Ý tưởng so sánh Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, hai đại thụ của văn học Việt Nam trung đại, có thể làm cho ai đó bật cười. Họ quá khác nhau. Thực ra, so sánh khác mới quan trọng. Và lý giải sự khác ấy còn quan trọng hơn.
Nhưng cái khác nào, xét cho cùng, cũng đều nằm nôi cái giống. Để đỡ nhàm, tôi trình bày sự giống và khác nhau ở/ của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương theo một vài phạm trù được làm mới từ cái nhìn nhân học văn hóa: quê hương (môi trường), dòng giống (chủng tộc), thời đại (thời điểm) và tính khí (khí chất).
“Chung giàn”…
Đất Nghệ, quê gốc của cả hai thi hào, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương là một vùng địa-văn hóa đặc sắc. Nơi có cả núi, đồng, biển trong một cái liếc mắt. Nơi trong một thời gian dài từng là biên giới của cả hai vương quốc Chămpa và Đại Việt. Nơi liên tục diễn ra những cuộc chiến tranh cướp đoạt. Một hiểm địa như vậy nên một mặt là đất lưu đày của những tội đồ, mặt khác cũng là nơi tìm đến của những phần tử bất hảo hay những tay thích phiêu lưu đi kiếm tìm tự do và tư tưởng mới. Những yếu tố nhân học trên cộng với điều kiện thiên nhiên khắc nhiệt dần dần tôi luyện cho dân bản địa một tính cách Nghệ.
Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại Khu lưu niệm cụ thuộc làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn: VOV
Cả Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương sau này đều chủ yếu sống, học tập và học hỏi ở Thăng Long, trung tâm văn hóa của đất nước nên chất Nghệ/nghệ trong dòng máu họ đậm nhạt còn do độ mở tiếp nhận và tính khí của mỗi người.
Kinh đô Thăng Long vốn là nơi tĩnh nhất đồng thời cũng là nơi động nhất. Nho giáo, tồn tại ở đây mấy trăm năm làm nền tảng cho nó, đến thời đại Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đã nứt nẻ nghiêm trọng. Thi cử gian lận, chính trường mua quan bán tước, tầng lớp nho sĩ quan lại tụt giá đến đáy. Nội chiến liên miên giữa các tập đoàn thống trị Trịnh-Nguyễn, Lê Mạc, Tây Sơn - Nguyễn Ánh làm ra đời tầng lớp thương nhân do nhu cầu có tiền để mua sắm vũ khí trang bị.
Lần đầu tiên cũng xuất hiện các đô thị mà chất thị/ thương mại lớn hơn chất đô/ hành chính. Từ đó manh nha tư tưởng thị dân và văn hóa đô thị. Nho giáo suy yếu khiến Phật giáo, Đạo giáo, đặc biệt là văn hóa dân gian trỗi dậy. Tổng hòa các yếu tố trên, trong đó chủ đạo là tư tưởng thị dân, đã hình thành một nhân vật mới, nhân vật thời đại, của văn hóa Việt Nam: Nhà nho tài tử.
Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương cùng sinh trưởng trong gia đình nho học. Khác nhau ở chỗ Nguyện Du thuộc dòng sĩ tộc, tức nho quan lại, còn Hồ Xuân Hương thuộc dòng thầy đồ, tức nho bình dân. Nhưng sự tác động của thời thế, đúng hơn thời đại, đã rút ngắn khoảng cách xã hội giữa họ, tạo ra những gặp gỡ…
Tranh 'Bà chúa thơ Nôm' của họa sĩ Nguyễn Bá Siếu. Nguồn: Internet
Nguyễn Du sống ở Thăng Long đến 5 tuổi mới theo cha (Nguyễn Nghiễm) nghỉ hưu về Tiên Điền. Đến năm 10 tuổi thì cha mất, 12 tuổi thì mẹ cũng qua đời. Thế là cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ ra Thăng Long ở với người anh cả cùng cha khác mẹ Nguyễn Khản, lúc này là một quan lớn đầu triều. Sau khi đỗ tam trường, Du bỏ văn lên Thái Nguyên, nơi có người anh kết nghĩa của Khản, làm quan võ. Tây Sơn ra Bắc, anh chàng Nguyễn Đại Lang này chống lại, bị Vũ Văn Nhậm bắt, được tha, đuổi về Tàu.
Nguyễn Du cùng sang Vân Nam định chạy theo đoàn tùy tùng của Lê Chiêu Thống, nhưng bị ốm phải ở lại. Đây là đoạn khỏi đầu cho thời “Mười năm gió bụi” (Thập tải phong trần). Sau này Nguyễn Du có ra làm quan với Gia Long, thậm chí lên chức khá nhanh, nhưng trước sau vẫn có thái độ hờ hững, lạnh nhạt với quan trường. Ông không còn là một nhà nho chính thống, nho quân tử, mà đã là một nhà nho tài tử, coi trọng chữ tài (văn chương) và chữ tình (tình cảm).
Hồ Xuân Hương sinh ra ở làng Quỳnh Đôi, một đất học của đất học. Từ nhỏ Hồ Xuân Hương đã theo cha là một đồ Nghệ đi ăn cơm thiên hạ, được cha dạy chữ cùng với học trò hoặc học lỏm từ đám học trò. Cô được đi nhiều nơi, tiếp xúc với đủ loại người, nắm được lời ăn tiếng nói của họ. Đặc biệt là giai đoạn Hồ Xuân Hương sống ở Thăng Long Kẻ Chợ.
Ngoài việc buôn bán kiếm sống, cô còn mở quán trà Cổ Nguyệt Đường để tiếp đón tao nhân mặc khách. Chính ở đây cô đã gặp và yêu Nguyễn Du. Có thể coi Cổ Nguyệt Đường là “salon văn học” tư nhân đầu tiên của Việt Nam, khi hội Tao Đàn Lê Thánh Tông là của “nhà nước”. Hồ Xuân Hương tuy không được học chính quy như các bà công chúa nhà Nguyễn, lại cũng không có “bằng cấp” gì, nhưng với trình độ văn học như vậy thì cũng có thể coi bà là một nhà nho tài tử.
Cổ Nguyệt Đường cạnh chùa Kim Liên (ảnh), cho nên Phạm Đình Hổ đã viết 'Từ thuở làm thân khách Cố kinh. Kim Liên qua lại đã bao lần'. Nguồn: Internet
Như vậy, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đều là những nhà nho tài tử. Họ không phải chỉ là trí thức sách vở mà chủ yếu là những con người nghiệm sinh, đã nếm trải đủ những trường hợp sống khác nhau.
Nguyễn Du, theo bài thơ của Nguyễn Hành khóc chú, là người bặt thiệp: giang sơn cũng có mà giang hồ cũng trải. Nghĩa là ông đã từng làm quan lớn, Đại học sĩ, làm chánh sứ sang Trung Quốc. Nhưng cũng đã từng đi lang thang trong mười năm gió bụi. Đặc biệt 3 năm ở Trung Quốc sau khi ông khỏi ốm ở Vân Nam. Là một nhà nho tài tử, song Nguyễn Du còn là một thiền sư cư sĩ đạt đến giác ngộ, khi đứng trước tấm bia đá khắc kinh mòn không còn chữ bỗng thức nhận vô tự chính là chân kinh[1].
Còn Hồ Xuân Hương thì không có danh thắng nào ở đất Bắc mà không lưu dấu chân bà. Đặc biệt nhiều ngọn núi thành danh sơn, nhiều phong cảnh thành thắng cảnh nhờ ngọn bút của thơ bà. Xuân Hương là con người của giai/ huyền thoại, theo cái nghĩa bà là người, bằng cuộc đời và thi cả của mình, tạo ra nhiều câu chuyện để người đời kể lại.
Hai con người tài tử này đã có một đời sống tình cảm phong phú và, như một hệ quả của nó, là một sự nghiệp văn học đại tài. Nhưng do tính khí, một kết tinh của các yếu tố quê hương, dòng họ, và thời đại cùng với giới tính và những trải nghiệm cá nhân, khác nhau nên đã có những lựa chọn khác nhau trong cuộc cách mạng văn chương của họ.
…đến “khác giống”
Văn chương trung cổ trước ngưỡng của thời đại Nguyễn Du là thứ văn chương kiệt sức. Tư tưởng nghệ thuật thì chủ yếu là các giáo điều Tống nho, còn ngôn ngữ thì sách vở, sáo rỗng, không phải là tiếng nói của người sống động hằng ngày. Đó là hậu quả của thứ Nho giáo hình nhi hạ ở thượng tầng và văn hóa nông thôn tiểu nông ở hạ tầng. Muốn [cải] cách được cái mạng [yểu] của văn học này, chỉ có thể truyền cho nó một dòng máu mới là tư tưởng thị dân và/của văn hóa đô thị, dù là đô thị phương Đông trung đại.
Bản Đoạn trường tân thanh (斷腸新聲) in năm 1902 và Kim Vân Kiều tân tập (金雲翹新集) khắc in năm 1906. Nguồn: Wikipedia
Nguyễn Du là một nam nhân, mà người đàn ông thì bao giờ cũng hướng ngoại, thích chinh phục những không gian mới, cả không gian địa lý lẫn không gian tinh thần. Với đầu óc của một nhà nho và phần nào là tâm lý dân tộc gặp vướng mắc gì bao giờ cũng tìm câu trả lời ở Trung Hoa như một mô hình có sẵn. Các nhà nho tài tử, bởi vậy, tìm thấy tư tưởng thị dân và văn hóa đô thị ở tiểu thuyết tài tử giai nhân đời Minh, Thanh. Thế là xuất hiện phong trào dịch/ phóng tác tiểu thuyết này thành truyện nôm lục bát mở đầu là Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự.
Bản thân Nguyễn Du đã từng phiêu bạt giang hồ và giang sơn ở Trung Quốc, đã nếm trải các sinh hoạt đô thị, lại bắt gặp thân phận mình trong Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm tài nhân nên đã chuyển dịch thành Đoạn trường tân thanh (Tiếng đứt ruột mới) thường gọi là Truyện Kiều - một tập đại thành của văn học Việt Nam. Còn Hồ Xuân Hương là một nữ nhân, mà người đàn bà thì bao giờ cũng hướng nội, thích bảo lưu và thâm canh cái không gian thân thuộc vốn có của mình.
Đó là những cảnh đẹp của đất nước, những bức tranh sinh hoạt của làng quê trong hội hè đình đám cũng như trong sản xuất nông nghiệp. Thân phận con người trong xã hội truyền thống, tiếng Việt giàu có, phong phú và đang sinh sôi nảy nở ở các đô thị, nhất là ở Thăng Long - Hà Nội. Văn hóa dân gian từ trong máu thịt đã là hệ quy chiếu của tâm hồn Hồ Xuân Hương, của thơ Hồ Xuân Hương.
Làm cách mạng văn học, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương chọn những hướng đi khác nhau. Và, trong thực hành văn học, sự lựa chọn của họ còn khác nhau hơn nữa. Cũng trong phong trào chuyển thể tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Hoa sang truyện thơ nôm Việt Nam, nhưng Truyện Kiều là phóng tác hơn dịch thuật. Nguyễn Du đã lược bỏ hết các tình tiết có tính chất văn xuôi và tăng cường tính thơ, tính kịch. Nhờ đó ông đã biến thể truyện thành tiểu thuyết với phương pháp phân tích tâm lý tàn nhẫn và nhân vật có nghìn tâm trạng[2]. Đây là chỗ Nguyễn Du đưa Truyện Kiều vượt lên trên các truyện nôm đồng thời và sau ông kể cả nôm bác học lẫn nôm bình dân.
Một đóng góp khác của Nguyễn Du khi ông trở về với tiếng nói của người trồng dâu, trồng gai ở thể thơ lục bát. Ông đã đưa lục bát từ dân gian đến bác học bằng cách phá vỡ nhịp đôi cơ bản của nó thành đa nhịp điệu, ngắt câu thơ ra thành các đoạn có đối xứng, tiểu đối, đưa nhiều từ, thành ngữ, điển cố Việt Hán. Từ đó tạo nên mã lục bát Nguyễn Du chi phối toàn bộ thơ lục bát trung đại. Chỉ khi xã hội Việt Nam truyền thống chuyển sang hiện đại thì mới có mã lục bát mới thay thế nó.
Một ấn bản thơ Hồ Xuân Hương bằng Pháp văn được Maurice Durand giới thiệu của Viễn Đông Bác Cổ năm 1968. Nguồn: Wikipedia
Hồ Xuân Hương, ngược với Nguyễn Du và có thể ngược với chính mình, hoặc tự làm khó mình, lại lựa chọn một thể thơ bác học là thơ Đường luật để thể hiện một tư tưởng của văn hóa dân gian Việt là tín ngưỡng phồn thực. Thật ra, với cấu trúc tổng thể hài hòa, chặt chẽ, với sự đối xứng song song câu với câu, đoạn với đoạn, chữ với chữ, thậm chí âm với âm mới mô phỏng được một vũ trụ, một cõi sống. Cõi mà sự phồn sinh phồn thực hướng đến. Đồng thời nó cũng mô phỏng được tính lấp lửng hai mặt thiêng tục, thanh tục và mỹ học thơ Hồ Xuân Hương.
Thơ Đường tiếng Việt thường chỉ có cái vỏ thể loại chứ ít bài thơ có được hồn Đường, cái mà ngay cả các nhà thơ Trung Hoa sau Đường cũng khó. Riêng ở Việt Nam có ở thơ Bà Huyện Thanh Quan, Chu Mạnh Trinh, và ít nhiều Nguyễn Khuyến… Với Hồ Xuân Hương, việc sử dụng nhiều động từ chỉ hành động cơ bản, các trạng từ chỉ cường độ, tính từ chỉ phẩm chất và các từ láy ba đã ít nhiều phá vỡ sự hài hòa trong nội bộ bài thơ, nhưng lập tức tái lập sự hài hòa khác giữa bài thơ và vũ trụ.
Cái hiện đại đương thời Nguyễn Du của Truyện Kiều là ca ngợi tình yêu tự do, tính tự quyết trong những lựa chọn của/cho chính cuộc đời mình của con người cá nhân. Kiều yêu và đến với Kim Trọng khi chưa được cha mẹ chấp nhận, rồi lại hy sinh tình yêu đó để bán mình chuộc cha, chọn theo Sở Khanh bỏ trốn khỏi lầu xanh, yêu Thúc Sinh nhưng vẫn khuyên chàng về báo với gia đình xin phận làm lẽ, quyết định đang đêm trốn khỏi nhà Hoạn Thư, yêu Từ Hải lại khuyên chàng ra hàng, tự vẫn ở sông Tiền Đường không chịu làm vợ Thổ Quan, về với Kim Trọng nhưng quyết định “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”.
Bi kịch ở chỗ mỗi lần quyết định thay thân đổi phận thì cũng là mỗi lần thân phận cô lại chìm sâu hơn vào địa ngục nhân gian. Tuy nhiên tình yêu cá nhân trong các truyện nôm vẫn còn bị đóng khung trong đạo đức, bởi nhiều cặp trai gái tưởng tự do đến với nhau nhưng hóa ra lại là những người được cha mẹ đính ước trước. Những kết có hậu (happy end) để tránh bi kịch cá nhân. Đến Truyện Kiều Nguyễn Du cũng phải để cho Kiều, sau mười lăm năm lưu lạc Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần đoàn tụ cùng Kim Trọng. Đạo đức và mỹ học chưa hoàn chỉnh như vậy là do văn hóa đô thị còn cái đuôi phương Đông trung đại, còn con người cá nhân thì cái đuôi tập đoàn.
Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên bìa sách Giai nhân di mặc của học giả Nguyễn Hữu Tiến, 1916. Nguồn: Wikipedia
Trở về với văn hóa dân gian, Hồ Xuân Hương không đi vào tình yêu của con người cá nhân như Nguyễn Du, mà đi vào tình dục, vấn đề của con người cộng đồng, đúng hơn con người phổ quát. Tính dục là bản năng gốc của con người. Trong thơ Hồ Xuân Hương tính dục hòa lẫn với tình yêu nên nó là tình dục. Hồ Xuân Hương đã sử dụng cái nhu cầu - người cơ bản này để, xử lý cái thanh cái tục trong thơ bằng cách chứng minh nó là ảnh xạ của tín ngưỡng tương tục - một tín ngưỡng cổ sơ của nhân loại mà người Việt còn lưu giữ được. Tín ngưỡng phồn thực tôn thờ sự sinh sôi nảy nở, tôn thờ sự sống, mong muốn đảm bảo cho dòng sống được lưu tồn vĩnh viễn. Đây là triết lý nhân văn của thơ Hồ Xuân Hương.
Hơn nữa, văn hóa tình dục ở Việt Nam vẫn còn ở tình trạng dân gian không thể so được với Trung Hoa và Nhật Bản nghĩa là tình dục không có giá trị tự thân mà chỉ có giá trị sinh sản, duy trì nòi giống. Mã ngôn ngữ tình dục chỉ là những đồ vật, con vật đời thường như trai ốc, lươn cá, chày cối, khe hẽm… Hồ Xuân Hương là người đầu tiên trong thơ của mình đề cao giá trị tự thân của tình dục. Bà gọi đó là thú vui, niềm vui (Còn thú vui kia sao chẳng vẽ/ Trách người thợ vẽ khéo vô tình). Có thể nói không ngoa, sau Hồ Xuân Hương Việt Nam đã có một văn hóa tình dục đúng nghĩa[3].
Như vậy, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương trong cái nhìn mặt đối mặt đã bộc lộ một cách sâu sắc những cái giống và khác nhau ở họ. Điều này khiến người đọc nhận thức sâu sắc hơn nguồn gốc và quá trình hình thành thiên tài của họ.
Đỗ Lai Thúy(Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa)
[1] Xem thêm: “Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Du từ một ai đó đến không ai cả” trong Thơ rìa mắt, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, năm 2020.
[2] Chuyển ý từ: Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.
[3] Đỗ Lai Thúy, Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Nxb Văn học, Hà Nội, 2010.