Nhiều người chia sẻ cách uống nước cốt chanh buổi sáng để chữa bệnh. (Ảnh minh họa)
Thổi phồng công dụng của chanh chữa “bách bệnh”
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội trở thành nơi chia sẻ thông tin nhanh chóng và rộng rãi. Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng chính xác và an toàn. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là rất nhiều người chia sẻ, “mách nhau” sử dụng chanh liều cao như một “thần dược” chữa đủ mọi loại bệnh, từ cảm cúm, giảm cân đến thậm chí cả ung thư. Điều này không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết về y học mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe.
Trong hội nhóm Facebook có tên “Chanh liều cao” cũng như trên Tiktok có nhiều bài đăng khẳng định, nhờ uống chanh liều cao mà khỏi “suy thận độ 2 trong vòng 14 ngày” hoặc “chữa viêm phụ khoa”, “nhỏ chanh chữa đau mắt”, “chữa đau dạ dày”...
Thậm chí, có nhiều bài đăng hướng dẫn dùng nước cốt chanh nguyên chất nhỏ trực tiếp vào mắt, mũi, tai với mục đích chữa các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm tai, ho, viêm mắt.
Một số người tin rằng nhỏ chanh vào mắt có thể trị lẹo. (Ảnh chụp màn hình)
Các nội dung này thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận, trong đó nhiều người bày tỏ đã thử làm theo, tin rằng đây là phương pháp “tự nhiên, an toàn, không cần thuốc tây”.
Một tài khoản cá nhân T.M.V đã chia sẻ việc chữa mắt lẹo cho con bằng cách nhỏ nước cốt chanh vào mắt sau 3 ngày là khỏi và khuyên dùng cách này cho trẻ nhỏ. Tài khoản này viết: “Mắt con mình nổi mụn lẹo, sau 3 ngày nhỏ nước cốt chanh đã khỏi hẳn. Vợ mình cũng xót con nhưng mình đã trải nghiệm và tin tưởng”.
Hay một tài khoản khác có tên N.M.T cũng chia sẻ chữa xoang theo kiểu chữa lành tự nhiên bằng cách xịt thẳng nước chanh vào mũi và kết quả sau một tháng uống nước chanh liều cao kết hợp nhỏ chanh vào mũi là khỏi xoang.
Một số tài khoản mạng xã hội thì chia sẻ, khi nhỏ nước chanh vào mũi, mắt cảm thấy xót nhưng vẫn cho rằng đây là cách tống dịch ra giúp mũi thông thoáng, mắt sáng.
Nước cốt chanh không chỉ được tung hô trên mạng xã hội như "thần dược", với hàng loạt công dụng như thải độc, giảm cân, kiềm hóa máu, ngừa ung thư... với lời khẳng định: “Không cần thuốc men, chỉ cần uống nước chanh mỗi sáng là đủ khỏe mạnh cả đời" mà còn được lan truyền như một “bài thuốc” chữa "bách bệnh" khi uống vào buổi sáng.
Cụ thể, một tài khoản Facebook cá nhân có tên P.T.X. đã chia sẻ về quá trình trải nghiệm uống nước cốt chanh liều lượng cao vào buổi sáng lúc bụng đói. Chị X. cho biết hiện tại mỗi buổi sáng chị uống khoảng 15 quả chanh nhỏ hoặc 10 quả chanh to, tương đương với 200-250ml nước cốt chanh và cố gắng lên đến 500ml.
Một tài khoản Facebook chia sẻ việc uống nước cốt chanh vào buổi sáng. (Ảnh chụp màn hình)
Còn tài khoản có tên N.M.T cũng đang uống 300-400ml nước cốt chanh vào mỗi buổi sáng. Anh T. chia sẻ uống nước cốt chanh như vậy giúp anh thải độc trong cơ thể.
Thậm chí có lời đồn người bệnh ung thư phổi uống 4 lít nước pha với chanh/ngày sống khỏe mạnh trong nhiều năm mà không cần điều trị.
Một tài khoản trên Facebook tự xưng là bác sĩ Ch. thông tin: "Chanh khi vào cơ thể chuyển hóa thành kiềm và kiềm hóa cơ thể rất mạnh. Chanh giúp giảm lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp. Chanh chữa dạ dày và bảo vệ hệ tiêu hóa rất tốt".
Tài khoản này còn khẳng định "nên uống nước cốt chanh khi bụng rỗng. Chanh giúp gan, thận, mật và đường ruột thải độc mạnh. Các axit trong chanh cũng giúp kích thích sản xuất mật, sau khi uống chanh 10 phút là đi vệ sinh nặng".
Ngộ nhận về khả năng “giải độc”, chữa bệnh của chanh
Đề cập đến trào lưu này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, việc uống nước chanh, đặc biệt là nước cốt chanh nguyên chất mỗi sáng đang trở thành xu hướng phổ biến trên mạng xã hội và các nền tảng sức khỏe. Với lời quảng cáo về khả năng "giải độc", "giảm cân", "làm đẹp da" hay "tăng miễn dịch", nhiều người chọn thói quen này mà không cân nhắc kỹ lưỡng về mặt y học.
Theo bác sĩ Hoàng, chanh chứa lượng calo thấp nhưng rất giàu các chất có lợi. Một quả chanh cung cấp 20-50 mg vitamin C, hỗ trợ miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi oxy hóa. Axit citric chiếm 5-6% nước cốt, hỗ trợ ngăn sỏi thận và hấp thu khoáng chất. Vitamin C và axit citric giúp hấp thu sắt non-heme từ thực vật, phòng thiếu máu. Các chất kali, flavonoid và polyphenol có trong quả chanh có vai trò điều hòa huyết áp và chống viêm.
Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng khẳng định: “Các lợi ích như ‘giải độc gan’, ‘đốt mỡ’ hay ‘kiềm hóa máu’ chưa bao giờ được khoa học xác nhận”.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam khuyến cáo mọi người không nên uống nước chanh quá đậm đặc vào buổi sáng sớm, đặc biệt khi bụng đói vì có thể gây hại cho dạ dày, răng miệng, đường ruột và thậm chí ảnh hưởng đến đường huyết.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn giải thích: uống nước cốt chanh sẽ tăng nguy cơ kích ứng niêm mạc dạ dày vì chanh chứa nhiều axit citric có thể làm tăng tiết axit dạ dày quá mức, làm nặng các tình trạng trào ngược, viêm loét dạ dày. Đối với người có tiền sử trào ngược dạ dày và đau dạ dày tái phát, việc uống chanh đậm đặc khi bụng đói có thể làm tăng đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn.
Axit citric trong chanh có thể bào mòn lớp men răng, gây ê buốt răng nếu uống đậm đặc thường xuyên, tăng nguy cơ sâu răng. Nước chanh đậm đặc có tính axit cao có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đặc biệt ở những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Nếu người có tiền sử tiêu chảy do loạn khuẩn ruột, uống nước chanh quá chua có thể làm tình trạng này tệ hơn.
Uống chanh đậm đặc khi bụng đói có thể gây hạ đường huyết đột ngột, đặc biệt nếu bạn có xu hướng đường huyết thấp vào buổi sáng.
“Việc uống nước chanh pha loãng có thể là một phần hữu ích trong chế độ ăn uống lành mạnh nếu được thực hiện đúng cách. Trái lại, thói quen uống nước cốt chanh nguyên chất hàng ngày tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt về răng và tiêu hóa”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, nếu người dùng sử dụng nước chanh hằng ngày để uống, tốt nhất nên pha loãng 1/4-1/2 quả chanh với 240-300ml nước; uống bằng ống hút, tránh tiếp xúc với răng. Nên súc miệng sau khi uống, chờ 30-60 phút mới đánh răng. Đặc biệt lưu ý không uống khi bụng đói nếu có bệnh dạ dày; không uống quá 1–2 ly/ngày và cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bệnh lý nền hoặc đang dùng thuốc.
Trào lưu phản khoa học nhỏ chanh vào mắt chữa bệnh
Về trào lưu nhỏ chanh vào mắt, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn nhấn mạnh, nước cốt chanh có độ pH thấp nhưng độ axit rất cao. Việc nhỏ chanh vào mắt có nguy cơ gây tổn thương về mắt, kích ứng, khó chịu, gây ra nguy cơ ảnh hưởng giác mạc. Nếu kéo dài không điều trị kịp thời có thể gây ra tình trạng không hồi phục.
“Trào lưu nhỏ nước cốt chanh vào mắt là một trào lưu phản khoa học và cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho mắt của bạn”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
Bác sĩ Sơn cho hay, đối với sức khỏe của mắt, axit ascorbic trong chanh có thể giúp giảm viêm mắt. Vitamin này cũng có thể thúc đẩy quá trình chữa lành mắt sau chấn thương do hóa chất, bên cạnh đó do tác dụng chống oxy hóa của vitamin C cũng giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại cho mắt. Tuy nhiên, những tác dụng đối với sức khỏe của chanh chỉ được phát huy khi chúng ta dùng chanh bằng đường uống, mỗi ngày chỉ khoảng 1-2 quả pha loãng cùng nước ấm và uống sau bữa ăn sáng khoảng 30 phút chứ không phải là nhỏ trực tiếp nước cốt chanh vào mắt.
Hành động nhỏ chanh vào mắt có thể dẫn đến những tác hại cực kỳ nguy hiểm. Đầu tiên là gây ra kích ứng mắt: Chanh có tính axit mạnh do chứa nhiều axit ascorbic (vitamin C) và axit citric với độ pH khoảng 2-3 mà mắt lại có độ pH trung tính (khoảng 7,4), nên việc nhỏ trực tiếp nước cốt chanh vào mắt có thể phá vỡ sự cân bằng của mắt, khiến mắt bị kích ứng, bỏng rát, đau đớn, đỏ mắt, chảy nước mắt,…
Bệnh nhân có thể tổn thương giác mạc, kết mạc mắt. Tính axit mạnh trong chanh có thể làm tổn thương phần giác mạc, kết mạc nhạy cảm trong mắt gây viêm loét, thậm chí có thể làm rách giác mạc và phải ghép giác mạc.
Nếu tình trạng mắt gây ra bởi hành động nhỏ cốt chanh vào mà không có sự điều trị thích hợp có thể dẫn đến những tổn thương mắt vĩnh viễn như giảm thị lực, bong giác mạc, mù lòa,…
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không theo những trào lưu phi khoa học trên mạng và nhỏ những chất lạ vào mắt. Nếu có vấn đề về mắt hoặc muốn cải thiện sức khỏe mắt, người dân hãy đến gặp chuyên gia hoặc bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và tư vấn đúng cách.
Chăm sóc mắt đúng cách bằng cách giữ vệ sinh hằng ngày, tránh dụi mắt, có thể rửa mắt bằng nước muối sinh lý nếu có chỉ định của bác sĩ.
TRƯƠNG NGỌC-ĐỖ THOA