Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng
Kết quả kinh doanh quý III vừa qua đã phần nào thể hiện tình cảnh ảm đạm của DIG. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 47 tỷ đồng (giảm 80% so với cùng kỳ 2023), lợi nhuận trước thuế âm 6 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động bất động sản (BĐS) ghi nhận con số âm 65 tỷ đồng, trong khi các mảng khác như cung cấp dịch vụ, xây lắp đều sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ và quý trước, lần lượt chỉ đạt 35 tỷ đồng (giảm 66%) và 44 tỷ đồng (giảm 92%).
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 682 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 15 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 30% và 1% kế hoạch năm 2024.
DIG liên tục có những đợt bán tháo kinh hoàng xuất phát từ các thông tin xấu, như doanh nghiệp bị thanh tra, Chủ tịch HĐQT bán giải chấp cổ phiếu, xuất hiện cổ đông lớn là ông Trần Quý Thanh…
Giải trình về kết quả này, ông Nguyễn Quang Tín, Tổng Giám đốc DIG, cho biết doanh thu quý III của DIG chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh BĐS như chuyển nhượng căn hộ (dự án SJC), chuyển nhượng nhà xây thô (Đại Phước, Hậu Giang), và chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Nam Vĩnh Yên).
Tuy nhiên, các nguồn thu này đều giảm mạnh trong kỳ, từ đó dẫn đến sự sụt giảm doanh thu chung. Điều khiến cho nhà đầu tư (NĐT) bất ngờ nhất trong báo cáo tài chính của DIG là doanh thu hợp nhất mảng BĐS âm 65 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu công ty mẹ ở mảng này là 77 tỷ đồng.
Theo CTCK DSC, hiện tượng này có thể xác định bởi 2 lý do. Thứ nhất, doanh thu quý III của DIG đến từ chuyển nhượng đất nền và nhà xây thô tại dự án Đại Phước, Hậu Giang, Nam Vĩnh Yên là giao dịch nội bộ của tập đoàn (tập đoàn mẹ bán cho công ty con), nên không được ghi nhận trên báo cáo hợp nhất. Thứ hai, doanh thu được ghi nhận trong quá khứ phải hoàn nhập lại, khấu trừ vào doanh thu hiện tại do sản phẩm trong quá khứ không đủ điều kiện bàn giao khi lật lại pháp lý.
Tương lai “mịt mù”
Có thể nói, DIG đang trải qua giai đoạn khó khăn bậc nhất trong lịch sử với liên tiếp các sự kiện trái chiều xảy ra. Về pháp lý, DIG vẫn đang trong diện thanh tra liên quan đến vi phạm trong quá trình cổ phần hóa. “Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã tạm thời đưa ra kết luận và kiểm điểm cùng mức tiền phạt, nhưng sự kiện này cũng là một vấn đề nhạy cảm, mang lại một rủi ro rất lớn có thể ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục của công ty”- trích nhận định của DSC.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra liên quan tới cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DIG. Theo đó, trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp đã phát sinh hàng loạt vi phạm, như không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất 25 căn biệt thự thuộc khu biệt thự Phương Nam; không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất dự án Đại Phước, mà sử dụng tập hợp chi phí đầu tư và giá trị quyền phát triển dự án để tính vào giá trị doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra trong quá trình quyết toán giá trị vốn nhà nước, DIG đã hạch toán các khoản lỗ của 3 công ty con vào giá trị vốn nhà nước để bàn giao sang công ty cổ phần là không đúng quy định. Cùng với đó là nhiều vi phạm khác trong việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ; trình tự, thủ tục thoái vốn và xác định giá cổ phần vốn nhà nước.
Thêm vào đó, DIG còn phải đón nhận thêm mất mát lớn khi chứng kiến sự ra đi của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn. Ông Tuấn được giới đầu tư xem như “linh hồn” của DIG khi tham gia điều hành doanh nghiệp từ những ngày đầu tiên. Với sự điều hành của ông Tuấn, DIG với tiền thân thuộc Bộ Xây dựng đã “lột xác” trở thành doanh nghiệp BĐS có quỹ đất khủng hàng đầu trong nhóm doanh nghiệp vốn hóa vừa trên sàn chứng khoán.
Từ thực tế trên, DSC đánh giá DIG cần thời gian để ổn định thông qua việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, giải quyết các vướng mắc pháp lý, nên khó có thể khởi sắc mạnh mẽ hơn trong hoạt động kinh doanh sớm như đã kỳ vọng trước đó.
Trên sàn chứng khoán, ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra và sự ra đi của ông Tuấn, cổ phiếu DIG đều rơi vào tình trạng bị bán tháo. Dù sau đó DIG có nhiều phiên hồi nhưng mức tăng khiêm tốn và không kéo dài. Hiện tượng này trái ngược hoàn toàn với đặc thù của DIG trong quá khứ.
Khó kỳ vọng bứt phá
Giai đoạn 2021-2022, trong “cơn say” chứng khoán của NĐT cá nhân, mã DIG được kéo tăng từ mức hơn 20.000 đồng lên vượt mốc 100.000 đồng (tháng 3-2022). Đây có thể xem là giai đoạn “huy hoàng” nhất trong lịch sử niêm yết của DIG. Sức hút của DIG “nóng” đến mức hội trường tổ chức ĐHCĐ thường niên 2022 tại TP Vũng Tàu không đủ chỗ cho nhà NĐT “lặn lội” tới tham dự.
Thế nhưng, khi “sóng” chứng khoán đi qua, DIG lại rơi vào tình cảnh “trớ trêu”, khi ĐHCĐ bất thường được tổ chức tháng 9-2022 đã không thể diễn ra, do có quá ít NĐT tham dự. Và cũng chỉ 1 tháng sau, DIG rơi về gần mệnh giá 10.000 đồng, tương ứng "bốc hơi" gần 90% so với đỉnh.
Với mức giá hiện tại khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu, so với mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu tháng 3, DIG bốc hơi gần 40%. Thế nhưng, ở mức giá này, NĐT vẫn không “mặn mà” mua bắt đáy DIG. Lý do khiến NĐT không còn kỳ vọng vào DIG ngoài những sự cố nêu trên, còn bắt nguồn từ những pha “bẻ kèo” của HĐQT.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông DIG đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 với mục tiêu doanh thu 2.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.010 tỷ đồng, lần lượt tăng 72% và 509%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp DIG đặt mục tiêu lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng, nhưng không bao giờ đạt được.
Ở 2 năm trước, DIG đều không hoàn thành mục tiêu. Cụ thể, năm 2022 DIG đặt kế hoạch lợi nhuận 1.900 tỷ đồng, nhưng chỉ hoàn thành 10%; năm 2023, DIG đặt kế hoạch lợi nhuận 1.400 tỷ đồng, nhưng chỉ hoàn thành 12%.
Điều đáng nói là ngoài việc liên tục “bể” kế hoạch, DIG cũng là doanh nghiệp thường xuyên công bố số liệu bất nhất trước và sau kiểm toán. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023, lợi nhuận sau thuế của DIG giảm 33%, tương đương giảm 54 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập.
Kim Giang