Hãng tin Anadolu ngày 28/11 dẫn nguồn tin từ Syria xác nhận các nhóm phiến quân, dẫn đầu bởi một tổ chức mang tên Hayat Tahrir al-Sham (HTS), đã mở chiến dịch quân sự quy mô lớn chống quân đội Syria trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad và giành kiểm soát trên dưới 30 khu định cư ở phía Tây Bắc tỉnh Aleppo, đánh dấu lần đầu tiên các nhóm phiến quân có thể chiếm lãnh thổ do quân đội chính phủ nắm giữ kể từ khi các bên đạt được lệnh ngừng bắn ở Tây Bắc Syria tháng 3/2020 theo một thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bảo trợ.
Khói đen bốc lên từ một khu vực gần thành phố Aleppo khi giao tranh nổ ra. Ảnh: GettyImages
Một nguồn tin từ quân đội Syria nói với hãng Reuters rằng, các nhóm phiến quân đã tiến tới khu vực cách ngoại ô thành phố Aleppo khoảng 10km, gần các thị trấn Nubl và Zahra, nơi có sự hiện diện của lực lượng Hezbollah – một đồng minh quan trọng của Tổng thống al-Assad. Các nhóm phiến quân cũng tấn công sân bay al-Nayrab quan trọng ở phía Đông Aleppo, nơi đặt tiền đồn của Hezbollah.
HTS tự tuyên bố mình là một lực lượng vũ trang đối lập chống lại Chính phủ Syria, nhưng Syria và nhiều quốc gia cáo buộc nhóm là một tổ chức Hồi giáo cực đoan. HTS từng có liên hệ mật thiết với nhóm khủng bố khét tiếng al-Qaeda và thủ lĩnh HTS bị nhiều nước, bao gồm Mỹ, đưa vào danh sách khủng bố. Theo New York Times, trong tuyên bố mới nhất cùng ngày, các nhóm phiến quân khẳng định họ mở chiến dịch tấn công để “đáp trả” việc quân đội Syria cùng đồng minh gần đây liên tục pháo kích các mục tiêu ở tỉnh Idlib lân cận tỉnh Aleppo, nơi nhóm HTS hoạt động.
Các nhóm này cũng xác nhận đã chiếm được Căn cứ số 46 – cơ sở quân sự quy mô lớn nhất của quân đội Syria ở khu vực, đồng thời bắt giữ nhiều binh sĩ quân đội, thu giữ xe tăng và nhiều vũ khí cất giữ bên trong. Hình ảnh về các cuộc giao tranh được truyền thông khu vực đăng tải cho thấy nhiều cột khói đen bốc lên gần thành phố Aleppo sau những tiếng nổ lớn. Tổ chức giám sát tình hình Syria SOHR tiết lộ các cuộc giao tranh khiến 60 thành viên HTS và phe phái đồng minh thiệt mạng, trong khi quân đội Syria mất 37 binh sĩ.
Syria rơi vào nội chiến năm 2011 sau khi làn sóng Mùa xuân Arab tràn qua nước này. Năm 2014, với sự trỗi dậy của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Chính phủ Syria mất phần lớn lãnh thổ vào tay các nhóm phiến quân và khủng bố Hồi giáo cực đoan. Cũng trong năm 2014, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu khởi động chiến dịch chống IS ở Syria, đồng thời hậu thuẫn dân quân người Kurd chiến đấu chống Chính phủ Syria. Đến tháng 9/2015, Nga mở chiến dịch tấn công khủng bố tại Syria theo lời đề nghị của Tổng thống Assad và ủng hộ ông tìm kiếm giải pháp chính trị với các nhóm dân quân đối lập.
Ngoài Nga, Damascus cũng nhận trợ giúp từ Iran và các nhóm dân quân đồng minh, bao gồm Hezbollah. Cuối năm 2017, IS và các nhóm khủng bố cơ bản bị đẩy lùi khỏi Syria. Chính quyền của ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lãnh thổ rộng lớn ở bờ Đông sông Euphrates; dân quân thân Mỹ chiếm giữ khu vực bờ Tây gần biên giới Iraq. Các nhóm phiến quân, bao gồm HTS, nắm giữ một nửa tỉnh Idlib gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và một phần nhỏ các tỉnh Aleppo, Latakia và Hama lân cận.
Giới quan sát đánh giá những diễn biến mới nhất ở Aleppo là chỉ dấu rằng các nhóm phiến quân đã tái tập hợp lực lượng sau nhiều năm và đang đà trỗi dậy, trong bối cảnh Trung Đông gần đây ghi nhận nhiều diễn biến không thuận về an ninh. Trên New York Times, chuyên gia Natasha Hall của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đánh giá, việc Hezbollah gần đây lao vào xung đột với Israel khiến tiềm lực của nhóm này phần nào suy giảm. Hezbollah đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quân đội Syria trấn áp các nhóm phiến quân. “Nhiều năm vừa qua, những cuộc tấn công có quy mô như vậy (của phiến quân) chắc chắn sẽ bị quân đội Syria đẩy lùi”, ông nói.
Chính phủ Syria hiện chưa bình luận về diễn biến tại Aleppo. Tuy vậy, nguy cơ về một cuộc xung đột diện rộng mới đã tái khẳng định tính cấp thiết của việc các bên cần đạt được thỏa thuận chính trị toàn diện nhằm giải quyết triệt để khủng hoảng ở Syria. Vào thời điểm kỉ niệm 10 năm kể từ khi nổ ra nội chiến Syria, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo quốc gia này đã chuyển sang tình trạng “không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình”, khi mà các cuộc chiến giữa các phe đối địch không quá ác liệt như trước, song mâu thuẫn giữa các bên vẫn còn nguyên, chưa thể hóa giải bằng con đường đối thoại; người dân vẫn chưa thể trở lại nhà cửa, chưa thể tái thiết cuộc sống.
Kể từ 2011, Liên hợp quốc ước tính hơn 300.000 dân thường Syria đã thiệt mạng vì chiến sự và khoảng 22 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, kéo theo một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới.
Thái Hà