Nhà thơ Văn Công. Ảnh: PHAN XUÂN LUẬT
Còn nhớ, khi những bài thơ đầu tiên “từ miền Nam gửi ra” của ba nhà thơ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thì trong ba nhà thơ đầu tiên ấy, có Văn Công. Năm 1963, khi tôi đang theo học tại trường cấp ba Chu Văn An (Hà Nội), đám học sinh chúng tôi đã được đón đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng từ miền Nam ra, tới thăm trường. Cả trường Chu Văn An náo nức vì cuộc đón tiếp vô cùng cảm động này. Trong đoàn đại biểu ấy có nhà thơ Thanh Hải, đại diện cho văn nghệ giải phóng miền Nam. Ba cái tên Thanh Hải, Văn Công, Giang Nam từ đó đã nằm sâu trong bộ nhớ của học sinh chúng tôi.
"Vượt Trường Sơn", thơ Văn Công ra miền Bắc
Chiến tranh kéo dài, tới lúc đám học sinh chúng tôi gia nhập quân đội, vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Có đi mới biết, ở chiến trường gian khổ và nguy hiểm đến chừng nào. Mãi tới sau hòa bình, chính xác là vào năm 1987, tôi mới có dịp được gặp nhà thơ Văn Công. Năm đó, để hưởng ứng công cuộc đổi mới, văn nghệ miền Trung tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “Văn học và Đổi mới” tại Nha Trang. Tôi được mời đi dự, nhân dịp này tôi đưa cả gia đình vào Nha Trang thăm chơi cho biết. Tại cuộc hội thảo, tôi đã gặp nhà thơ Văn Công, lúc ấy ông đang là cán bộ lãnh đạo của tỉnh Phú Khánh. Nhà thơ Văn Công tới dự hội thảo, và ông rất có cảm tình khi nghe tôi đọc tham luận Thơ đổi mới như thế nào?”.
Tiếp xúc với nhà thơ Văn Công, tôi nhận thấy ông là người giản dị - rất giản dị, và xởi lởi.
Đã hơn một lần, nhà văn Nguyễn Chí Trung, “sếp” của tôi ở Trại sáng tác Quân khu 5, kể tôi nghe về thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp ở hai phía của đèo Cả. Nhà thơ Trần Mai Ninh và nhà văn Nguyễn Chí Trung ở bên kia đèo Cả, còn nhà thơ Văn Công, có nhà thơ Hữu Loan tham gia, ở bên này đèo Cả. Từ những trận đánh ở hai phía đèo Cả, nhà thơ Trần Mai Ninh có bài thơ Nhớ máu bất tử, còn nhà thơ Hữu Loan có bài thơ Đèo Cả nổi tiếng:
Dưới cây
bên suối độc
Cheo leo chòi canh
như biên cương
Tóc râu
trùm vai rộng
Không nhận ra
người làng
Ngày thâu
vượn hú
Đêm canh
gặp hùm lang thang...
(Đèo Cả)
Đó là năm 1946. Các anh nhà thơ, nhà văn ấy là tiền bối của tôi, vì năm 1946 tôi mới được sinh ra.
Các thế hệ nhà thơ luôn được tiếp nối, thơ ca yêu nước từ kháng chiến chống Pháp sang kháng chiến chống Mỹ đã đi những chặng đường dài, nhưng lòng yêu nước, tình yêu Nhân dân thì đã thành một hằng số không thay đổi. Vinh dự của nhà thơ Văn Công là đã tham gia hai cuộc kháng chiến ngay từ những ngày đầu tiên. Văn Công, Trần Mai Ninh, Hữu Loan đã có mặt trong đoàn quân Nam tiến, và Phú Yên, Khánh Hòa là chiến trường mà họ trực tiếp chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp.
Khi viết về quê hương Tuy Hòa, thơ Văn Công đầy những thi ảnh đẹp, lung linh tình yêu thương và khát vọng về ngày hòa bình thống nhất.
Nhưng so với cuộc kháng chiến chống Pháp dù gian khổ nhưng đầy tinh thần lãng mạn, thì 5 năm đầu tiên (1955-1960) của cuộc kháng chiến chống Mỹ còn cay cực hơn rất nhiều. Và nhà thơ Văn Công đã tham gia trọn thời kỳ khốc liệt đầu tiên ấy. Ông làm thơ. Và thơ ông đã ra tới miền Bắc trong cuộc “vượt Trường Sơn” khi chưa có đường 559.
Thấu cảm yêu thương, khát vọng hòa bình
Năm 1965, lần đầu tiên Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được trao tặng cho 54 nhà văn, nhà thơ tham gia kháng chiến ở miền Nam. Trong số người được tặng thưởng ấy, có nhà thơ Văn Công.
Năm 1958, nhà thơ Văn Công viết bài thơ Người cộng sản, là một trong những bài thơ đặc sắc được dịch ra tiếng Pháp, xuất bản ở Paris năm 1968:
“Người cộng sản phải trên trời rơi xuống
Hay từ dưới đất mọc lên?
Không! Không phải!
Cũng đầu đen máu đỏ
Từ khổ đau họ đã vùng lên”
Bây giờ, chúng ta đọc lại bài thơ ấy, phải tự mình vào cuộc ở thời kỳ “Luật 10/59” lê máy chém khắp miền Nam, mới thật sự thấu cảm từng câu thơ như được viết bằng máu của nhà thơ Văn Công. Cũng không thể quên được bài thơ Tuy Hòa mến yêu - tác phẩm được trao giải nhất Báo Thống Nhất, được đưa vào tập thơ Tiếng hát miền Nam, xuất bản năm 1960 và trích dẫn trong giáo trình văn học cách mạng miền Nam của Khoa Ngữ văn - Trường đại học Tổng hợp và Trường đại học Sư phạm Hà Nội:
"Ta lặn lội giữa trời bùng khói lửa
Tháp Chàm ơi! Mây quyện gió hoang vu
Lúa gãy đòng đập Ðồng Cam chảy sữa
Vách tường xiêu cau mặt ngó quân thù…
Tuy Hòa ơi! Ngày mai sẽ đến
Bụi mù tan, chim bướm nhởn nhơ bay
Ðỉnh Nhạn Tháp ánh trăng lồng ánh điện
Cửa sông Ðà buồm giăng cánh về đây..."
Khi viết về quê hương Tuy Hòa, thơ Văn Công đầy những thi ảnh đẹp, lung linh tình yêu thương và khát vọng về ngày hòa bình thống nhất.
Trở lại với “bộ ba nhà thơ” Văn Công - Thanh Hải - Giang Nam, hai nhà thơ Thanh Hải và Giang Nam đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, chỉ riêng nhà thơ Văn Công là chưa. Tôi nghĩ, là chưa chứ chẳng phải là không. Rất mong Hội Nhà văn Việt Nam sớm giải quyết câu chuyện này, để nhà thơ - người cộng sản Văn Công được truy tặng Giải thưởng Nhà nước mà ông thật sự xứng đáng!
THANH THẢO