Hạt cà phê của Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị và những biến động thị trường trên toàn cầu đã đẩy giá cà phê lên mức kỷ lục, làm tăng chi phí cho tách cà phê hàng ngày của bạn.
Năm ngoái, giá hạt cà phê arabica niêm yết tại sàn New York (Mỹ) tăng 90%, đạt mức kỷ lục 3,48 USD/pound vào ngày 10/12, cao nhất kể từ năm 1977. Giá robusta cũng tăng tương tự, mặc dù thấp hơn do loại cà phê này không cao cấp bằng arabica.
Nguyên nhân chính của việc giá tăng là do lo ngại sản lượng giảm sút ở các nước sản xuất lớn nhất và nhì thế giới là Brazil và Việt Nam. Nhu cầu đã vượt cung trong nhiều năm, khiến các hoạt động đầu cơ mua bán đẩy giá thị trường tăng cao hơn nữa.
Ông Carlos Mera, chuyên gia phân tích cà phê tại Rabobank, cho biết: “Sự gián đoạn ở Biển Đỏ do các cuộc tấn công vào tàu thuyền của lực lượng Houthi cũng khiến việc vận chuyển từ Đông Nam Á đến châu Âu mất nhiều thời gian hơn, do phải đi vòng qua châu Phi và thường xuyên bị trì hoãn tại các cảng”.
Ngoài ra, thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi luật mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm gây phá rừng, dù luật này vừa được hoãn đến ngày 30/12/2025.
Các yếu tố như nguy cơ áp thuế thương mại từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng làm gia tăng sự bất ổn. Tuy nhiên, ông Mera dự đoán thời gian tới giá cà phê có khả năng giảm hơn là tiếp tục tăng, mặc dù nguồn dự trữ thấp đồng nghĩa với việc giá cả sẽ còn biến động.
Hạt cà phê arabica, được trồng ở vùng cao, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu vì chỉ một số ít quốc gia, như Brazil, có thể di dời nông trại lên cao hơn khi trái đất nóng lên.
Trong khi đó, hạt cà phê Robusta có thể phát triển trong điều kiện khắc nghiệt hơn nhưng ít được ưa chuộng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, vụ mùa 2024-2025 dự kiến sản xuất khoảng 175 triệu bao cà phê (mỗi bao nặng 60 kg), trong đó 56% là arabica và 44% là robusta.
Ông Guillaume David, nhà nghiên cứu tại cơ quan hợp tác và nghiên cứu nông nghiệp Pháp (CIRAD), cho biết cả hai giống cà phê đều đối mặt với các rủi ro mới tại vùng nhiệt đới như sương giá muộn, mưa trái mùa và sâu bệnh. Ông nói: “Các rủi ro này xảy ra đồng thời ở cả Brazil và Việt Nam, trong khi trước đây chỉ xảy ra ở một trong hai”.
Brazil hiện sản xuất 40% cà phê thế giới, tiếp theo là Việt Nam (17%), Colombia (7%), Indonesia (6%) và Ethiopia (5%). Các quốc gia như Togo, Bờ Biển Ngà và Kenya cũng được xem là tiềm năng nếu khí hậu tiếp tục thay đổi.
Nhu cầu cà phê đã mở rộng ra ngoài các thị trường truyền thống ở châu Âu và châu Mỹ, với sự gia tăng tiêu thụ tại Trung Quốc, nơi nhập khẩu 4,3 triệu bao trong mùa 2023-2024, tăng từ 1,5 triệu bao chỉ 4 năm trước.
Trong khi đó, tại châu Âu, nhu cầu giảm do khủng hoảng chi phí sinh hoạt, với Đức ghi nhận mức giảm 1% vào năm ngoái.
Dù giá cà phê tăng cao, hàng triệu nông dân sản xuất cà phê trên các trang trại nhỏ ở các nước đang phát triển vẫn sống trong cảnh thiếu thốn. Họ ít có quyền kiểm soát giá cả trên thị trường hàng hóa toàn cầu, nơi bị thống trị bởi một số ít tập đoàn đa quốc gia.
Ngay cả các chương trình thương mại công bằng cũng chỉ ảnh hưởng đến 5% thị trường, trong khi 80% cà phê thế giới được các công ty môi giới lớn thu mua.
Sự biến động giá cả trong những năm gần đây khiến việc đảm bảo giá tốt hơn cho nông dân trở nên cấp thiết. Cuối năm 2024, Nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã thông qua Quỹ phục hồi và phát triển bền vững cà phê toàn cầu nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân để nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho người trồng.
Biến động giá cả cùng tác động của biến đổi khí hậu đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong phương thức canh tác và các chính sách hỗ trợ thiết thực để bảo vệ sinh kế của người trồng cà phê, đồng thời duy trì sự phát triển bền vững của ngành.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo gulfnews)