Vượt lên nghịch cảnh
“Cha mẹ đặt tên tôi là Phúc Đức để nhắn nhủ rằng: Muốn có phúc thì phải sống có đức”, Nguyễn Phúc Đức mở đầu câu chuyện đời mình bằng niềm tin được tôi rèn qua nghịch cảnh: Chỉ cần sống tử tế, mọi mất mát đều có thể hóa thành sức mạnh để bước tiếp.
Sinh năm 1997, tại xã Kha Sơn (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), Phúc Đức lớn lên với cơ thể lành lặn như bao đứa trẻ khác. Năm 12 tuổi, trong một lần đi chơi, khi đang rửa tay gần khu vực bể nước vừa xây xong, Đức không may bị mảng gạch đổ sập xuống, đè lên người khiến cánh tay phải giập nát.
Không để khiếm khuyết cơ thể cản bước, Nguyễn Phúc Đức vẫn bền bỉ góp sức trong các hoạt động nhân đạo vì cộng đồng. Ảnh: NVCC
Gia đình đưa anh đi điều trị tại nhiều bệnh viện, nhưng do tổn thương quá nặng, các bác sĩ buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ. “Tỉnh dậy trong bệnh viện và biết rằng mình đã mất vĩnh viễn cánh tay phải là cú sốc rất lớn với tôi vào thời điểm đó”, Đức chia sẻ.
Từ đó, Đức trở nên thu mình, ngại tiếp xúc với mọi người. Ở lớp, sự khác biệt về ngoại hình khiến chàng trai trở thành mục tiêu của những lời trêu chọc. “Có lần bạn bè gọi tôi là ‘chim cánh cụt’, câu nói tưởng đùa ấy lại khiến tôi ám ảnh rất lâu. Từ đó, tôi luôn mặc áo dài tay mỗi khi đến lớp, chỉ mong không ai để ý đến cánh tay của mình nữa”, Đức chia sẻ.
Hoạt động tình nguyện giúp Phúc Đức vượt qua tự ti, khẳng định giá trị bản thân và lan tỏa yêu thương đến cộng đồng. Ảnh: NVCC
Bước ngoặt với Đức đến vào năm 2016, khi vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh được bạn bè rủ tham gia Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên (nay là Chi hội Thanh niên Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên). Vốn mang trong mình nỗi sợ giao tiếp, dè chừng đám đông nên ban đầu Đức chỉ ngồi ngoài quan sát. Sau đó, anh dần được cảm hóa bởi sự thân thiện, chan hòa của các thành viên.
“Lần đầu tiên tôi cảm thấy được chấp nhận hoàn toàn, không ai nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại hay soi xét. Mọi người cùng nhau làm việc, học hỏi, chia sẻ và tôi thấy rằng, tôi không vô dụng, có thể giúp ích cho xã hội. Vì thế, tôi quyết định bước ra khỏi ‘vùng tối’ của bản thân”, Đức bộc bạch.
Tham gia vào đời sống cộng đồng, Đức nhận ra mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Vì thế, anh và dốc sức sẻ chia, giúp đỡ mọi người. Ảnh: NVCC
Nhớ về thời gian đầu làm công tác thiện nguyện và hiến máu nhân đạo, Đức chia sẻ: “Tôi gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Vì khiếm khuyết về tay, tôi không thể tự đi xe mà phải phụ thuộc vào phương tiện công cộng hoặc sự giúp đỡ của bạn bè. Nhiều hoạt động đòi hỏi sức lực cũng vượt quá khả năng của tôi. Nhưng tôi luôn giữ quan điểm rằng, sức mình đến đâu làm đến đó, miễn là có tấm lòng chân thành và sự cố gắng thì dù làm được bao nhiêu cũng đều có ý nghĩa”.
Từ một tình nguyện viên dè dặt, Phúc Đức năng nổ, xông xáo trong các hoạt động thiện nguyện. Anh dần trưởng thành, được giao những nhiệm vụ quan trọng trong CLB của mình. Năm 2020, anh trở thành Chi hội phó Chi hội Thanh niên Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên.
Sau nhiều năm tìm kiếm cơ hội cho bản thân, học nhiều trường nhưng không phù hợp với đôi tay khuyết, năm 2021, Phúc Đức quyết định thi và đỗ vào chuyên ngành Quản trị lữ hành của Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC
9 năm, 33 lần hiến máu toàn phần
Trong hành trình thiện nguyện, hiến máu tình nguyện là lĩnh vực để lại dấu ấn sâu đậm nhất với Phúc Đức. Anh kể: “Năm 2016, lần đầu được bạn bè rủ đi hiến máu, tôi khá hồi hộp. Nhưng sau khi hiến xong, tôi thấy rất hạnh phúc vì biết mình đã làm điều có ích cho người khác. Từ đó, tôi hay đùa rằng mình ‘nghiện’ hiến máu. Cứ đều đặn 3 tháng, tôi lại tham gia một lần. Đến nay, tôi đã hiến tổng cộng 33 lần”.
Không hiến máu một mình, chàng trai Thái Nguyên ấy tích cực tuyên truyền, vận động nhiều người cùng tham gia. Anh cho biết, cách đây 9 năm, phong trào hiến máu ở địa phương còn vấp phải nhiều định kiến, người dân e ngại, thậm chí phản ứng gay gắt. Đức nhớ lại: “Có người mắng mình lừa đảo, xua đuổi, nói hiến máu là mất sức, ảnh hưởng sức khỏe. Nhiều bạn tình nguyện viên còn bị bố mẹ cấm đoán”.
Phúc Đức tích cực tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: NVCC
Nhưng thay vì bỏ cuộc, Đức cùng các tình nguyện viên chọn bền bỉ đạp xe đi từng nhà để tuyên truyền trực tiếp, đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội. Những hình ảnh, bài viết kể chuyện về các tấm gương hiến máu dần len lỏi vào cộng đồng.
“Tôi rất tự hào khi nhận thấy ý thức về hiến máu tình nguyện trong xã hội được nâng cao. Thấy mọi người nhiệt huyết hơn trong các hoạt động hiến máu, tôi có thêm động lực để tiếp tục đóng góp. Với tôi, hiến máu không chỉ là cứu người mà còn là cách lan tỏa giá trị nhân văn, khơi dậy tinh thần trách nhiệm xã hội trong mỗi cá nhân”, anh chia sẻ.
Mang trong mình ngọn lửa tuổi trẻ, ngoài hiến máu, Phúc Đức còn xông xáo tham gia các hoạt động thiện nguyện như: “Chủ nhật xanh”, “Mùa hè xanh”, hỗ trợ người dân cài VNeID; tham gia các cuộc thi như “Ánh sáng soi đường”, tìm hiểu biển đảo,...
Đặc biệt, khi chứng kiến quê hương chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của siêu bão Yagi (năm 2024), Phúc Đức đã thức trắng gần 3 ngày liền để tham gia hỗ trợ, tiếp tế lương thực cho người dân mắc kẹt trong vùng ngập lụt.
Phúc Đức giúp đỡ người dân khắc phục bão Yagi. Ảnh: NVCC
Vẻ đẹp vầng trăng khuyết
Với những nỗ lực không ngừng, Nguyễn Phúc Đức vinh dự được ghi nhận là 1 trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023, được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp gặp gỡ, động viên và tuyên dương. Năm 2024, anh tiếp tục được trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, Đức còn vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bằng khen của Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh,...
Nguyễn Phúc Đức hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên. Trước đó, anh là Phó chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC
Tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng Đức luôn sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo kết quả học tập. Anh chia sẻ: “Tôi thường lên kế hoạch, quản lý thời gian để duy trì sự cân bằng giữa học tập và các hoạt động Đoàn, Hội. Tôi ưu tiên chọn những hoạt động phù hợp với mục tiêu và sở thích, đồng thời tính toán kỹ lưỡng nguồn lực và thời gian có thể dành cho từng việc”.
Không chỉ năng động trong các hoạt động tình nguyện, Phúc Đức còn tích cực trong học tập. Ảnh: NVCC
Nhờ đó, năm 2023, Phúc Đức đạt danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” cấp tỉnh Thái Nguyên, và là đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Sang năm 2024, anh tiếp tục được ghi nhận với danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh.
Hăng hái trong các hoạt động thiện nguyện, tích cực trong học tập với nhiều giải thưởng mang ý nghĩa lớn lao, Đức cảm thấy rất vui sướng và tự hào. “Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp. Ngoài kia còn nhiều người đang cống hiến hết mình vì Tổ quốc. Vì vậy, tôi nguyện làm bông hoa nhỏ góp phần vào rừng hoa ấy”, Đức xúc động.
Nguyễn Phúc Đức tại Gala “Thanh niên sống đẹp” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức năm 2024. Ảnh: NVCC
Anh Lê Văn Hiếu - Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Phúc Đức là một hình mẫu đẹp về tinh thần sống cống hiến, vượt lên hoàn cảnh để lan tỏa giá trị nhân văn trong cộng đồng. Không chỉ chăm chỉ học tập, Đức còn tận tụy trong từng hoạt động thiện nguyện, luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể. Tôi mong rằng Đức sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa ấy, không ngừng trau dồi, lan tỏa cảm hứng sống đẹp đến nhiều bạn trẻ hơn nữa”.
TRẦN HẢI LY