Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai
5 giờ trướcBài gốc
Ông Tạ Chí Tào sinh năm 1957 tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ông nguyên là Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai. Năm 2015, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh kết luận ông bị ung thư vòm họng nên ông đã xin nghỉ chế độ một lần để tập trung trị bệnh.
“Thời gian đầu phải xạ trị liên tục, đến nỗi rụng răng, rụng tóc, sút hơn 10 kg nhưng tôi vẫn giữ tinh thần lạc quan. Tôi tập trung sáng tác thơ nhiều hơn để vượt qua những cơn đau, đặc biệt là thơ về Bác Hồ”-nhà giáo Tạ Chí Tào kể.
Ông Tạ Chí Tào (bìa phải) tại buổi trao tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Bá Tính
Qua 10 năm kiên trì điều trị, bệnh tình của ông đã thuyên giảm rõ rệt. Cũng trong thời gian đó, ông đã xuất bản 9 tập thơ, tiêu biểu như: “Mắt sóng” (2016), “Một, một nửa” (2017), Trường ca “Cờ đào Tây Sơn” (2019), “79 bài thơ viết về Người” (2020) và 4 tập thơ có tựa đề “108 lục bát hai câu về Người” (xuất bản các năm 2021, 2022, 2023, 2025), Trường ca “Trường tồn lịch sử vĩ đại Người” với 500 câu lục bát (2024)”... Đây là nỗ lực rất lớn của nhà giáo Tạ Chí Tào trong khi phải liên tục ra vào TP. Hồ Chí Minh để điều trị bệnh.
Hình ảnh một người đàn ông gầy gò, “tay xách, nách mang” thủng thẳng bước vào Bảo tàng tỉnh khiến chúng tôi rất xúc động. Ngoài các tập thơ viết về Bác Hồ, ông còn mang theo nửa viên gạch chỉ và 2 hòn đá để tặng Bảo tàng tỉnh. Hai hòn đá ấy được ông lấy ở Khu di tích K9 Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội); còn nửa viên gạch ông nhặt trong vườn nhà Bác Hồ ở Nam Đàn, Nghệ An.
Ông Tào nhớ lại: “Cách đây hơn 20 năm, khi đó tôi là đại biểu HĐND huyện Chư Sê, được giao nhiệm vụ dẫn đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang và các thương binh nặng của huyện vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu di tích K9 Đá Chông và quê Bác (Nghệ An). Đây là một nhiệm vụ nặng nề vì trong đoàn chủ yếu là người già và thương binh, song cũng là niềm vinh dự và tự hào đối với tôi. Tôi chợt nghĩ phải xin bằng được một hiện vật ở mỗi khu di tích để mang vào Gia Lai làm kỷ niệm”.
Nghe thuyết minh viên giới thiệu Khu di tích K9 Đá Chông có rất nhiều tảng đá nhọn, dựng đứng tựa mũi chông nên có tên là Đá Chông, ông nảy ra ý tưởng tìm kiếm 2 hòn đá nhỏ, một thấp, một cao xin phép mang vào Gia Lai để nhớ nơi Bác đã ở, làm việc và bảo quản thi hài khi Bác mất.
Đến tham quan nhà Bác ở Làng Sen, ông suy nghĩ không biết xin vật gì để mang vào Gia Lai thì thấy ở góc vườn có những viên gạch cũ, xếp ngay ngắn. Ông vui mừng nhặt lấy nửa viên rồi xin phép Ban Quản lý di tích được mang theo.
Về Chư Sê, nhà giáo Tạ Chí Tào đã tự tay làm ngay một chiếc kệ bằng gỗ để 2 hòn đá và nửa viên gạch chỉ trưng bày trang trọng nơi phòng khách của gia đình. Thăm nhà ông, tôi còn thấy rất nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật... về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế mới biết, ông yêu kính Bác đến nhường nào!
Ông Lê Thanh Tuấn-Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho biết: “Những hiện vật nhà giáo Tạ Chí Tào trao tặng đều là những hiện vật quý liên quan đến Bác Hồ mà Bảo tàng chưa có. Chúng tôi rất trân trọng tấm lòng của ông và sẽ hoàn tất các thủ tục sưu tầm, trao giấy chứng nhận cho ông vào “Ngày hội văn hóa 2025” do Bảo tàng tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11”.
NGUYỄN ANH MINH
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/nha-giao-ta-chi-tao-tang-hien-vat-quy-cho-bao-tang-tinh-gia-lai-post321689.html