Nhà sản xuất chương trình 'Gõ cửa thăm nhà' xin lỗi cộng đồng người khiếm thị

Nhà sản xuất chương trình 'Gõ cửa thăm nhà' xin lỗi cộng đồng người khiếm thị
24 phút trướcBài gốc
“Ban biên tập của chúng tôi đã có những sai sót trong quá trình cắt dựng dẫn đến phát sóng nhầm phiên bản chưa được kiểm duyệt, trong đó bao gồm câu nói chủ quan của một nhân vật về các cơ sở massage người khiếm thị. Chúng tôi xin phép nhận sai và gửi lời xin lỗi chân thành đến cộng đồng người khiếm thị TPHCM vì đã gây ra những tranh cãi không đáng có trong cộng đồng…” - trích công văn ngày 27/9 gửi cộng đồng người khiếm thị TPHCM của lãnh đạo Công ty CP MBC Studio.
Công văn của đại diện nhà sản xuất chương trình “Gõ cửa thăm nhà”.
Trước khi có văn bản này, cộng đồng người khiếm thị đã dậy sóng vì có một video được cắt từ chương trình Gõ cửa thăm nhà tập 208, đăng tải trên nền tảng TikTok tại địa chỉ @mcv.gocuathamnha với tựa đề Mặt tối của nghề mát xa và những câu chuyện bên trong các tiệm mát xa khiếm thị. Trong video ngắn này có nêu quan điểm cá nhân của nhân vật là chủ của một cơ sở massage khiếm thị rằng: “Em khẳng định nhé, ở Sài Gòn, 90% các cơ sở massage khiếm thị có cung cấp dịch vụ massage không lành mạnh…”.
Phát ngôn này cùng video trên đã trở thành viral trên mạng xã hội, chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 1 triệu lượt xem và hàng trăm bình luận bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, tinh thần của cộng đồng người khiếm thị, đặc biệt là những người làm nghề massage người mù.
Ông Châu Cao Minh, người có 3 cơ sở massage người mù tại TPHCM cùng một số chủ cơ sở khác đã trực tiếp làm việc với Đài Truyền hình TPHCM - đơn vị phát sóng chương trình và nhà sản xuất thuộc MCV Group - chia sẻ với VietNamNet: “Việc cắt đăng video ngắn với tựa đề trên lên kênh TikTok của MCV là có chủ đích câu view, ảnh hưởng tới đời sống người khiếm thị”.
Trong quá trình làm việc, ông Minh cho biết, chương trình phát sóng trên HTV7 không hề có nội dung thiếu kiểm chứng, sai sự thật về “ở Sài Gòn, 90% các cơ sở massage khiếm thị có cung cấp dịch vụ massage không lành mạnh”.
“Nhà đài đã có biên tập, kiểm duyệt rất tốt, tuy nhiên, phía đơn vị sản xuất lại cho đăng nội dung câu view không có trong nội dung phát sóng chính thức của tập Gõ cửa thăm nhà số 208”, ông Minh khẳng định.
Do vậy, ông Minh cho biết, không đồng ý với giải thích trong công văn ngày 27/9 từ phía nhà sản xuất là “phát sóng nhầm”.
Theo ông Minh, những ngày qua, đại diện các chủ cơ sở massage người khiếm thị cũng như cộng đồng người khiếm thị đã liên tục có phản ứng với nội dung thiếu kiểm chứng, sai sự thật, gây ảnh hưởng đến cộng đồng của MCV.
Nhóm những người trong cộng đồng massage người mù đến Đài Truyền hình TPHCM để làm rõ về việc phát sóng tập 208 của "Gõ cửa thăm nhà".
"Mặc dù bên đại diện nhà sản xuất cam kết cắt nội dung gây phương hại đến quyền lợi của cộng đồng người khiếm thị, cũng như không để lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội nhưng thực tế với hơn 1 triệu lượt xem video trên TikTok thời gian qua, họ đã có ấn tượng xấu về nghề massage khiếm thị" - ông Châu Cao Minh bức xúc. Theo ông Minh, nhà sản xuất cần xin lỗi công khai trên chương trình, có đính chính rõ ràng chứ không phải bằng công văn “đổ lỗi” sơ suất phát nhầm như vậy.
Chương trình Gõ cửa thăm nhà phát sóng lúc 19h30 thứ Năm hàng tuần trên kênh HTV7 của Đài Truyền hình TPHCM và 22h30 cùng ngày kênh YouTube MCVMedia, do MC Quốc Thuận và Phan Như Thảo dẫn chương trình.
Video với lượt view khủng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng người khiếm thị:
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật không cao
Tổng cục Thống kê và UNICEF năm 2019 đã công bố kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam. Theo đó, hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người - là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số.
Cuộc điều tra còn chỉ ra một thực trạng, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa. Cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Mặc dù, người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế nên điều kiện nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2,3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.
Lưu Đình Long
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/nha-san-xuat-chuong-trinh-go-cua-tham-nha-xin-loi-cong-dong-nguoi-khiem-thi-2327456.html