Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thế Vinh. Ảnh: Đan Vũ
P.V: Đã có nhiều nghiên cứu nói về ý nghĩa, vai trò và giá trị của sách đối với con người và cuộc sống nhưng với góc nhìn của một nhà thơ, nhà NCVHDG, theo ông, sách có ý nghĩa, vai trò như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Vinh: Theo tôi, sách giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển cá nhân, xã hội cũng như văn hóa. Sách là kho tàng tri thức khổng lồ, nơi lưu giữ những hiểu biết, kinh nghiệm và phát minh của nhân loại qua hàng ngàn năm. Đọc sách cho phép con người tiếp cận những thông tin quý báu về nhiều lĩnh vực, như: khoa học, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác, giúp mở rộng hiểu biết và nâng cao khả năng tư duy của con người. Không chỉ truyền đạt tri thức, sách còn cung cấp những bài học đạo đức, hình thành nhân cách và giá trị sống. Sách cũng kích thích tư duy và sáng tạo. Khi đọc sách, người đọc phải tưởng tượng, phân tích và liên kết thông tin. Điều này không chỉ giúp rèn luyện tư duy phản biện mà còn kích thích khả năng sáng tạo. Sách cũng là một nguồn giải trí phong phú, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ văn hóa và lịch sử của một dân tộc, tạo ra những cầu nối giữa các cá nhân và văn hóa khác nhau…
P.V: Là nhà thơ, nhà NCVHDG, rồi viết sách, với ông, việc đọc sách có tầm quan trọng như thế nào trong việc tạo nên những thành công trên con đường sáng tác, nghiên cứu của mình?
Ông Nguyễn Thế Vinh: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một vùng quê văn hiến, quê của Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm (thời Lê) và Tiến sỹ Doãn Khuê (sau này là Đốc học tỉnh Nam Định). Là vùng đất hiếu học, dù đời sống khó khăn nhưng các cụ luôn quan tâm đến việc học của con cháu. Lớn lên trong môi trường đó, từ nhỏ tôi đã luôn có ý thức tìm sách để đọc. Sách hồi đó hiếm lắm nên tìm được cuốn nào, tôi chú tâm đọc sâu, đọc kỹ. Vốn từ, phông kiến thức, lối tư duy của tôi có lẽ được hình thành từ đó... Sau này, khi đi làm báo, làm thơ, viết văn, NCVHDG, tôi đọc tập trung theo lĩnh vực mình quan tâm để phục vụ công việc và điều này mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Đọc sách, tôi rất tâm đắc câu: “Học hải yếu nhi phòng phiếm giật” (bể học là mênh mông và không học tràn lan) của cụ Nguyễn Khuyến.
P.V: Theo chia sẻ của ông, đọc tập trung, đọc có mục đích để phục vụ công việc và cuộc sống là cách đọc sách của ông. Cách đọc đó đã mang tới cho ông điều gì?
Ông Nguyễn Thế Vinh: Với mỗi con người, từ nhỏ, đọc để làm phong phú vốn từ, hình thành lối tư duy, tính cách, phông kiến thức. Đến khi trưởng thành, ngoài đọc để giải trí, nâng tầm hiểu biết, thì làm ngành nghề nào, lĩnh vực gì nên đọc tập trung về lĩnh vực đó, học cái mình cần, để nắm sâu, kỹ phục vụ cho công việc, cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Đó là một trong những giá trị to lớn của việc đọc. Với bản thân tôi, khi NCVHDG đều phải tìm đọc rất nhiều sách về lĩnh vực này; phải đọc sâu, đọc kỹ, đọc tập trung. Như khi viết về một di tích, danh nhân cụ thể tôi cũng phải tìm đọc những cuốn sách liên quan. Việc đọc giúp tôi nắm được kiến thức, học hỏi, chắt lọc được những điều quý giá, tránh những nội dung người khác đã viết. Đối với con đường sáng tác văn, thơ, đọc sách là công việc cần thiết. Tôi đã đọc nhiều sách đông tây kim cổ và thu lượm nhiều kinh nghiệm cho sáng tác văn thơ.
Một điều quan trọng nữa là tôi không chỉ tìm đọc những cuốn sách đã được viết ra, in ra mà còn tìm những “cuốn sách sống”, là những người dân ở trong các vùng văn hóa, di tích đó để quan sát, trò chuyện, khai thác tư liệu từ họ, nghe cách họ nói để đưa vào tác phẩm của mình… Những "cuốn sách sống” đó là kho tàng văn hóa dân gian, qua đó tôi đã phát hiện nhiều điều hết sức mới mẻ, hấp dẫn và độc đáo, thú vị... Khi viết bài thơ “Chợ Viềng”, tôi đã tìm về không gian văn hóa chợ Viềng ở Vụ Bản (Nam Định), thăm làng rèn Vân Tràng, trồng dâu nuôi tằm ở Cổ Chất, để viết nên những câu thơ “Làng dệt chắc bền vuông lụa đũi/Làng rèn dát mỏng nước đồng thau”. Các từ “vuông lụa đũi”, “dát mỏng”, “đồng thau” đều là từ dân gian đặc trưng, từ xa xưa người trong làng đã gọi như vậy. Đưa những từ này vào trong bài, người dân làng nghề đọc thấy đúng là nói về làng mình còn người ngoài đọc sẽ hiểu đúng về không gian văn hóa ở đây. Hoặc như khi viết phở gia truyền Nam Định, tôi đi gặp nhiều ông làm thịt lợn, thịt bò, để biết được rằng “thịt lợn ngon chênh lệch” (miếng đầu, miếng cổ, miếng vai, miếng mông giá khác nhau, độ ngon khác nhau); thịt bò “ngon hả hê” (thời đói kém thịt con bò chia cho cả làng, mỗi nhà được chừng 2 lạng thịt, nhưng ai cũng vui hả hê bởi có thịt ăn).
Qua gặp những “cuốn sách sống”, tôi cũng được biết rằng, ở quê hương của phở Cồ (món ăn có nguồn gốc từ làng Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), vào tháng ba, ngày tám nông nhàn, người dân chỉ cần mang theo con dao thái thịt hiệu Vân Tràng đi đến hàng phở ở tỉnh, thành nào cũng coi như một sự bảo đảm, được nhận vào đứng bếp trưởng...
Việc đọc giúp mỗi bài thơ của tôi không chỉ là cảm xúc, là sự thăng hoa của câu chữ, ý tứ, mà còn chứa đựng nhiều kiến thức văn hóa dân gian cũng như hoạt động hiện tại. Vì thế, đối với tôi, sách vừa là người thầy, vừa là người bạn đường cùng tôi học tập và làm việc.
P.V: Thời buổi công nghệ phát triển, ngoài việc có nhiều thuận lợi hơn cho việc đọc sách khi có cả các loại hình sách điện tử, sách nói, công nghệ đọc thông minh... nhưng có không ít ý kiến cho rằng, văn hóa đọc đang ngày càng bị mai một; người dân ngày càng ngại đọc sâu, đọc dài và quen với việc đọc ngắn, đọc nhanh, xem video, hình ảnh thay vì đọc. Còn ý kiến của ông là gì?
Ông Nguyễn Thế Vinh: Đúng là có tình trạng này. Điều đáng lo ngại là việc đọc ngắn, đọc nhanh, xem video, hình ảnh thay vì đọc sẽ làm mai một lối tư duy sâu, ảnh hưởng đến chất lượng công việc khi đi làm cũng như chất lượng cuộc sống. Trí não cũng cần được nghỉ ngơi, được giải trí để dung dưỡng tinh thần. Đọc sách giúp giảm căng thẳng, xoa dịu tâm hồn sau những giờ làm việc hoặc học tập mệt mỏi. Những cuốn sách văn học, tiểu thuyết có thể đưa người đọc vào những cuộc phiêu lưu thú vị, mang lại niềm vui và sự thoải mái. Việc chỉ đọc những thông tin ngắn, nhanh, xem video, hình ảnh ảnh hưởng rất không tốt đến sự phát triển khả năng của mỗi cá nhân cũng như chất lượng đời sống tinh thần. Ngoài ra, thời buổi công nghệ, thông tin bùng nổ khiến người đọc nhiều khi như ở trong “ma trận” của sách hay- sách dở, thông tin đúng- sai lẫn lộn. Vì thế, theo tôi, việc phải đọc phải cần có sự chọn lọc, đọc theo chủ đề, đọc những gì mình cần, chứ không nên đọc tràn lan.
P.V: Sách và đọc sách có tầm quan trọng to lớn trong đời sống xã hội nói chung và sự phát triển con người nói riêng. Nhưng làm thế nào để nuôi dưỡng, duy trì, lan tỏa phong trào đọc sách lại cần có những giải pháp cụ thể phải không ông?
Ông Nguyễn Thế Vinh: Theo tôi, việc này trước hết có vai trò rất lớn của gia đình, nhà trường và xã hội. Bố mẹ đọc sách sẽ có ảnh hưởng tích cực đến con. Từ khi con còn trong bào thai, không ít ông bố bà mẹ trẻ bây giờ đã trò chuyện với con, cho con nghe nhạc, đọc sách cho con nghe. Khi con còn nhỏ, những lúc cho con đi chơi, cha mẹ nên dẫn con vào hiệu sách, các gian hàng sách trong siêu thị cho con xem, chọn vài cuốn sách mua về. Tặng quà cho con, ngoài đồ chơi, quần áo,… nên có cả sách. Muốn con trưởng thành phát triển toàn diện, sống hạnh phúc, sống nhân văn, có phương pháp học tập, làm việc chắc chắn, khoa học, suy nghĩ thấu đáo, sâu sắc... cần phải hình thành cho con thói quen đọc sách từ nhỏ. Sách dạy trẻ, bổ sung cho trẻ những nền tảng rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, khả năng tư duy, học tập cũng như làm việc sau này.
Nhà trường cũng vậy, ngoài học trên lớp, cần phát động sâu rộng, khuyến khích phong trào đọc sách, tự học, tự nghiên cứu trong học sinh, giáo viên. Hiện tại, nhiều trường đã hưởng ứng khá tốt cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhân Ngày Sách Việt Nam để lan tỏa tình yêu với sách... Tuy nhiên theo tôi, những hoạt động này cần thiết thực, hiệu quả hơn; hệ thống thư viện trường học cần đa dạng, phong phú các loại sách phù hợp với lứa tuổi học sinh, cập nhật sách mới thường xuyên, phối hợp để có thêm nhiều các tủ sách ở sân trường, trong lớp học... để học sinh cần là có sách đọc được ngay.
Cùng với đó, các cấp chính quyền, ngành văn hóa đã quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc, củng cố hệ thống thư viện theo hướng số hóa, đưa sách đến gần với người dân qua việc luân chuyển sách, thực hiện mô hình xe thư viện lưu động, tổ chức các cuộc thi lan tỏa văn hóa đọc,… nhưng vẫn cần hình thành thêm và nhân rộng mô hình tủ sách, thư viện trong gia đình, tại cộng đồng. Một số đơn vị, như Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên tổ chức Hội báo Xuân hằng năm tại cơ sở và tặng báo cho các thư viện thôn xóm. Điều này rất quý và cần phát huy.
Sách không chỉ là tài liệu chứa đựng tri thức mà còn là người bạn đồng hành quan trọng trong hành trình phát triển của mỗi cá nhân cũng như xã hội. Việc duy trì thói quen đọc sách và trân trọng giá trị của sách là cần thiết để nâng cao nhận thức, hiểu biết và giáo dục thế hệ mai sau.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Hồng (Thực hiện)