Tháng 5/2025, Hà Nội ghi nhận ca mắc rubella đầu tiên. Bệnh nhân là bé gái 7 tháng tuổi, chưa tiêm vaccine phòng rubella.
Rubella là một bệnh lý truyền nhiễm do virus Rubella, thuộc họ Togaviridae gây ra. Ngoài môi trường đông người thì các nơi như bệnh viện, trường học, nhà máy… là môi trường lây bệnh hay gặp nhất, bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp và lây từ mẹ sang con. Chỉ cần bạn tiếp xúc trực tiếp với các dịch nhầy từ mũi, cổ họng hay các cơn ho, hắt hơi của người bệnh thì có thể nhiễm virus rubella. Virus có thể ủ bệnh trong khoảng thời gian từ 7 ngày trước khi phát ban đến 7 ngày sau khi phát ban.
Mắc rubella có biểu hiện gì?
Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ có 3 triệu chứng chính là sốt, nổi hạch và phát ban.
Sốt: Đau đầu, mệt mỏi thường xuất hiện 1- 4 ngày. Sau khi phát ban tình trạng sốt sẽ giảm dao động khoảng 38,5 độ C.
Rubella bẩm sinh: Là tình trạng nhiễm virus từ máu mẹ qua nhau thai. Trẻ sơ sinh khi đẻ ra đã có ban, hoặc trong vòng 48 giờ sau sinh. Bệnh nhi có gan to, lách to, vàng da.
Thể xuất huyết do giảm tiểu cầu: Thường chiếm tỷ lệ 1/3.000 ca. Tình trạng xuất huyết sẽ xuất hiện vào 1-2 tuần sau khi phát ban. Ngoài ra người bệnh có thể chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa, trẻ sơ sinh có thể chảy máu rốn.
Phụ nữ có thai mắc rubella: Thường người mẹ không có triệu chứng. Tuy nhiên điều đáng quan tâm nhất là dị tật của thai nhi trong bụng mẹ. Trong 3 tháng đầu: 70%-100% trẻ đẻ ra bị rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não. Sau 3 tháng: Nếu mẹ có thai được 13-16 tuần, thì trẻ bị rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. Khi thai được 17- 20 tuần, thì tỷ lệ 5%. Và khi thai hơn 20 tuần, tỷ lệ đó bằng 0%.
Phụ nữ mang thai mắc rubella sẽ có nguy cơ cao bị dị tật thai nhi.
Vì sao cần tiêm phòng vaccine rubella?
Sau 2-3 tuần tính từ khi virus xâm nhập vào cơ thể, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, phát ban và nổi hạch. Những triệu chứng này gần giống với bệnh sởi. Ở những người khỏe mạnh, các triệu chứng thường nhẹ. Tuy nhiên với phụ nữ có thai khi mắc bệnh rubella sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho thai nhi bao gồm: dị tật bẩm sinh, chết lưu hoặc sảy thai.
Vaccine rubella được phối hợp trong cùng 1 loại với sởi và quai bị. Vaccine có chứa virus sống giảm độc lực từ đó giúp cơ thể tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa cả 3 bệnh là rubella, sởi và quai bị. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi virus rubella, sởi, quai bị và tránh nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng.
Vaccine rubella tiêm mấy mũi?
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng, lịch tiêm vaccine rubella, sởi, quai bị gồm 2 mũi. Mũi đầu thường được tiêm lúc trẻ ở độ tuổi 12-15 tháng. Mũi nhắc lại cách mũi đầu tiên 4 năm hoặc có thể tiêm khi trẻ 4-6 tuổi (hoặc sớm hơn nếu có dịch).
Trường hợp trẻ tiêm vaccine sởi đơn lúc 9 tháng tuổi thì 15 tháng tuổi có thể tiêm vaccine phối hợp sởi - quai bị - rubella mũi 1, nhắc lại mũi 2 sau 4 năm.
Riêng đối với phụ nữ có dự kiến sinh con, cần hoàn tất mũi tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella cuối cùng trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Vaccine phối hợp sởi- rubella do Việt Nam sản xuất.
Sau khi tiêm vaccine, hệ miễn dịch của cơ thể đối với virus gây bệnh sẽ kéo dài suốt đời và giúp chồng lại các bệnh rubella, sởi, quai bị đồng thời giảm nguy cơ biến chứng do các bệnh này gây ra. Tuy nhiên, ở một số đối tượng khả năng miễn dịch có thể giảm theo thời gian. Bên cạnh đó, một số ít người mặc dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn có thể mắc bệnh sởi, quai bị hoặc rubella nếu có tiếp xúc gần với virus gây ra những bệnh này. Giải đáp cho trường hợp này có thể là do hệ thống miễn dịch của họ không đáp ứng tốt với vaccine hoặc miễn dịch của họ giảm theo thời gian.
Sau khi tiêm, bạn có thể gặp một số phản ứng giống như các loại vaccine khác như sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi. Bởi trong thành phần của vaccine vaccine quai bị, người tiêm chủng cũng có thể bị viêm tuyến mang tai. Sau tiêm, bạn nên nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước và có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn nếu gặp các tác dụng phụ như đau nhức, mẩn đỏ, sưng tấy ở chỗ tiêm, sốt nhẹ… Đặc biệt lưu ý cần tránh sử dụng các loại thuốc gây ức chế, làm suy yếu hệ miễn dịch như thuốc điều trị sốt rét, thuốc chữa ung thư hay corticoid. Đồng thời kiêng các loại đồ uống có cồn như rượu bia, không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá… Hạn chế vận động cường độ cao, làm việc nặng nhọc.
BS. Nguyễn Ngọc Chìu