“Mặt bằng bị vướng quá nhiều, chúng tôi đề xuất phải gỡ rối sớm, vật tư thì lên mà mặt bằng kiểu này thì khổ. Đá thì cứ lên 10.000 - 20.000 đồng/khối và lên liên tục, khó mua lắm, một chuyến đi cả 10 ngày mới nhận được sà lan. Gần đây, tôi không tham gia đấu thầu nữa, chỉ lo công trình của mình còn chưa ổn, nếu không có việc làm kéo theo hệ lụy nữa, các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn”.
“Vật tư nay tăng quá, tăng rất cao, giá dự thầu trước đây thì thấp nay lên cao, đá 04 tăng mà nguồn thì lúc có lúc không, quá chậm, đang kiếm nhiều nguồn nhưng khó khăn quá”.
Đây là tâm tư của 2 chủ doanh nghiệp: Ông Đinh Văn An, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thủy lợi Đồng Tiến, tại huyện Cái Bè; Ông Nguyễn T. D, Phó Giám đốc một công ty xây dựng thủy lợi tại thành phố Mỹ Tho. Đây cũng là khó khăn chung mà ngành xây dựng tỉnh Tiền Giang đang gặp phải khi nguồn vật liệu khan hàng lại sốt giá. Đặc biệt đối với các loại đá dù giá cao hơn cùng kỳ năm ngoái trên dưới 100.000 đồng/m3 nhưng rất khó mua được nguồn hàng.
Các công trình, dự án xây dựng tại tỉnh Tiền Giang đang khan hiếm nguồn vật liệu đá
Hầu hết các công trình xây dựng tại địa phương này đều thiếu hụt nguồn đá, phải loay hoay thu gom nhiều nơi nhưng vẫn không đáp ứng nên thi công kiểu “cầm chừng”. Các doanh nghiệp chuyên cung cấp bê tông tươi, móng dầm đúc sẵn phục vụ ngành xây dựng như: Công ty TNHH Hữu Biên, công ty TNHH MTV bê tông Ticco Mỹ Tho, Tân Phước cũng thiếu nguồn vật liệu đá trong sản xuất bê tông để phục vụ khách hàng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các mỏ đá hiện nay đang ưu tiên phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia, rất hạn chế bán tự do nên các doanh nghiệp tại tỉnh rất khó mua được hàng hóa này. Nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng phải ra miền ngoài chở vật liệu đá về rất nhiêu khê và chi phí tăng rất cao. Điều đáng nói là dù giá đá hiện đang ở mức cao nhưng giá vật tư này mà Sở Xây dựng Tiền Giang công bố lại thấp hơn giá thị trường nên dẫn đến nhiều nhà thầu phải bù lỗ. Hầu hết các doanh nghiệp trúng thầu các dự án từ vốn ngân sách kiến nghị các Sở, ngành chức năng sớm điều chỉnh giá vật liệu lại cho phù hợp.
Không ít công trình thi công " cầm chừng" do giá vật liệu vừa tăng cao vừa khan hàng
Bên cạnh khó khăn về vật liệu đá, nhiều công trình, dự án tại tỉnh Tiền Giang còn vướng mặt bằng do bị trở ngại trong công tác thu hồi đất, người dân vùng dự án chưa đồng thuận với mức giá bồi thường, hỗ trợ nên nhà thầu phải dừng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Một khó khăn nữa là hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tiến hành sáp nhập cấp xã, bỏ cấp huyện; trong đó có việc sắp xếp, tổ chức lại Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất cấp tỉnh, huyện nên việc tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện các công trình, dự án gặp nhiều khó khăn. Không ít nhà thầu còn lo ngại tham gia đầu thầu trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Văn Khoa, chủ doanh nghiệp xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết: "Vật liệu đá nói chung là rất hiếm, không có phải kiếm chỗ này chỗ kia gom lại chứ biết làm sao. Tôi phải cố gắng làm cho xong”.
Các doanh nghiệp phải dùng sà lan đi thật xa mới mua được vật liệu đá dù giá tăng vọt
Năm nay, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh Tiền Giang hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng đến nay tỉ lệ giải ngân mới đạt 23%.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tiền Giang năm nay được giao quản lý nguồn vốn đầu tư công trên 782 tỷ đồng để thực hiện 8 dự án xây dựng cầu đường. Dù có nhiều nỗ lực nhưng đến thời điểm này cũng chỉ giải ngân đạt tỉ lệ khoảng 25%. Nhiều công trình xây dựng lĩnh vực dân dụng phải dừng do sáp nhập xã, phường, bỏ cấp huyện.
Ông Lê Quang Thạch, Giám đốc Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất thị xã Cai Lậy cho biết, đến nay tiến độ giải ngân chưa đạt 30% kế hoạch năm, công tác này dù gặp nhiều khó khăn cũng phải tăng tốc để đảm bảo tiến độ.
Dự án kè, đường hai bên sông Bảo Định thi công " rùa bò" do bị vướng về mặt bằng và vật liệu cát, đá khan hiếm
"Giai đoạn này cấp huyện chịu nhiều ảnh hưởng, ví dụ nếu có lấn cấn về danh mục hay chỗ kho bạc giải ngân, thanh quyết toán... rồi đến 1/7 thêm Luật đấu thầu, Luật Xây dựng rồi những Luật có liên quan thay đổi. Nếu các Luật đó quy định có thay đổi hoặc phải thực hiện lại mình cũng chưa hình dung được. Còn khi chuyển về xã thì mình phải trình thay đổi chủ trương đầu tư, điều chỉnh, phải làm đúng tiến độ chứ bây giờ khó tăng tốc hơn nữa.
Giai đoạn này, ngoài những dự án của tỉnh dồn còn có các dự án của Thị xã phải đẩy nhanh làm trước để tranh thủ thanh toán. Nói chung anh em đẩy nhanh làm, nhưng có cái khó đối với anh em làm hợp đồng chưa biết sao nên tâm lý cũng bị ảnh hưởng lắm” - ông Thạch chia sẻ thêm.
Những khó khăn gặp phải đối với ngành xây dựng Tiền Giang cần được sớm quan tâm tháo gỡ
Trước những biến động của thị trường vật liệu xây dựng, những khó khăn trong giai đoạn sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện và sáp nhập tỉnh đã tác động rất lớn đến ngành xây dựng ở tỉnh Tiền Giang cũng như các địa phương trong khu vực này. Để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm nay, cần có sự nỗ lực, tháo gỡ khó khăn của các cấp chính quyền, ngành chức năng để các công trình, dự án triển khai, thực hiện ổn định đạt tiến độ và chất lượng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Chu Trinh/VOV-ĐBSCL