Mỹ sẽ áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại vào ngày 9-7 tới sau 90 ngày trì hoãn. Ảnh: Adobe Stock
Trong bối cảnh thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ vẫn chưa đạt được khi thời điểm Mỹ áp thuế đối ứng đến gần, các quỹ đầu tư từ Fidelity International đến Blue Edge Advisors đang phòng ngừa rủi ro, giảm tỷ trọng cổ phiếu hoặc sẵn sàng tận dụng cơ hội từ sự sụt giảm thị trường, kỳ vọng rằng bất kỳ tin xấu nào cũng chỉ là tạm thời.
Chỉ số chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương của MSCI đang ở gần mức cao nhất kể từ tháng 9-2024. Biến động của chỉ số này giảm đáng kể so với mức trung bình trong năm qua nhờ tâm lý chấp nhận rủi ro gia tăng dựa trên quan điểm rằng, ông Trump thường rút lui khỏi các lập trường ban đầu.
Ông Trump đang đe dọa gửi thư thông báo về các mức thuế mới từ 10-70% cho các đối tác thương mại trong những ngày tới.
“Bộ não tôi đã sẵn sàng để đón nhận một cuối tuần đầy biến động”, Hebe Chen, nhà phân tích thị trường của Vantage Markets ở Melbourne nói.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đã trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ tháng Năm do thiếu tiến triển trong đàm phán thương mại với Mỹ.
Thị trường cổ phiếu của Ấn Độ cũng ì ạch dù nước này chỉ đối mặt mức thuế đối ứng 26%, thấp hơn nhiều so với các nước khác. Nhà đầu tư Hàn Quốc đang căng thẳng dù thị trường tăng chứng khoán trong nước mạnh nhờ kỳ vọng tình hình chính trị ổn định dưới chính quyền mới.
Jung In Yun, CEO Fibonacci Asset Management Global bày tỏ lo ngại về việc ông Trump và tân Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung chưa có sự tương tác tích cực. Ông đã giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu và giữ nhiều tiền mặt hơn bình thường.
Emily Dong, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu của Conning Asia Pacific cũng giảm tỷ trọng cổ phiếu 10%, chuyển sang các khoản đầu tư thu nhập cố định do lo ngại về việc mức định giá của thị trường chứng khoán chưa phản ánh đầy đủ tác động tiêu cực từ thay đổi thuế quan.
Thế nhưng không phải ai cũng lo lắng. Một số nhà đầu tư tin rằng, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ “nhượng bộ” như trước đây bằng cách gia hạn thời điểm áp thuế quan.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nhận thức tình hình có thể thay đổi bất ngờ. Calvin Yeoh, nhà quản lý danh mục đầu tư của Blue Edge Advisors đã mua trái phiếu và vàng để phòng ngừa rủi ro cho cổ phiếu.
Ông Trump đã tạm hoãn các mức thuế đối ứng được công bố vào ngày hồi đầu tháng Tư trong 90 ngày để các nước có thời gian đàm phán.
Mỹ đã đạt thỏa thuận thương mại với Anh và Việt Nam, nhưng triển vọng thỏa thuận với các quốc gia khác vẫn đang trong tình trạng lấp lửng.
“Thật đáng khích lệ khi thấy thỏa thuận với Việt Nam đạt được nhanh chóng như vậy đặc biệt là khi xét đến quy mô thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ”, Daniel Hurley, chuyên gia danh mục đầu tư cho các thị trường mới nổi và cổ phiếu Nhật Bản của T. Rowe Price Group nói.
Tuy nhiên, đàm phán có thể sẽ phức tạp hơn đối với nền kinh tế kinh tế lớn hơn.
Một số một số nhà đầu tư đang chờ đợi cơ hội mua cổ phiếu giá thấp nếu thị trường phản ứng thái quá khi ông Trump gửi thư cho các nước về các mức thuế mới.
Joseph Zhang, nhà quản lý danh mục đầu tư Fidelity International cho rằng, một lá thư với nội dung đe dọa áp các mức thuế cao có thể khiến thị trường chứng khoán biến động. Thế nhưng, ông tin thị trường sẽ không quá hoảng loạn và một đợt điều chỉnh tạm thời có thể là cơ hội mua vào.
Steve Sosnick, giám đốc chiến lược của Interactive Brokers Group nhận định, việc Mỹ đạt được thỏa thuận với mọi quốc gia trước ngày 9-7 là không thực tế. Dù vậy, giới nhà đầu tư vẫn đang nín thở chờ đợi thông tin về đàm phán và mức thuế đối ứng cuối cùng với các nước.
Theo Bloomberg
Lê Linh