Nguy cơ trẻ hóa bệnh suy thận mạn và hồi chuông cảnh tỉnh về thói quen sinh hoạt

Nguy cơ trẻ hóa bệnh suy thận mạn và hồi chuông cảnh tỉnh về thói quen sinh hoạt
12 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyên Hà
Những con số và câu chuyện từ Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, đã phản ánh rõ nét gánh nặng bệnh tật và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện nay, trung tâm này có khoảng 160-180 bệnh nhân thận điều trị nội trú, tiếp nhận trung bình 30-40 bệnh nhân mới mỗi ngày. Đáng lo ngại, ngày càng có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi – độ tuổi lao động chính – bị suy thận mạn. TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm cho biết, nhiều bệnh nhân trẻ nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, với nguyên nhân phổ biến là viêm cầu thận mạn.
Trường hợp của bệnh nhân M (30 tuổi, ở Bắc Giang) là một ví dụ điển hình. Cách đây 5 năm, khi còn đang làm việc bình thường, M đột ngột có triệu chứng đau bụng, buồn nôn và được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Từ một người lao động khỏe mạnh, cuộc sống của M bị đảo lộn hoàn toàn, đến mức sinh hoạt hàng ngày cũng gặp khó khăn.
Tương tự, bệnh nhân H (30 tuổi, ở Hà Nội) phát hiện có protein trong nước tiểu qua khám sức khỏe định kỳ. Dù đã được hướng dẫn điều trị sớm, H vẫn phải đối mặt với suy thận giai đoạn cuối chỉ sau vài năm. Chức năng thận của H giảm xuống dưới 10%, buộc anh phải chọn phương pháp chạy thận nhân tạo và lên kế hoạch ghép thận.
Theo ThS.BS Phạm Tiến Dũng - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối, thậm chí có trường hợp chỉ mới 15-16 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Đáng tiếc, đa số bệnh nhân đến viện trong tình trạng quá muộn, khiến cơ hội can thiệp hiệu quả bị thu hẹp.
TS.BS Nghiêm Trung Dũng nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy thận mạn là lối sống thiếu lành mạnh. Nhiều người trẻ hiện nay tiêu thụ quá nhiều thực phẩm tiện lợi chứa hàm lượng muối cao, sử dụng đồ uống không rõ nguồn gốc, ngủ muộn, lười vận động và dễ mắc béo phì. Đây đều là những yếu tố nguy cơ không chỉ gây bệnh thận mà còn dẫn đến nhiều bệnh lý chuyển hóa khác.
Việc phát hiện bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm có thể mang lại lợi ích lớn, giúp kéo dài thời gian điều trị bảo tồn với chi phí thấp, giảm tần suất tái khám và duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn. Ngược lại, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, bệnh nhân chỉ còn ba lựa chọn: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.
Dù là phương pháp nào, gánh nặng về chi phí và sức khỏe đều đè nặng lên bệnh nhân và gia đình trong suốt phần đời còn lại.
Minh Nhật
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nguy-co-tre-hoa-benh-suy-than-man-va-hoi-chuong-canh-tinh-ve-thoi-quen-sinh-hoat-407057.html