Nguy cơ tử vong từ thói quen tự nặn mụn

Nguy cơ tử vong từ thói quen tự nặn mụn
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Nặn mụn - hành động tiềm ẩn rủi ro chết người
Thực tế ở Việt Nam, việc nặn mụn bằng tay hoặc đến các cơ sở spa không đủ điều kiện vệ sinh là chuyện thường thấy. Nhiều người cho rằng đó là cách "làm sạch" da mặt, giúp mụn nhanh xẹp.
Tuy nhiên, việc tự nặn mụn- đặc biệt là mụn viêm, mụn mủ- có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: Nhiễm trùng da mặt (viêm mô tế bào), áp xe da, nhiễm khuẩn huyết, viêm tắc xoang hang (một biến chứng có thể tử vong nếu vi khuẩn lan theo mạch máu lên não).
Trong trường hợp nữ sinh 15 tuổi tại Hà Nội, người nhà cho biết, em có một nốt mụn nhỏ trên trán, sau đó đã tự nặn và bôi loại thuốc được mua từ người bán hàng online. Vài ngày sau, vùng da sưng tấy, em lên cơn sốt cao và nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), bệnh nhân này được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với các biểu hiện nhiễm trùng nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn tụ cầu vàng, xâm nhập qua các nốt mụn viêm trên mặt.
Vi khuẩn phát triển nhanh chóng, gây tổn thương não và phổi, khiến bệnh nhân không đáp ứng điều trị dù đã được thở máy và lọc máu liên tục. Gia đình sau đó xin đưa về nhà, bệnh nhân đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn nặng.
Trường hợp này không phải là cá biệt. Những năm qua, các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương đã ghi nhận nhiều ca nhiễm trùng nặng do nặn mụn, thậm chí có bệnh nhân phải mổ cấp cứu để dẫn lưu mủ, sử dụng kháng sinh liều cao kéo dài.
Một yếu tố khác dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong các ca bệnh là việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, dễ bị hấp dẫn bởi các sản phẩm được quảng cáo trên mạng xã hội với lời cam kết "trị mụn cấp tốc", "trắng da sau một đêm", "giá rẻ mà hiệu quả bất ngờ"…
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Hương (chuyên khoa Da liễu, TPHCM), hầu hết các sản phẩm này không được kiểm định chất lượng. Nhiều loại kem trộn chứa corticoid - một chất chống viêm mạnh nhưng gây ức chế miễn dịch và gây nghiện cho da nếu sử dụng dài ngày.
Hậu quả có thể bao gồm: Bào mòn da, khiến da mỏng, nổi gân máu; mụn bùng phát trở lại, dày đặc hơn; viêm da kích ứng, bỏng hóa chất; tăng sắc tố, sẹo thâm hoặc sẹo lõm vĩnh viễn.
Không ít bệnh nhân phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để phục hồi sau khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Với những người có làn da nhạy cảm, chỉ một liều thuốc bôi sai có thể dẫn đến phản ứng toàn thân, sốc phản vệ hoặc nhiễm trùng huyết như trường hợp đáng tiếc nói trên.
Ảnh minh họa
"Tam giác nguy hiểm" trên mặt
Nhiều chuyên gia cảnh báo, vùng giữa mặt, đặc biệt là từ sống mũi đến hai bên miệng được mệnh danh là "tam giác tử thần" do có hệ thống mạch máu dày đặc nối thẳng lên não, không có van tĩnh mạch như các phần khác trên cơ thể.
Việc tự ý nặn mụn ở vùng này mà không đảm bảo vệ sinh có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu, di chuyển lên não gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết…
Trong y văn, đã có những trường hợp bệnh nhân tử vong chỉ vì nặn một nốt mụn gần mũi bằng tay bẩn.
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng từng tiếp nhận một nam thanh niên 19 tuổi bị nhiễm trùng huyết do nặn mụn mủ ở sống mũi. Khi vào bệnh viện, bệnh nhân đã sốt cao liên tục, có dấu hiệu viêm phổi hoại tử. Sau gần hai tuần điều trị tích cực, bệnh nhân mới qua được cơn nguy kịch.
Ảnh minh họa
Cần trang bị kiến thức chăm sóc da đúng cách
Để tránh rơi vào những tình huống nguy hiểm do chăm sóc da sai cách, phụ huynh cần lưu ý, trẻ vị thành niên là nhóm đối tượng dễ bị mụn do thay đổi nội tiết nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội.
Việc trang bị cũng như hướng dẫn để con nắm được những kiến thức chăm sóc da cơ bản, đúng đắn và khoa học là điều hết sức cần thiết. Nếu được, hãy đăng ký cho con (lớp 8, lớp 9) tham gia các buổi tư vấn với bác sĩ da liễu nhằm giúp con hiểu về nguyên nhân hình thành mụn, cách xử lý, tránh rơi vào tình trạng dùng sai thuốc hay tự ý điều trị theo bạn bè.
Vụ việc nữ sinh 15 tuổi tử vong sau khi tự nặn mụn và sử dụng thuốc bôi không rõ nguồn gốc là một hồi chuông cảnh tỉnh với cộng đồng.
Việc chăm sóc da mặt tưởng như đơn giản nhưng nếu làm sai cách có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Sự thận trọng, hiểu biết và kỷ luật trong chăm sóc da không chỉ để làm đẹp mà còn là cách quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Các chuyên gia khuyến cáo:
- Không nên tự nặn mụn tại nhà, đặc biệt là các loại mụn viêm, mụn mủ, đau nhức hoặc mụn ở vùng "tam giác nguy hiểm".
- Chỉ nên sử dụng mỹ phẩm, thuốc bôi có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép lưu hành và phù hợp với loại da. Tránh xa các sản phẩm không nhãn mác, không thành phần, không rõ nhà sản xuất.
- Thăm khám bác sĩ/cơ sở da liễu uy tín nếu mụn kéo dài, viêm đỏ, sưng đau, hoặc xuất hiện các dấu hiệu như sốt, vùng da mụn lan rộng để được chẩn đoán và xử lý đúng cách.
- Giữ vệ sinh da mặt bằng cách rửa mặt 2 lần/ngày với sản phẩm dịu nhẹ, tránh chà xát mạnh.
- Có lối sống lành mạnh như: Ngủ đủ giấc, hạn chế sử dụng đồ ngọt, nhiều dầu mỡ; uống đủ nước, bổ sung rau xanh và trái cây.
- Tuyệt đối không tin vào các lời quảng cáo "trắng mịn nhanh cấp tốc" bởi mọi liệu pháp làm đẹp đều cần có thời gian và kiến thức phù hợp.
Nguyễn Thu
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/nguy-co-tu-vong-tu-thoi-quen-tu-nan-mun-20250630133158792.htm