Đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật, dữ liệu lớn, trường học ảo,.... đã nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của thầy cô giáo trong tương lai.
Tuy nhiên, tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định rằng: “Trí tuệ nhân tạo không và không thể thay thế con người, vai trò nhà giáo không thể thay thế. Với trí tuệ nhân tạo và các phương tiện số mới, chúng ta cần coi chúng là những công cụ sắc bén và hữu hiệu mới”.
Nhiều cơ hội và thách thúc cho ngành giáo dục trong kỷ nguyên số. (Ảnh minh họa, nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn)
Quả thực không chi riêng ngành Giáo dục, sự phát triển của khoa học công nghệ trong kỷ nguyên số đã và đang tác động mạnh mẽ tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đối với công tác giảng dạy trí tuệ nhân tạo có thể giúp phân tích dữ liệu học tập của từng học sinh để thiết kế các chương trình học phù hợp với năng lực, tốc độ và sở thích cá nhân; hỗ trợ giáo viên trong việc chấm bài tự động, phân tích kết quả học tập và lập báo cáo, giúp tiết kiệm thời gian để tập trung vào công việc giảng dạy và phát triển kỹ năng cho học sinh; trí tuệ nhân tạo kết hợp với Internet vạn vật (IoT) để tạo ra lớp học thông minh, nơi mọi thiết bị được kết nối và hỗ trợ học tập;...
Hay với học sinh, ngày nay, nguồn kiến thức đa dạng, phong phú có thể tìm kiếm trên môi trường internet một cách nhanh chóng; nhiều app ứng dụng hỗ trợ cũng ra đời.
Chính vì điều này, dường như ở một khía cạnh nào đó đã ảnh hưởng đến cách thức mà cộng đồng hay xã hội đánh giá, xác lập vị trí của nhà giáo, nhiều ý kiến cho rằng vai trò của nhà giáo đã dần mờ đi trong kỷ nguyên số.
Tuy nhiên, khi khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển thì đây cũng là cơ hội của giáo dục lấy đó làm công cụ sắc bén, hiệu quả để phát triển. Điều này đặt ra yêu cầu nhà giáo cần phải có năng lực tư duy cao hơn, kỹ năng tốt hơn để chế ngự, để sử dụng khoa học kỹ thuật. Trong đó phải không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức, kỹ năng để không bị tụt hậu trước sự phát triển của công nghệ.
Đúng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói: “Chúng ta cần đối mặt với thách thức, không lảng tránh, không sợ hãi. Chúng ta đứng vững trên nền tảng của khoa học giáo dục và bản lĩnh của người thầy để đón nhận những điểm lợi thế của thời đại, để tranh thủ lợi thế, để phát triển nhanh hơn.”
Giáo dục và đào tạo nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn. Sứ mệnh được giao càng lớn, yêu cầu và kỳ vọng càng cao thì càng đòi hỏi giáo dục nước nhà đã đổi mới thì phải càng cần đổi mới nhanh hơn, chất lượng đã từng bước nâng cao thì càng cần nâng cao nhanh hơn. Trong đó, đội ngũ nhà giáo là hạt nhân, cũng cần phải đổi mới trong kỷ nguyên số, biến thách thức thành cơ hội để phát triển.
Minh Quang