Sinh ra và lớn lên tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa và các nhà chính trị nổi tiếng của đất nước, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Đức Lương gắn liền với nhiều giai đoạn quan trọng trong lịch sử vẻ vang của Đảng và đất nước, đặc biệt trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước...
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Boris Yeltsin trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tháng 8-1998. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Trần Đức Lương là một tấm gương hiếu học và năng động, sáng tạo trong công tác. Năm 1955 tập kết ra Bắc, đồng chí bắt đầu được học sơ cấp, bổ túc trung cấp địa chất và ra công tác tại các đoàn địa chất tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Vừa cần cù, chịu khó trong công tác, đồng chí vừa say mê học tập, vì thế đã được nhận vào hệ chuyên tu của Trường Đại học Mỏ-Địa chất. Không chỉ là một sinh viên có nhiều thành tích trong học tập, đồng chí còn là một cán bộ Đoàn năng động, xông xáo, được tín nhiệm bầu là Đảng ủy viên nhà trường, Bí thư Đoàn trường Đại học Mỏ-Địa chất. Tốt nghiệp đại học ra công tác, đồng chí đã phát huy năng lực của mình, đạt được nhiều thành tích xuất sắc, vì thế đã lần lượt được đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau và được bổ nhiệm là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất. Ngành địa chất học Việt Nam ghi nhận những công lao to lớn của đồng chí trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, hoàn thiện hệ thống lãnh đạo của Tổng cục Địa chất, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn và nghiên cứu rất cao. Bản đồ địa chất học Việt Nam cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác mà đồng chí đã tham gia hoặc là chủ biên đã được Đảng và Nhà nước đánh giá rất cao bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học.
Đồng chí Trần Đức Lương có nhiều năm là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó thủ tướng Chính phủ và là đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) khi khối xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất. Tên tuổi của đồng chí Trần Đức Lương gắn liền với những sự kiện quan trọng trong hoạt động của Chính phủ ở thời kỳ mở đầu công cuộc đổi mới của đất nước. Với vai trò là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã đóng góp công sức trong việc thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), đưa đất nước vượt qua thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng về ổn định chính trị, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Là đại diện của Việt Nam trong Hội đồng Tương trợ kinh tế, đồng chí đã tham dự nhiều phiên họp quan trọng của tổ chức này để thông báo về tình hình Việt Nam, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Trong thời kỳ này, tại Việt Nam có nhiều công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho đất nước phát triển, mà nổi bật nhất là công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình lớn nhất Đông Nam Á vào thời kỳ đó.
Giai đoạn 1997-2006, trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Trần Đức Lương ghi dấu ấn nổi bật trong các sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Thời gian đó, tôi may mắn là phóng viên của Báo Quân đội nhân dân được tháp tùng đồng chí tham dự một số sự kiện quan trọng ở trong nước và quốc tế. Cảm nhận của tôi về Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một nhà lãnh đạo có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, giữ vững nguyên tắc Đảng nhưng đồng thời năng động, uyển chuyển, có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước, đồng chí ghi dấu ấn với các sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam, nổi bật là tiếp và hội đàm với Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam vào năm 2000 nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; tiếp và hội đàm với Tổng thống Nga Putin năm 2001; thăm Cộng hòa Pháp năm 2002 cũng như thăm Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác. Trong các cuộc tiếp, Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn nhấn mạnh đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đôi bên cùng có lợi. Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng luôn nhấn mạnh về việc Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật với tất cả các nước, đặc biệt là các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản và các nước tiên tiến.
Tôi lưu lại ấn tượng sâu sắc trong lần tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc mà trọng tâm là trao đổi, giải quyết các vấn đề về biên giới trên bộ, phân định vịnh Bắc Bộ và thúc đẩy việc ký kết hiệp ước biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Với những công lao to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước, đồng chí Trần Đức Lương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí Trần Đức Lương đã vĩnh biệt chúng ta để đi về thế giới người hiền, nhưng tấm gương và những công lao to lớn của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc sẽ còn mãi.
TRẦN NHUNG