Công nhân tại một nhà máy sản xuất thú nhồi bông ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Các nhà máy sản xuất đồ chơi ở nước này bị ảnh hưởng nặng nề vì mức thuế quan 145% của Mỹ. Ảnh: Costfoto
Với mức thuế lên đến 145% mà Mỹ áp lên hầu hết hàng hóa của Trung Quốc trong năm nay, các chủ nhà máy ở nước này than thở rằng, khách hàng Mỹ đã đồng loạt hủy hoặc hoãn đơn hàng, đẩy họ vào tình thế phải cắt giảm sản xuất.
Năm ngoái, khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc hướng đến thị trường Mỹ. Các cuộc phỏng vấn của Financial Times và hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội cho thấy, công nhân ở Trung Quốc chia sẻ hình ảnh dây chuyền sản xuất nằm im lìm hoặc thông báo tạm dừng hoạt động, minh chứng cho cú sốc mà thuế quan đang gây ra.
Một số công nhân chia sẻ, cuộc chiến thương mại đã khiến các nhà máy sản xuất từ đế giày, quần jeans đến ổ cắm điện và bếp cắm trại phải dừng hoạt động cả tuần thậm chí lâu hơn. Một số chủ nhà máy buộc phải cắt ca làm thêm hoặc ngày làm cuối tuần.
Wang Xin, người đứng đầu Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến, đại diện cho hơn 2.000 thương nhân xuất khẩu của Trung Quốc, cho biết nhiều thành viên đang “lo sốt vó”, yêu cầu các nhà máy và nhà cung cấp dừng hoặc hoãn giao hàng khiến một số nhà máy phải tạm ngưng sản xuất từ 1-2 tuần.
Ba nhà tuyển dụng công nhân nhà máy ở Quảng Đông tiết lộ, nhiều nhà máy đang cắt giảm giờ làm thêm và ca cuối tuần. Chỉ những nhà máy phụ thuộc lớn vào đơn hàng từ Mỹ mới phải cho toàn bộ công nhân nghỉ phép.
“Đơn hàng xuất khẩu biến mất nên chúng tôi phải tạm dừng sản xuất,” một nữ công nhân 28 tuổi tại nhà máy nhựa ở Phúc Kiến chia sẻ và cho biết thêm, nhà máy đã dừng hoạt động một tuần.
Trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, hình ảnh các nhà máy đóng cửa ngập tràn.
Tại công ty DeHong Electrical Products ở Đông Hoản, Quảng Đông, ban lãnh đạo cho công nhân nghỉ một tháng với mức lương tối thiểu, thừa nhận nhà máy đang chịu áp lực lớn trong ngắn hạn sau khi khách hàng hoãn đơn.
“Ban lãnh đạo đang nỗ lực tìm giải pháp, từ mở rộng thị trường mới đến tối ưu chi phí, để sớm khôi phục hoạt động”, thông báo của DeHong cho biết.
Hangzhou Stellarmed, một công ty ở Chiết Giang chuyên sản xuất bộ dụng cụ nội soi chủ yếu cho thị trường Mỹ thông báo, công nhân có thể tìm việc mới.
“Chúng tôi không biết tình hình này sẽ kéo dài bao lâu, chỉ biết chờ đợi, chẳng làm được gì hơn”, bà Shi, chủ nhà máy của công ty Hangzhou Stellarmed nói ngắn gọn, từ chối nêu tên đầy đủ.
Công ty sản xuất khuôn nhựa Dongguan Yuanguan Technology ở Quảng Đông đổ lỗi cho thuế quan khi phải hủy toàn bộ ca làm thêm cuối tuần, theo thông báo của công ty.
Một nam công nhân 26 tuổi ở Chiết Giang kể rằng, nhà máy đồ chơi nơi anh làm việc, vốn xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, buộc phải cho công nhân nghỉ 2 tuần. “Mọi thứ đang khó khăn”, anh nói
Han Dongfang, người sáng lập tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động Trung Quốc China Labour Bulletin cho biết, chưa rõ mức độ lan rộng của tình trạng nhà máy tạm dừng hoạt động. “Việc tái cấu trúc ngành sản xuất Trung Quốc sẽ là một quá trình dài và công nhân sẽ là những người chịu thiệt”, ông nói.
Chuỗi cung ứng điện tử Trung Quốc, nơi tuyển dụng hàng chục ngàn lao động, may mắn được hưởng chút “khoan hồng” khi Washington tạm thời miễn áp thuế đối với điện thoại thông minh và một số thiết bị điện tử khác xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các tập đoàn công nghệ và chính quyền của các thành phố có nhiều nhà xuất khẩu như Thâm Quyến, Đông Hoản đang tung ra các chương trình hỗ trợ để ổn định ngoại thương. Tuần trước, chính quyền Thâm Quyến công bố trợ cấp cho doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại nước ngoài và mở rộng bảo hiểm xuất khẩu để bù đắp đơn hàng Mỹ bị hủy.
Một quản lý nhà máy của công ty sản xuất dụng cụ làm tóc Ningbo Taiyun Electric cho biết, công ty dừng sản xuất từ ngày 12-4 nhưng mới đây khởi động lại với công suất điểu chỉnh giảm để sản xuất máy uốn và duỗi tóc.
“Chúng tôi còn một ít đơn từ châu Âu đang cố tìm thêm. Hy vọng Mỹ sẽ thay đổi chính sách” người này nói.
Trung Quốc, với thặng dư thương mại kỷ lục gần 1 nghìn tỉ đô la Mỹ năm ngoái, đáp trả thuế quan của Washington bằng mức thuế bổ sung 125% áp hàng nhập từ Mỹ trong năm nay. Dù Tổng thống Trump liên tục bày tỏ mong muốn đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giải quyết vấn đề thương mại nhưng Bắc Kinh dường như không sốt sắng thu xếp cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Hôm 23-4, tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết, Mỹ đang cân nhắc giảm thuế quan đối với Quốc xuống còn khoảng 50-65%. Nhà Trắng cũng đang xem xét cách tiếp cận áp thuế với hàng hóa của Trung Quốc theo nhiều lớp. Theo đó, Mỹ có thể áp thuế 35% đối các mặt hàng không đe dọa an ninh quốc gia và ít nhất 100% với các mặt hàng được xem là có tầm quan trọng chiến lược.
Hôm qua, phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết, sẽ công bố mức thuế mới đối một số đối tác thương mại gồm Trung Quốc trong vài tuần tới, tùy thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán. Trước đó, ông ghi nhận mức thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc là quá cao và sẽ được điều chỉnh giảm đáng kể vào một thời điểm nào đó.
Theo Financial Times, CNN, WSJ
Lê Linh