Toàn cảnh Hội thảo "Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương: Danh nhân - Thi hào - Giá trị di sản”. (Ảnh: TRANG ANH)
Trong 7 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh, Nguyễn Du (1765-1820) và Hồ Xuân Hương (1772-1822) là hai trường hợp đặc biệt bởi giữa họ có nhiều mối liên hệ văn hóa-nhân văn độc đáo. Cả hai đều là người cùng thời (nửa sau thế kỷ XVIII), cùng quê (xứ Nghệ); đều là danh nhân-thi hào; và đều để lại khối di sản quý báu vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa mang ý nghĩa nhân loại sâu sắc.
Vì thế, việc tổ chức một hội thảo khoa học có quy mô về hai danh nhân với nhiều mối liên hệ văn hóa-nhân văn độc đáo ấy là mong muốn, cũng là nhu cầu của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đông đảo nhân dân.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Danh nhân khẳng định: Hội thảo “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương: Danh nhân - Thi hào - Giá trị di sản” là tấm lòng tri ân đối với hai nhà văn hóa, hai danh nhân lớn của dân tộc đã được UNESCO tôn vinh.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Danh nhân phát biểu khai mạc. (Ảnh: ĐÌNH TOÁN)
“Chúng tôi kỳ vọng, từ những thành quả nghiên cứu mới về hai bậc danh nhân với giá trị di sản văn hóa, văn học, Hội thảo sẽ góp thêm những phát hiện mới và thống nhất về các mối liên hệ xã hội, nhân sinh của văn hóa Việt Nam thời kỳ trung đại trong dòng chảy văn hóa và lịch sử Việt Nam đa dạng mà thống nhất cùng sự hội nhập trải mấy nghìn năm với văn hóa thế giới.
Đồng thời, Hội thảo cũng góp phần khởi tạo không khí, tinh thần mới trong tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp nhận và phát huy giá trị di sản văn hóa của các bậc danh nhân nước nhà xưa và nay, làm phong phú, sâu sắc hơn hệ giá trị văn hóa Việt Nam và hệ giá trị con người Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh nhấn mạnh.
Chào mừng Hội thảo, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định: Nếu Nguyễn Du với "Truyện Kiều" bất hủ đã đưa ngôn ngữ và văn hóa, văn học Việt Nam lên tầm cao mới, theo hướng tinh tế, hiện đại, thì nữ sĩ Hồ Xuân Hương lại đưa ngôn ngữ và văn hóa, văn học dân tộc vượt qua những rào cản phong kiến hủ lậu, vươn lên theo chiều sống động, lạc quan, yêu đời. Cả hai, “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”.
“Hội thảo khoa học hôm nay là dịp để chúng ta tự hào nhìn lại những giá trị di sản văn hóa vô giá được để lại từ hai danh nhân-thi hào…, cũng để từ đó đưa ra phương án, giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy hữu hiệu các giá trị của di sản do hai danh nhân-thi hào đã tạo lập”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bày tỏ.
Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu. (Ảnh: T.MINH)
Trên cơ sở 70 tham luận gửi tới Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi các nội dung: Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương trong nhiều mối liên hệ văn hóa - xã hội - nhân sinh qua các thực thể cá nhân, dòng họ, quê hương, đất nước, thời đại, dân tộc, khu vực, quốc tế; Những điểm gặp gỡ và nét riêng của hai danh nhân, thi hào trên các phương diện thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách…; Những tương đồng, khác biệt về thi pháp, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.
Hội thảo cũng thảo luận về: Vấn đề tiếp nhận, chuyển ngữ, dịch thuật các tác phẩm của hai danh nhân, thi hào; Nhận thức về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và mối liên hệ qua các loại hình nghệ thuật hiện đại như sân khấu, điện ảnh…; Vấn đề bảo tồn, xây dựng mới các công trình văn hóa và phát huy giá trị di sản của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương trong bối cảnh hiện nay.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Biện Minh Điền, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh, đây là lần đầu tiên có một hội thảo khoa học về hai danh nhân-thi hào. Bức tranh chung của các tham luận tại Hội thảo mang vẻ đẹp phong phú, đa dạng.
Các tác giả đã nỗ lực vận dụng những gì có thể để tiếp cận Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương từ góc nhìn đối sánh (đối sánh ở đây không phải chỉ ra sự hơn kém mà để tìm kiếm những tương đồng và khác biệt trong tư tưởng, phong cách, tài năng của những thiên tài), từ đó tìm bài học của những con đường sáng tạo…
TRANG ANH