Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh sốt rét tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn trong đó có di biến động dân cư, tập quán sinh sống của người dân....
Cán bộ Viện SR-KST-CT Trung ương làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau.
Hiện nước ta có hơn 4 triệu dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành, chủ yếu là người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi các tỉnh Tây Nguyên nơi có sốt rét kháng thuốc, một số khu vực rừng núi các tỉnh duyên hải miền Trung, khu vực Tây Bắc và các khu vực biên giới...
Thực tế, công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe trong phòng chống sốt rét được làm khá tốt trong những năm qua, đặc biệt ở những khu vực này. Nhưng do tập quán văn hóa của người dân ở những vùng này còn lạc hậu, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, dẫn đến nhận thức và thực hành phòng chống bệnh sốt rét như việc ngủ màn, mang màn võng để ngủ đêm khi họ đi làm rẫy, đi rừng còn thấp. Khi mắc sốt rét, do không biết nên người dân thường đến trạm y tế xã muộn khi bệnh đã nặng, nếu bệnh nhẹ và cơ sở y tế xa nên ngại đi và tự điều trị ở nhà.
Hiện nay, nhu cầu đi lại làm việc, lao động, học tập, du lịch và giao lưu của người dân ngày một cao, trong đó có cả việc người dân qua lại các vùng biên giới tiếp giáp các quốc gia có lây truyền sốt rét , đặc biệt một số nước châu Phi nơi có lưu hành bệnh sốt rét cao, sẽ làm tăng nguy cơ mắc sốt rét và mang mầm bệnh về những địa phương đã được công nhận loại trừ bệnh sốt rét
Cán bộ Viện SR-KST-CT Trung ương điều tra ca bệnh chủ động tại các xã của huyện Mường Tè, Lai Châu.
Việc quản lý dân di biến động như: dân từ vùng không có sốt rét, vùng sốt rét lưu hành nhẹ đến vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng để làm việc theo mùa vụ. Những nhóm người này nếu không có biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp sẽ là đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét cao, nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời, họ sẽ mang mầm bệnh về địa phương, làm tiềm ẩn nguy cơ lây truyền và có thể bùng phát bệnh sốt rét.
Giải pháp ngăn chặn nguy cơ sốt rét trong dân di biến động
Để ngăn chặn nguy cơ sốt rét trong nhóm dân di biến động, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm không chỉ của ngành y tế mà là của toàn xã hội.
Đối với nhóm dân di biến động tại chỗ là nhóm người dân địa phương ở vùng sốt rét lưu hành đi rừng, rẫy và ngủ qua đêm trên rẫy, trong rừng mắc sốt rét trở về về thôn bản, sẵn có muỗi sốt rét trong thôn bản và người dân không có thói quen ngủ màn; Nhóm dân từ vùng không còn sốt rét đến vùng sốt rét lưu hành làm thuê theo mùa, lao động xây dựng đường xá, cầu cống, thủy điện…. trở về địa phương nếu không đến cơ sở y tế khám xét nghiệm, phát hiện mầm bệnh dẫn đến nguy cơ lan truyền bệnh. Vì vậy, y tế cơ sở cần tuyên truyền người dân duy trì thói quen ngủ màn. Đối với người đi làm ở vùng rừng núi, nương rẫy, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và cấp màn ngủ tẩm hóa chất do Quỹ Toàn cầu tài trợ mang đi sử dụng, khi trở về địa phương cần đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm, phát hiện, sàng lọc và được điều trị kịp thời hoàn toàn miễn phí nếu không may mắc bệnh sốt rét, tránh lây truyền ra cộng đồng.
Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Ianan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai tham gia điều tra bệnh sốt rét.
Đối với những người đi làm việc, học tập hoặc đi nghĩa vụ quốc tế ở nước ngoài, đặc biệt ở các nước châu Phi và người dân từ các tỉnh không còn sốt rét đến vùng có sốt rét lưu hành, khi trở về Việt Nam hay trở về địa phương cần đến ngay cơ sở y tế khai báo, làm test xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm, nếu không may bị nhiễm bệnh sẽ được sơ sở y tế điều trị kịp thời và không phải trả tiền.
Các tuyến y tế cần duy trì và làm tốt công tác xét nghiệm phát hiện ca bệnh và giám sát, đảm bảo thuốc điều trị sốt rét miễn phí ở tất cả các tuyến điều trị nhằm đề phòng mầm bệnh lây lan ra cộng đồng.
Chính quyền địa phương các cấp cần có Nghị quyết bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng các chương trình hành động cụ thể, đưa nhiệm vụ phòng chống - loại trừ sốt rét và hoạt động phòng ngừa sốt rét quay trở lại trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hôịcủa địa phương. Trong đó, chính quyền địa phương các cấp phối hợp với y tế cơ sở tăng cường công tác quản lý, nắm bắt thông tin người đi, người về, người đến địa phương mình, đặc biệt người từ vùng sốt rét trong và ngoài nước trở về địa phương, tuyên truyền và vận động những người này đến cơ sở y tế xã làm xét nghiệm sàng lọc, phát hiện. Tất cả các trường hợp nghi ngờ sốt rét phải đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm phát hiện bệnh, và được điều trị kịp thời nếu không may mắc bệnh sốt rét bằng thuốc điều trị không mất tiền.
Chính quyền xã phối hợp với y tế xã và thôn bản xây dựng cơ sở dữ liệu về dân di biến động của từng thôn bản trong xã để tăng cường công tác quản lý, giám sát, phát hiện mầm bệnh sốt rét từ ngoài địa phương do người dân đi làm việc, làm ăn… từ các địa phương khác mang về. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền – giáo dục về phòng chống sốt rét nâng cao nhận thức cho người dân, để người dân chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng.
Nếu chúng ta thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt rét cho nhóm dân di biến động, sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động phòng chống sốt rét quay trở lại, góp phần hướng tới hoàn thành mục tiêu Việt Nam loại trừ sốt rét năm 2030.
PV