Ngày 08/4/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 1581/BGDĐT-GDPT về việc đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp. Công văn 1581 có nhiều chỉ đạo, định hướng về phân cấp quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở khi không còn cấp huyện trong thời gian tới. Các nội dung hướng dẫn tại công văn thu hút rất nhiều sự quan tâm của giáo viên, chuyên gia. Bên cạnh sự đồng tình còn có cả những băn khoăn xung quanh các vấn đề phân cấp được nêu tại công văn này.
Theo đó, Quyết định 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp; Văn bản số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp...thì việc phân cấp được nêu tại Công văn 1581 có một số vấn đề bất cập như sau:
Thứ nhất, tại Quyết định 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu “chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về cho xã, phường, đặc khu thực hiện” (trang 19), văn bản số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 đã nêu “nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương cấp xã được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9”, Quyết định 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 và văn bản số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 đã nêu cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã có 4 cơ quan chuyên môn, trong đó có phòng Văn hóa - Xã hội có nhiệm vụ tham mưu ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý nhà nước lĩnh vực Nội vụ và Giáo dục.
Vì vậy, hiện nay, nếu Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương căn cứ vào văn bản 1581/BGDĐT-GDPT ngày 8/4/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không phù hợp vì văn bản này có trước nên chưa cập nhật chỉ đạo của Chính phủ theo Quyết định 759 ngày 14/4/2025 và Văn bản 03 ngày 15/4/2025.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn
Thứ hai, cần thống nhất xuyên suốt nội dung quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục khác. Cần xác định rõ các cơ sở giáo dục khác gồm những cơ sở giáo dục nào (trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên…).
Cùng với đó, người viết xin góp ý một số nội dung cụ thể còn bất cập và cần làm rõ.
Về nội dung 4: Đội ngũ nhà giáo, nhân viên
Theo văn bản 1581, phương án phân cấp về nội dung này cho Sở Giáo dục và Đào tạo “Tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, biên chế … vị trí việc làm, tổng số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo quy định của pháp luật”. Theo người viết, quy định này có một số nội dung không phù hợp như sau.
Chức năng tham mưu trình cấp có thẩm quyền về biên chế, vị trí việc làm thuộc Sở Nội vụ. Vì vậy đề nghị sửa thành “phối hợp Sở Nội vụ trình cấp có thẩm quyền…”.
Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục tại Công văn 1581 phân cấp cụ thể: “Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non”, “Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục khác”. Vì vậy, quy định Sở Giáo dục và Đào tạo “Tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, tổng số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh” sẽ chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước đối với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Công văn 1581 phân cấp Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì đánh giá viên chức nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục công lập là chưa phù hợp vì việc đánh giá viên chức các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cấp xã. Xét theo quy mô của tỉnh mới sau sáp nhập có vài chục nghìn viên chức giáo dục nếu không phân cấp đánh giá sẽ không đảm bảo chính xác.
Đối với nội dung phân cấp tại mục 4 nêu Sở Giáo dục và Đào tạo “Quyết định công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập” không phù hợp với quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non”, và mục 5 của nội dung 6. Tổ chức hoạt động và quản lý cơ sở giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã quy định “Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục khác”.
Và không phù hợp với thực tế của tỉnh sau sáp nhập khi có hàng nghìn người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nhà nước trực tiếp mới đánh giá sát cán bộ quản lý giáo dục.
Cũng tại mục 4 nêu Ủy ban nhân dân cấp xã phải “đảm bảo đủ số lượng người làm việc thực hiện chương trình giáo dục theo quy định hiện hành” chưa phù hợp với nhiệm vụ Ủy ban nhân dân cấp xã được giao, vì mục 2 của nội dung này quy định Sở Giáo dục và Đào tạo “Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp xã tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, điều động luân chuyển, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập…”.
Văn bản chưa nhắc đến việc công nhận chức danh người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ sở giáo dục tư thục và khen thưởng, kỷ luật viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền của cấp nào.
Về nội dung 6. Tổ chức hoạt động và quản lý cơ sở giáo dục:
Mục 6, quy định Ủy ban nhân dân cấp xã “Chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý nhà giáo và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc phạm vi quản lý trước Hội đồng nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo và toàn xã hội” là chưa hợp lí với chức năng, nhiệm vụ dự kiến phân cấp Ủy ban nhân dân cấp xã, vì dự thảo đang phân cấp Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý chuyên môn, chương trình, đội ngũ, đào tạo, đánh giá viên chức… là những yếu tố quan trọng của đầu vào quá trình đảm bảo chất lượng giáo dục. Vì vậy, nên sửa theo hướng Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm giải trình thuộc các nội dung, lĩnh vực được phân cấp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Hoàng Mai