Những bài học của lịch sử từ “ngọn đuốc hòa bình” tại Hội nghị Paris
Nhìn lại 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), với một Việt Nam hòa bình, đổi mới và phát triển, chúng ta càng thấm thía giá trị của những nỗ lực trên mặt trận không tiếng súng. Kỷ niệm chiến thắng 30-4 này là dịp để tôn vinh giá trị bất diệt của lòng vị tha, của hòa bình, hòa giải, hàn gắn, của tinh thần gác lại quá khứ hướng tới tương lai, một tương lai của kỷ nguyên phát triển mới đang mở ra cho dân tộc Việt Nam hạnh phúc, ấm no, phồn thịnh rạng ngời. Có được những thắng lợi đó trong lịch sử là có sự đóng góp không nhỏ của mặt trận ngoại giao, bà Nguyễn Thị Bình - “ngọn đuốc hòa bình” - đã góp phần làm rạng danh dân tộc, để lại dấu ấn không phai trong tâm thức bạn bè quốc tế. Và hơn thế, bà chính là hiện thân sống động của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, một chiến sĩ cách mạng, một nhà ngoại giao kiệt xuất, một biểu tượng rất đẹp của phẩm giá dân tộc. Sự cống hiến lặng lẽ nhưng lớn lao của bà để lại nhiều bài học quý, trên nhiều bình diện, có giá trị thời đại cho giai đoạn hiện nay.
Đầu tiên là bài học trong công tác đối ngoại. Đó là sự kiên định mục tiêu bất biến là lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc với mục tiêu cốt lõi là hòa bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao sức mạnh và vị thế của quốc gia được bà Nguyễn Thị Bình thể hiện mạnh mẽ, cương quyết trong Hội nghị Paris năm 1973. Nhưng đồng thời là sự linh hoạt, khéo léo, mềm dẻo trong sách lược, mà cương quyết trong hành động để xử lý cái “vạn biến” của tình hình, “kiên quyết bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ và nhà ngoại giao phải khôn khéo để lợi ích đó được đảm bảo”1. Sự thành công của Hội nghị Paris là minh chứng rõ nét để thấy được “Nếu không có Hiệp định Paris, chúng ta không thể buộc các lực lượng quân sự nước ngoài rút khỏi miền Nam Việt Nam. Mà chừng nào quân đội và các căn cứ quân sự nước ngoài còn hiện diện, thì chừng đó chưa thể có hòa bình thật sự ở miền Nam”2. Do vậy, sự đóng góp của bà Nguyễn Thị Bình trên mặt trận ngoại giao đến đại thắng mùa xuân 1975 là hết sức to lớn. Những đóng góp ấy không chỉ góp phần làm nên thắng lợi lịch sử mà còn nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh rộng rãi từ cộng đồng quốc tế.
Thứ hai là bài học cho cán bộ, lãnh đạo quản lý, nhất là cán bộ ngoại giao trong hoạt động tương tác với báo chí, trả lời thông tin với báo chí (nhất là báo chí nước ngoài). Sự bình tĩnh, tự tin, đầy bản lĩnh của bà Nguyễn Thị Bình trong các phiên họp chính của hội nghị cho đến bản tin hằng ngày, hay thông cáo báo chí, diễn thuyết, mít tinh, gặp gỡ trực tiếp ở Paris và các tỉnh, thành khác nhau của Pháp, ở châu Âu, Mỹ với hơn 500 cuộc họp báo, 1.000 lần trả lời phỏng vấn, hình ảnh của Việt Nam, trong đó có nụ cười “Madame Bình” - đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với đội ngũ phóng viên, báo chí nước ngoài3, cũng như làm lu mờ những nhà ngoại giao sừng sỏ phương Tây. Chính báo giới phương Tây sau này cũng giật tít và thừa nhận: Việt Cộng (ám chỉ đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) đến đàm phán ở Paris như “một đội bóng thi đấu trên sân nhà”.
Những thành công của hội nghị có sự đóng góp không nhỏ của bà Nguyễn Thị Bình đã làm tăng sức ép với phía Mỹ khi Nixon trước bầu cử ở Mỹ… Bà đã cùng với tổ chức chuẩn bị phương án mềm dẻo trong đàm phán, mặt khác, đẩy mạnh công tác đấu tranh trên công luận trong nước và quốc tế ủng hộ cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Báo chí ở cả 2 miền đất nước ta liên tục phê phán thái độ ngoan cố của Nixon hòng kéo dài chiến tranh, không muốn giải quyết bằng thương lượng. Bà đã rất rõ vai trò của báo chí, sử dụng báo chí như một công cụ đấu tranh sắc bén trên mặt trận ngoại giao. Không chỉ bà Nguyễn Thị Bình mà rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, các nhà ngoại giao Việt Nam đã rất thành công, cực kỳ bản lĩnh trong việc sử dụng báo chí cho đấu tranh trên công luận, trên mặt trận ngoại giao.
Nhìn lại những nỗ lực, hy sinh không mệt mỏi của thế hệ ông cha nói chung và sự đóng góp của cá nhân bà Nguyễn Thị Bình của hơn nửa thế kỷ trước trên mặt trận tuyên truyền không tiếng súng nhưng hết sức cam go, là hình ảnh của “sao vàng Tổ quốc Việt Nam” trong lòng báo giới phương Tây lúc bấy giờ. Đây là những bài học quý tiếp sức cho chúng ta tiếp tục chắt lọc và phát huy những giá trị của lịch sử để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thông tin đối ngoại, kết hợp hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, góp phần vào việc triển khai thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, cũng như hướng tới những nhiệm vụ tiếp theo của Đại hội XIV trong kỷ nguyên phát triển mới hiện nay.
Thứ ba là bài học kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động của báo chí. Đó là về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng. Báo chí tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng của Đảng, là cầu nối của Đảng với nhân dân, là kênh thông tin của Đảng, Nhà nước Việt Nam tới bạn bè thế giới. Thành công trong Hội nghị Paris cho thấy bài học về việc gắn kết thông điệp của ta với nhu cầu quan tâm, lợi ích của bạn bè quốc tế; là việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt mọi phương thức thông tin để có được sự lan tỏa kịp thời, rộng rãi; là kinh nghiệm về việc vận động, thuyết phục tất cả đối tượng quốc tế, biến thành lực lượng thông tin cho ta, ủng hộ những lẽ phải công lý cho Việt Nam là sự ủng hộ cho chính nghĩa và lương tri nhân loại. Chính làn sóng công luận mạnh mẽ từ ngay trong lòng nước Mỹ và các nước phương Tây đã tạo ra áp lực dư luận to lớn đối với chính giới Mỹ, một mặt nâng vị thế của ta, mặt khác, làm giảm uy thế của đối phương. Đó chính là chiến thuật “đánh nở hoa trong lòng địch” trong công tác thông tin đối ngoại thời đại Hồ Chí Minh.
Thứ tư là bài học về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác báo chí và hoạt động đối ngoại. Khi Hội nghị Paris mở ra, chúng ta phải đối diện với một thách thức to lớn chính là sự không cân sức trong so sánh lực lượng làm thông tin tuyên truyền. Ta phải đối mặt với nền thông tấn báo chí lớn của Mỹ và các nước phương Tây, đứng đằng sau là một hệ thống tuyên truyền có đủ phương tiện hiện đại với mạng lưới lan tỏa rộng lớn hầu khắp thế giới (tất nhiên là bị hạn chế ở các nước xã hội chủ nghĩa). Trong khi đó, điều kiện của ta thiếu thốn, để vươn ra quốc tế hầu như chỉ có Việt Nam Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam ở miền Bắc, Thông tấn xã Giải phóng và Đài Phát thanh Giải phóng ở miền Nam…, mức độ lan tỏa cũng hạn chế. Mặt khác, chúng ta vẫn hoạt động trên đất khách, giữa lòng của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Nhưng cũng chính trong những khó khăn gian khổ này, “Madame Bình” cùng những nhà ngoại giao khác đã cho thấy sự vận dụng sáng tạo trong công tác đối ngoại và hoạt động báo chí.
Đối ngoại là tiếng nói thể hiện những chiến thắng trên chiến trường, để bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia dân tộc, còn báo chí là kênh thông tin, cầu nối giữa đối ngoại với dư luận, với nhân dân quốc tế để thông tin được truyền tải một cách sâu rộng, chính xác, nhanh chóng tới công chúng. Từ đó công chúng hiểu được chính nghĩa của ta và ủng hộ những luận điệu đanh thép, sự phi lý của Mỹ và nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Như chính bà sau này khẳng định: Tôi như thay mặt nhân dân và các chiến sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ đấu tranh trên tiền tuyến và trong lao tù cắm ngọn cờ chiến thắng chói lọi. Vinh dự đó đối với tôi thật quá to lớn.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù ở cương vị nào, bà Bình luôn cho thấy những phẩm chất đáng quý của người đảng viên với sự dũng cảm, trí tuệ và liêm chính. Bà là tấm gương điển hình cho tinh thần yêu nước, kiên trì nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân. Bà là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại.
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), nhìn lại không chỉ để nhắc nhớ quá khứ mà còn để khẳng định: tinh thần độc lập, bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển hôm nay, để dựng xây một Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, một kỷ nguyên mà chúng ta hướng tới phồn thịnh, rạng ngời, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định trong bài viết Rạng rỡ Việt Nam: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam”.
(Tiếp theo và hết)
1. Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị ngoại giao 1964. Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam.
2. Xem: https://nhandan.vn/nguyen-bo-truong-ngoai-giao-nguyen-dy-nien-noi-ve-4-cai-nhat-cua-hoi-nghi-paris-post874624.html
3. Nguyễn Hải Bình; Những bài học quý từ công tác thông tin đối ngoại trong đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam, https://tuyengiao.baclieu.dcs.vn
Thanh Hiền - Đình Nghĩa - Bá Giáp