Thị trường chứng khoán tháng 7 chờ sóng mới giữa thông tin thuế chưa chắc chắn

Thị trường chứng khoán tháng 7 chờ sóng mới giữa thông tin thuế chưa chắc chắn
9 giờ trướcBài gốc
Niềm tin nội tại giữa sóng gió bên ngoài
Tháng 7/2025 mở màn với sự quan tâm đặc biệt khi các đàm phán thuế quan giữa Mỹ và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang tiến sát thời điểm công bố chính thức. Đây là những thông tin được giới phân tích đón nhận một cách thận trọng khi chưa có xác nhận chính thức nhưng vẫn đặt ra câu hỏi lớn hơn: Nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu và niềm tin vào tăng trưởng có đủ vững để hỗ trợ cho thị trường tài chính?
Thị trường chứng khoán tháng 7 chờ sóng mới giữa thông tin thuế chưa chắc chắn.
Theo đánh giá của VinaCapital, dù các tín hiệu từ thuế quan mang tính tích cực bước đầu, mức thuế 20% thấp hơn nhiều so với mức 46% công bố hồi tháng 4, nhưng chưa thể tạo ra thay đổi đột biến trong ngắn hạn. Lý do chính là nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo trục nội tại, trong đó đầu tư công, tiêu dùng nội địa và cải cách hành chính đóng vai trò trụ cột.
Chỉ tính từ tháng 1 - 5/2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt trên 15 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số thể hiện niềm tin dài hạn của giới đầu tư quốc tế với môi trường kinh doanh trong nước, bất chấp những biến động toàn cầu. Theo phân tích của tiến sĩ Đặng Thảo Quyên, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam vẫn giữ được sức hút lớn với các ngành công nghệ cao nhờ chi phí cạnh tranh, nguồn nhân lực trẻ và chính sách ưu đãi phù hợp.
Đặc biệt, các tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực điện tử, công nghệ và dược phẩm như Amkor Technology hay BE Semiconductor Industries tiếp tục mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh (cũ), thành phố Thủ Đức (cũ). Điều này phản ánh chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang ủng hộ Việt Nam như một điểm đến an toàn và ổn định.
Tuy nhiên, theo bà Quyên, để giữ vững đà phát triển này, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thủ tục, tăng tính minh bạch và chú trọng hạ tầng năng lượng, vốn là điểm nghẽn lớn nhất trong thu hút FDI bền vững.
Ở chiều ngược lại, các ngành xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ đối mặt rủi ro cao nếu mức thuế đối ứng không thuận lợi. Cùng với đó là áp lực từ các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh hay Indonesia, những nước có thể hưởng mức thuế thấp hơn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, chuyển hướng sang các khu vực có chính sách ổn định hơn, như châu Âu hoặc các nước CPTPP.
Bên cạnh đó, nỗ lực cải cách thể chế được VinaCapital gọi là “Đổi mới 2.0”, đang từng bước phát huy hiệu quả thông qua cải cách thủ tục hành chính, số hóa hạ tầng công và thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa. Đây là những tín hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang thiết lập nền móng vững chắc hơn trước những bất định toàn cầu. Trong dài hạn, nếu các chính sách này tiếp tục được duy trì và nâng cao hiệu quả, chúng có thể tạo ra cú huých thực sự cho cả thị trường vốn lẫn niềm tin xã hội.
Chứng khoán kỳ vọng phục hồi nhưng phân hóa
Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 7 không bị chi phối hoàn toàn bởi các yếu tố ngoại sinh, mà giữ được định hướng nhờ động lực nội tại và niềm tin từ cả doanh nghiệp trong nước lẫn nhà đầu tư quốc tế. Chính từ nền móng này, thị trường chứng khoán mới có cơ sở để kỳ vọng vào sự phục hồi ổn định trong những tháng tới, dù với tốc độ chậm rãi và chọn lọc hơn so với giai đoạn bứt phá quý II.
Kết phiên giao dịch ngày 4/7, VN-Index tăng hơn 5 điểm và dừng ở mức gần 1.387 điểm.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tháng 7 với tâm thế vừa kỳ vọng, vừa thận trọng, nguyên nhân là niềm tin kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định tâm lý nhà đầu tư. Thế nhưng, để tạo nên làn sóng tăng trưởng mới trên sàn, cần có thêm yếu tố xúc tác rõ ràng, điều mà thị trường hiện vẫn đang thiếu.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tháng 7 sẽ không còn là thời điểm "tăng đồng pha" như hai tháng trước. Thay vào đó, thị trường nhiều khả năng đi theo xu hướng phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành, với VN-Index dao động trong vùng tích lũy 1.380 - 1.420 điểm. Dòng tiền không còn lan tỏa đều mà chọn lọc kỹ theo từng cổ phiếu, phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh thông tin thuế quan vẫn chưa chính thức được xác nhận.
Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND cũng là rào cản lớn khiến dòng vốn ngoại chưa quay lại rõ rệt. Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán - mua đan xen, chưa có động thái mua ròng bền vững. Ông Minh cho rằng, để dòng tiền ngoại quay lại mạnh mẽ, cần có tín hiệu rõ hơn từ cải cách kinh tế và cơ chế nâng hạng thị trường thực chất, chứ không chỉ dừng lại ở danh sách theo dõi.
Với Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ông Trần Xuân Bách dự báo thị trường trong nửa đầu tháng 7 sẽ vận động quanh vùng 1.400 điểm, tích lũy để tạo mặt bằng giá mới trước khi có các thông tin rõ ràng về đàm phán thương mại. Nếu kết quả thuế quan chính thức được công bố theo hướng thuận lợi, thị trường có thể kiểm định lại mốc 1.420 điểm vào cuối tháng.
Theo đó, chiến lược đầu tư cần điều chỉnh theo hướng phòng ngừa rủi ro. Ông Bách cho rằng, các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan như ngân hàng, bán lẻ, xây dựng, công nghệ, sản xuất thực phẩm... được xem là "vùng an toàn" trong thời điểm hiện tại. Trong khi đó, các nhóm dệt may, da giày, đồ gỗ và bất động sản khu công nghiệp nên được theo dõi sát, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ hoặc nguyên liệu Trung Quốc.
Đáng chú ý, một số cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn được giới phân tích đưa vào danh mục theo dõi nhờ triển vọng phục hồi FDI. Tuy nhiên, yếu tố quyết định là mức thuế thực tế sau đàm phán sẽ ra sao, nếu Việt Nam giữ được lợi thế chi phí và thuế quan so với các nước trong khu vực, nhóm này sẽ hưởng lợi lớn, ngược lại sẽ đối diện áp lực điều chỉnh đáng kể.
Có thể nói, thị trường tháng 7 là giai đoạn “thử thách niềm tin” nền kinh tế nội tại và khả năng điều hành chính sách. Hiện nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi thêm các tín hiệu rõ ràng để quyết định xu hướng. Các chuyên gia khuyến nghị, sự thận trọng, chủ động quản trị rủi ro và lựa chọn cổ phiếu theo ngành nghề sẽ là chiến lược tối ưu để đi qua giai đoạn không chắc chắn này.
Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/thi-truong-chung-khoan-thang-7-cho-song-moi-giua-thong-tin-thue-chua-chac-chan-20250704150855395.htm