Công nghệ cầu, đường, hầm Việt Nam trong “top” đầu thế giới
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có tổng chiều dài 1.541km với 60% là kết cấu cầu, 30% kết cấu nền đất, 10% kết cấu hầm sẽ là cơ hội mang lại khối lượng công việc khổng lồ cho các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông Việt Nam. Các nhà thầu nội khẳng định đủ sức với “đầu bài” đưa ra để thực hiện thi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đoàn tàu đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Ảnh AI.
Từ thực tế trải nghiệm và học hỏi mô hình tại một số quốc gia châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và theo dõi sát sao quá trình hình thành từ ý tưởng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Định An đánh giá đây là dự án rất lớn, cần có nhà thầu, tư vấn, nhà cung cấp thiết bị có năng lực thực sự.
“Với sự quyết tâm và ý thức đây là các công trình mang lại sự thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, dự án này chính là vận hội mới cho Tập đoàn Định An và đất nước nên thời gian qua, đơn vị đã làm việc với các tổ chức doanh nghiệp đối tác nước ngoài, Trường Đại học GTVT Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các tập đoàn khác để cùng tổ chức các lớp học cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên lao động, chuyên gia kỹ thuật có các bằng cấp về chứng chỉ chuyên ngành đường sắt nhằm chuẩn bị cho dự án”, ông Hoạt khẳng định.
Chỉ ra thế mạnh của Tập đoàn Định An đó là phần hạ tầng nhờ vào năng lực con người, tài chính, ông Hoạt nhìn nhận ở góc độ tiêu chuẩn kỹ thuật, đường sắt tốc độ cao cũng có cầu cạn, hầm xuyên núi, nền đường như dự án đường bộ cao tốc nên nhà thầu trong nước chắc chắn sẽ chủ động đảm đương 100% khối lượng công việc.
“Nước ta có 20-30 doanh nghiệp nhà thầu đủ năng lực triển khai hạ tầng đường sắt tốc độ cao như Tập đoàn Đèo Cả, Tổng công ty Trường Sơn, Tập Đoàn Trung Nam, Cienco 4, Tập đoàn Định An, Tổng Cty 319…Chính “thao trường” tại các Dự án cao tốc Bắc-Nam khi đối mặt với khó khăn như đại dịch, bão giá, nguồn cung vật liệu hay vấn đề chậm trễ giải phóng mặt bằng nhưng đều hoàn thành, vượt tiến độ với khối lượng công việc khổng lồ chỉ hơn 2 năm đã cho thấy năng lực tài chính, kinh nghiệm, đội ngũ lao động”, ông Hoạt lấy dẫn chứng.
Theo lộ trình đề xuất, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ khởi công năm 2027, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Để hoàn thành dự án, các doanh nghiệp nhà thầu Việt Nam đưa ra quan điểm, công tác khảo sát thiết kế ban đầu, giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật tư vật liệu phải đi trước một bước khi dự án khởi công.
Ông Cao Đăng Hoạt - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Định An.
“Cần phải đảm bảo khi dự án được khởi công, nhà thầu sẽ nhận được toàn bộ mặt bằng sạch để tổ chức thi công đồng bộ các hạng mục, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe của tuyến đường sắt tốc độ cao”, ông Hoạt nói.
Muốn đảm bảo tiến độ, theo ông Hoạt, cơ quan Nhà nước cần chủ động nguồn vốn, khảo sát thiết kế kỹ càng, tư vấn giám sát cho các chủ đầu tư; tính đúng tính đủ hệ số đơn giá định mức, lựa chọn các nhà thầu có năng lực tài chính kinh nghiệm; có cơ chế đặc thù nguồn vật liệu giao mỏ cho các nhà thầu giảm khâu trung gian, tránh đội giá; công tác giải phóng mặt bằng thành hạng mục riêng hoàn thành 100% trước khi đấu thầu hoàn thành dự án.
Ngoài việc các doanh nghiệp nhà thầu Việt phải chuẩn bị đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm đường sắt tốc độ cao, có máy móc thiết bị chuyên dụng đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn Định An cũng kiến nghị dự án cần chia thành các gói thầu lớn, liên danh liên kết giữa các tổng thầu với nhau đã có kinh nghiệm triển khai các dự án trọng điểm của Nhà nước để thi công, bởi nếu chia nhỏ gói thầu thì công tác quản lý giám sát manh mún, tốn kém và không phát huy hiệu quả khối lượng công việc.
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với cách nghĩ cách làm các dự án hạ tầng giao thông như thời gian vừa qua, nhà thầu tự tin hoàn toàn làm được và bảo đảm mốc tiến độ sẽ hoàn thành vào năm 2035”, ông Hoạt khẳng định.
Còn theo lãnh đạo Tập đoàn Cienco4, hầu hết các phần hạ tầng xây dựng (trừ thiết bị) và các nhà ga không phải là nhà ga trung tâm đều có thể được thực hiện bởi các nhà thầu giao thông lớn trong nước với đủ năng lực.
Công nhân, kỹ sư Việt Nam khoan hầm trên cao tốc Bắc - Nam.
"Cơ quan chức năng cần lựa chọn các nhà thầu lớn, có kinh nghiệm để đại diện cho các gói thầu lớn. Cơ chế chỉ định thầu, như đã áp dụng trong dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, là một điểm mở cần được nghiên cứu triển khai.
Ngoại trừ một số nhà ga chính cần tích hợp nhiều hạ tầng kỹ thuật, cần xem xét chọn các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm về công nghệ, thiết bị và vận hành khai thác làm tổng thầu để đảm bảo tính chính xác cao", vị này cho biết.
Theo lãnh đạo Cienco4, trong quá trình xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu và đơn vị tư vấn, yêu cầu "doanh nghiệp đã từng tham gia một công trình tương tự" sẽ trở thành rào cản cho các doanh nghiệp trong nước, vì Việt Nam chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào được thực hiện.
Cơ hội cho ngành thép Việt
Trong bối cảnh này, ngành thép đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp nguyên vật liệu chính cho các hạng mục xây dựng của dự án. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thép trong nước khẳng định vị thế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
Mới đây, tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra vào tháng 9, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát đã chuẩn bị và nghiên cứu về việc phát triển thép dành cho đường ray đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong 2-3 năm qua.
Người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam và đặc biệt đánh giá cao chủ trương đưa yêu cầu “phải sử dụng” hàng hóa của doanh nghiệp trong nước sản xuất được vào các gói thầu.
“Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại. Hòa Phát là doanh nghiệp Top 50 thế giới về sản xuất thép và chúng tôi tự tin cam kết 4 điểm tại dự án này. Một là, đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cơ hội cho ngành thép phát triển.
Hai là, cam kết về chất lượng, tất cả các chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu.
Ba là, đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án. Thứ tư, về giá cả Hòa Phát đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu”, ông Long khẳng định.
Theo các chuyên gia, dự án đường sắt Bắc-Nam không chỉ thúc đẩy tiêu thụ thép trong ngắn hạn mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng dài hạn cho ngành thép trong nước. Với tổng chiều dài tuyến đường lên đến hàng ngàn km, khối lượng thép sử dụng sẽ rất lớn, tạo ra nguồn cầu ổn định và liên tục trong nhiều năm.
Ủng hộ chính sách ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp trong nước, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, cần thực hiện vai trò làm chủ trong các dự án.
Ông Cường nhấn mạnh: “Các nhà thầu phải là người Việt Nam, là doanh nghiệp trong nước, chứ không phải là nhà đầu tư nước ngoài”.
Dẫn chứng các tuyến đường sắt đô thị đã và đang triển khai, ông Cường cho rằng, nếu để nhà thầu nước ngoài tổ chức thi công và mang thiết bị vào lắp đặt, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng lệ thuộc, thậm chí kéo dài thời gian thực hiện dự án.
"Khi nhà thầu nước ngoài là chủ thầu, bất kỳ vướng mắc nào cũng sẽ khiến họ dừng lại, trong khi chúng ta không có khả năng can thiệp. Ngược lại, nếu tự thực hiện, chúng ta có thể dồn lực, tạo sức ép và cam kết tiến độ hoàn thành", ông Cường nói.
Theo ông Cường, các nhà thầu Việt Nam nên liên doanh, liên kết với nhà thầu nước ngoài, trong đó nhà thầu nước ngoài chỉ giữ vai trò hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và giải quyết các vấn đề kỹ thuật cho các nhà thầu trong nước tự thi công.
“Chúng ta cần một chính sách rất đặc biệt. Nhà nước nên đặt hàng cho các tập đoàn và doanh nghiệp trong nước để họ trở thành chủ dự án, chủ công trình, từ đó họ sẽ tìm kiếm các đối tác để thực hiện”, ông Cường nói.
Phi Long/VOV.VN