Nguyên nhân nào khiến nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ tại Đồng Nai liên tục 'dính' phạt về vi phạm môi trường?

Nguyên nhân nào khiến nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ tại Đồng Nai liên tục 'dính' phạt về vi phạm môi trường?
một ngày trướcBài gốc
Cơ quan chức năng lấy mẫu đất trong khuôn viên doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để phân tích. Ảnh: Hoàng Lộc
Mức xử phạt trong vi phạm về môi trường cao nhưng vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Mức xử phạt tối thiểu 320 triệu đồng/quyết định
Trong tháng 2 và 3-2025, UBND tỉnh đã ban hành 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dự án bất động sản, bệnh viện... Các quyết định này đều có mức xử phạt cao và phần lớn là vi phạm không có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh.
Hành vi xử phạt này được áp dụng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, 45/2022/NĐ-CP và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo các quy định, nghị định nói trên, từ ngày 1-1-2025, cơ sở, dự án đang hoạt động phải có giấy phép môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp (Bộ Nông nghiệp và môi trường, UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện, tùy theo phân cấp dự án). Trường hợp không có giấy phép môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền UBND tỉnh cấp có mức phạt là 150-170 triệu đồng đối với cá nhân. Đối với các tổ chức mức phạt bằng 2 lần mức phạt cá nhân (320 triệu đồng).
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp FDI do UBND tỉnh tổ chức mới đây, một số doanh nghiệp cho rằng, trong năm 2024, họ đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường lên cơ quan chức năng nhưng do hồ sơ phải bổ sung, điều chỉnh dẫn đến chưa có giấy phép kịp trước ngày 1-1-2025. Doanh nghiệp kiến nghị, UBND tỉnh xem xét đối với trường hợp doanh nghiệp đã nộp hồ sơ cấp giấy phép môi trường trước ngày 1-1-2025, đã được thẩm định hồ sơ nhưng chưa được cấp giấy phép môi trường thì xem xét không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Phải có giấy phép môi trường trước ngày 1-1-2025
Pháp luật về môi trường hiện hành quy định, dự án hoạt động phải có giấy phép môi trường. Chủ đầu tư dự án là đối tượng phải lập hồ sơ, nộp cơ quan chức năng chậm nhất trước thời hạn 1-1-2025 là 45 ngày đối với giấy phép cấp bộ, trước 30 ngày đối với giấy phép thuộc UBND cấp tỉnh, huyện để được cấp phép.
Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát việc thực hiện pháp luật về năng lượng ở doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Lộc
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã có các văn bản nhắc nhở doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải lập hồ sơ gửi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào hoạt động. Văn bản nhắc nhở cũng nêu hình thức và mức xử phạt để cảnh báo. Đa phần các doanh nghiệp chấp hành, nhưng một số doanh nghiệp gần đến thời hạn mới lập hồ sơ dẫn đến bị trễ.
Cũng theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các quy định xử phạt do ban tham mưu UBND tỉnh ban hành thời gian qua là xử phạt vi phạm thủ tục môi trường chứ không phải xử phạt do gây ô nhiễm môi trường. Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai lưu ý các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp thường xuyên cập nhật các quy định mới của pháp luật, nhất là quy định về môi trường để tuân thủ đúng, tránh trường hợp vi phạm dẫn đến bị xử phạt.
Hoàng Lộc
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/nguyen-nhan-nao-khien-nhieu-doanh-nghiep-lon-nho-tai-dong-nai-lien-tuc-dinh-phat-ve-vi-pham-moi-truong-4751695/