Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Chuyện chưa kể về nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng

Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Chuyện chưa kể về nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng
9 giờ trướcBài gốc
Khi nhắc đến đến vũ khí, khí tài đang vận hành trong lĩnh vực quốc phòng, ít ai ngờ rằng đằng sau sự vận hành êm ru của một chiếc máy bay phản lực hay một con tàu ngầm đang “lặn sâu, bơi xa” lại là những giọt nhiên liệu được "Made by" Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Khi quốc phòng “đặt hàng”, BSR sẵn sàng bước lên
Năm 2012, Bộ Quốc phòng đã có đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam - Petrovietnam) phối hợp nghiên cứu sản xuất trong nước các loại nhiên liệu phục vụ trang thiết bị quân sự.
Đáp lại đề nghị đó, Tập đoàn giao Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các loại nhiên liệu đặc chủng đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể ứng dụng cho máy bay phản lực, tàu ngầm, tàu chiến và nhiều thiết bị quân sự khác với những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, độ ổn định, an toàn tuyệt đối trong điều kiện vận hành đặc biệt.
Các kỹ sư NMLD Dung Quất nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để đáp ứng tốt các yêu cầu về sản phẩm nhiên liệu quốc phòng.
Đây không phải là chuyện “đổ xăng là chạy”, mà là cuộc chơi công nghệ cao, nơi mỗi lít nhiên liệu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, ổn định tuyệt đối và... không được phép sai sót.
Trong giai đoạn 2012-2014, BSR đã nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thành công các loại nhiên liệu đặc chủng tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất).
Nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu DO L-62 do BSR nghiên cứu và sản xuất sử dụng trên vũ khí trang bị, thiết bị quân sự và thiết bị đặc biệt đều đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của Bộ Quốc phòng và được cấp phép sử dụng cho các thiết bị quân sự.
Bước tiếp theo, BSR phối hợp với Cục Xăng dầu và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga triển khai đề tài nghiên cứu “Sự đảm bảo về mặt khoa học, kỹ thuật và phương pháp để cấp giấy phép sử dụng nhiên liệu Jet A-1K và nhiên liệu DO L-62 do NMLD Dung Quất sản xuất trên trang thiết bị quân sự”.
Sau 7 tháng triển khai giai đoạn 2, từ tháng 9/2013 đến tháng 3/2014, đã có 400 lít nhiên liệu Jet - A1K và 600 lít nhiên liệu DO - L62 đạt đầy đủ các chỉ tiêu quy định trong tiêu chuẩn nhiên liệu quân sự đã được sản xuất thành công.
Tàu ngầm 186 Đà Nẵng đã có hơn 3 năm sử dụng nhiên liệu do BSR cung cấp.
Không chỉ dừng ở việc chế ra nhiên liệu, BSR còn trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho hai loại nhiên liệu này, góp phần hình thành nền tảng pháp lý và kỹ thuật cho lĩnh vực sản xuất nhiên liệu đặc chủng tại Việt Nam.
Để đạt được giấy phép sản xuất chính thức, các mẫu Jet A-1K và DO L-62 còn phải trải qua nhiều vòng thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm quốc tế và kiểm tra thực tế trên các phương tiện quân sự, từ máy bay, tàu chiến đến môi trường khắc nghiệt trên biển.
Trước tiên là để phục vụ Tổ quốc
Tính đến nay, hơn 222.500 m3 nhiên liệu đặc chủng từ BSR đã được cung cấp cho các đơn vị trọng yếu của Bộ Quốc phòng, phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo trì khí tài quân sự. Đằng sau con số đó là hàng ngàn giờ nghiên cứu không ngừng nghỉ của các kỹ sư BSR.
Ông Bùi Ngọc Dương, Chủ tịch HĐQT BSR chia sẻ, góp phần đảm bảo quốc phòng là sứ mệnh thiêng liêng mà người lao động BSR may mắn được trao gửi.
Ý thức được trách nhiệm cao cả này, những năm qua, đội ngũ kỹ sư của NMLD Dung Quất đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để sản xuất thành công nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng. Việc này khẳng định được sự trưởng thành, làm chủ khoa học công nghệ, sản xuất được các sản phẩm mới và tinh thần phụng sự Tổ quốc của BSR.
Trong hành trình này, BSR luôn có người đồng hành là Cục Xăng dầu. Hai bên đã chung sức xây dựng hạ tầng phục vụ lâu dài, như dự án Kho Xăng dầu 85 (45.000 m3) cùng hệ thống ống dẫn. Từ nghiên cứu đến lưu trữ, mọi mắt xích đều được thiết kế cho mục tiêu xăng dầu không thiếu.
Đại diện Cục Xăng dầu và đại diện BSR ký kết hợp tác ngày 25/4/2025.
Để “bắt tay bền chặt hơn”, một quy chế phối hợp chính thức cũng đã được ký kết. Như vậy ngoài Jet A-1K hay DO L-62, các sản phẩm mới như dầu mỡ nhờn quốc phòng cũng sẽ được nghiên cứu, phát triển trong chiến lược dài hơi.
BSR hiện cũng là doanh nghiệp thứ hai ngoài lãnh thổ Liên bang Nga được cấp phép sản xuất Jet A-1K và DO L-62 dùng cho thiết bị quân sự sản xuất theo chuẩn Nga. Điều này không chỉ nâng tầm vị thế mà còn biến BSR thành Doanh nghiệp Khoa học – Công nghệ thực thụ. Trong năm 2022 và 2023, doanh thu từ nhiên liệu đặc chủng của BSR đã đạt gần 3.000 tỷ đồng – một con số ấn tượng trong bối cảnh thị trường xăng dầu nhiều biến động.
Không chỉ dừng lại ở yếu tố kinh tế, hiệu quả thực tế từ nhiên liệu đặc chủng do BSR sản xuất cũng được khẳng định bởi chính các đơn vị quân đội.
Trung tá Phạm Văn Thuận, Thuyền trưởng tàu ngầm 186 Đà Nẵng, chia sẻ, hơn ba năm sử dụng nhiên liệu DO L-62 từ NMLD Dung Quất và máy móc vận hành ổn định, hiệu suất tốt, chỉ tiêu chất lượng hoàn toàn đáp ứng, thay thế hoàn toàn nhiên liệu nhập khẩu.
Tương tự, đối với nhiên liệu Jet A-1K sử dụng cho máy bay chiến đấu, các thử nghiệm thực tế tại Phi đội 2, Quân chủng Phòng không - Không quân cho thấy, nhiên liệu của BSR đảm bảo hiệu suất vận hành, an toàn bay và khả năng thích ứng với các điều kiện môi trường khác nhau, giúp chiến sĩ yên tâm trong huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Đánh giá cao vai trò của BSR, Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) cho hay, việc sử dụng thử nghiệm nhiên liệu đặc chủng trong nước trên các loại khí tài chiến đấu là bước đột phá quan trọng. Các sản phẩm của BSR không chỉ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong thời gian tới, Cục Xăng dầu và BSR sẽ đánh giá khả năng bảo quản lâu dài và đưa nhiên liệu này vào kho dự trữ quốc gia.
Hoàng Minh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/nha-may-loc-dau-dung-quat-chuyen-chua-ke-ve-nhien-lieu-dac-chung-cho-quoc-phong-d288802.html