của 2 quốc gia thuộc khu vực Bắc Mỹ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Thủ đô Washington của Mỹ ngay cùng ngày 25-11 đã đưa ra cảnh báo rằng, cả hai nước đều sẽ không được hưởng lợi nếu xảy ra chiến tranh thương mại. Đây được xem là để đáp lại việc Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngay khi lên nắm quyền vào tháng 1-2025.
Dù Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong phản ứng chính tỏ ra “nhẹ nhàng” hơn khi cho biết, sẽ triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo các địa phương để tìm kiếm các giải pháp nhằm ứng phó với nguy cơ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ bị áp mức thuế quan mới, song nhiều quan chức Canada đã lên tiếng chỉ trích lời đe dọa áp thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ. Đồng thời cảnh báo về những biện pháp mà quốc gia này có thể đáp trả.
Nhiều hệ lụy khôn lường
Việc áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada, và thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc nếu được thực thi khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng từ ngày 20-1-2025 có nguy cơ đẩy Mỹ cùng 3 quốc gia trên vào tranh cãi, xung đột thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại. Điều này tác động rất lớn tới không chỉ các quốc gia “trong cuộc” mà cả dòng chảy thương mại trên thế giới cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố áp thuế ngày 25-11 của Tổng thống đắc cử Donald Trump vì thế đã gây chấn động khắp các thị trường toàn cầu, với các chỉ số chứng khoán châu Á giảm và đồng USD tăng giá. Mối đe dọa về căng thẳng thương mại gia tăng đã làm dấy lên lo ngại về bất ổn kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nhiều như Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ sẽ đẩy thuế nhập khẩu của Mỹ trở lại mức cao kỷ lục từng ghi nhận vào năm 1930 và làm gia tăng lạm phát, sụp đổ mối quan hệ thương mại đa phương, kích động các biện pháp trả đũa và thậm chí tái cấu trúc toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong lịch sử, chính sách thuế quan thường được sử dụng để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa trước sự cạnh tranh từ nước ngoài khi tăng giá thành hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc chi phí tăng thường được chuyển dần qua các khâu trong chuỗi cung ứng và cuối cùng là đến tay người tiêu dùng. Điều này đã được thấy rất rõ trong các tranh chấp thương mại trước đây giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump.
Ngay từ nhiệm kỳ đầu 2016-2021, việc ông Donald Trump áp dụng mức thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện. Theo đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều áp thuế lên hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau. Mặc dù đã có một vài nhượng bộ từ cả hai phía trong thỏa thuận giai đoạn 1 được ký vào ngày 15-1-2020 nhưng khoảng 370 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc vẫn phải chịu mức thuế cao hơn khi vào Mỹ và các khoản này tương đương với mức tăng thuế hàng năm từ 200 - 300 USD đối với mỗi hộ gia đình Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, với việc áp thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ có thể tăng mạnh. Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ lên tới 3,7% vào năm 2025, cao hơn nhiều so với mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng Trung ương Mỹ). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức mua của người dân mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung và gia tăng chi phí sản xuất trong nước.
Nếu Mỹ áp đặt thuế quan cao với hàng hóa nhập khẩu hoặc tăng trưởng chậm lại, các nước sẽ mất đi thị phần đáng kể tại thị trường xuất khẩu lớn nhất. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có thể bị hút về Mỹ, gây suy giảm đầu tư tại các quốc gia khác. Đối với Trung Quốc, mục tiêu cắt giảm xuất khẩu dư thừa có thể tạo ra cuộc chiến giá cả toàn cầu, dẫn đến sự bất ổn trong thương mại quốc tế, và kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
HOÀNG HÀ
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/nguy-co-chien-tranh-thuong-mai-phu-bong-kinh-te-toan-cau-post596753.antd