Nha Trang, biển và bầy voi trắng

Nha Trang, biển và bầy voi trắng
5 giờ trướcBài gốc
Bài học vỡ lòng về một thành phố
Tôi uống nước biển Nha Trang vào năm 6 tuổi. 6 tuổi, lần đầu thấy biển, ngâm mình vào đại dương, có lẽ đứa bé nào cũng sẽ như tôi, thỏa thuê uống vị mặn của biển theo cách chẳng mấy chủ động và dễ chịu.
Nói khác đi, biển chiếm lĩnh giác quan ta theo cách của biển.
Ảnh: AN NGUYỄN
Năm đó, chú thím tôi lấy nhau. Chẳng hiểu sao họ đi hưởng tuần trăng mật ở Nha Trang mà lại mang theo hai thằng nhóc tì nhiễu sự, tôi và anh họ tôi. Chuyến xe đò có treo cái thùng than phía sau, chạy cà xịt từ Đồng Bà Thìn ra tới Nha Trang mất đến hơn nửa ngày trời, vừa chạy vừa phả ra nhiệt lượng hầm hập trên con đường quốc lộ dằn xóc nhọc nhằn. Mùi tanh của mấy cần xế cá của dân buôn, mùi nôn của mấy cô đi xe đò lần đầu, mùi khai của nước tiểu lưu cữu do đêm hôm trước khách kẹt bến lén lút tè vào gầm, bánh xe... Chúng tạo nên một thứ hỗn hợp mùi khẳm ớn trên suốt dặm đường từ nhà quê ra thành phố khiến tôi nhớ đời, đến nỗi bây giờ, mỗi lần có việc đi ngang tuyến Đồng Bà Thìn ra Nha Trang là hốc não tôi lại váng vất thức dậy hình ảnh và mùi vị ám ảnh.
Vậy mà thuở đó, trong mắt đứa bé 6 tuổi, con đường duyên hải này thật quyến rũ lạ thường. Thằng bé mê mải nhìn cảnh vật khi xe đi qua những bờ biển nhiều dừa và thùy dương, những bờ đá uy nghi trước sóng. Có những quãng đồng khô, màu cát trắng kéo dài tít tắp, lâu lắm mới thấy vài bụi lùm nhỏ bé, xác xơ. Và biển thì lúc gần lúc xa, như một bức màn xao động, xanh thẳm, biến mất đó rồi lại hiện ra bềnh bồng đó như trong một trò chơi trốn tìm.
Qua ô cửa sắt hoen gỉ của cái xe khách xộc xệch, thằng bé ngó cảnh vật tua lướt như những thước phim êm đềm mà lạ lùng. Nó tự hỏi, cuộc sống của con người ở trên những ngôi nhà chồ ngoài khơi kia ra sao? Những cô bé, cậu bé đang dạo chơi dưới những làng chài, chúng có niềm vui và nỗi buồn giống mình hay không?
Và rồi thành phố cũng hiện ra.
“Nha Trang đó, tụi con thấy vui không?”, thím tôi nói, rồi rủ rê: “Bây giờ mình đi chợ Đầm ăn chè nghe?”. Chú tôi thì trầm ngâm. Trước thành phố sôi động, ông trở thành người ít nói hẳn. Sau này tôi mới hiểu, một chàng thanh niên quê vừa xong nghĩa vụ trên rừng Khánh Sơn hoang vắng, giải ngũ thì lấy vợ ngay, có lẽ lúc ấy ông có nhiều bối rối khi đứng trước một quang cảnh náo nhiệt của phố phường.
Tôi và anh họ hồ hởi bước vào cái chợ rộng thênh thang, rộng hơn cả mấy sân cỏ bọn tôi đá bóng ở quê tôi. Hai bên mái chợ tròn là hai dãy nhà lầu người vào người ra buôn bán chuyện trò rộn ràng. Hàng quán chen chúc và đủ loại tiếng rao, tiếng loa báo, tiếng nhạc từ máy vô tuyến. Thành phố là vậy ư? Thằng bé 6 tuổi lần đầu được biết thế nào là nhịp đời phố xá. Ô la, mọi thứ đều gây tò mò quá đỗi. Đâu đâu cũng thấy người mua kẻ bán, thức gì cũng có, hàng cá thịt đến hàng giày dép, hàng máy móc đến tiệm bánh kẹo, quán ăn vặt đến những tiệm nước... không như cái chợ vài ba mái chòi ở thôn Vĩnh Linh, Vĩnh Thái của xã Cam Hiệp (Cam Ranh) quê tôi, mỗi ngày chỉ họp một phiên, mỗi đận bám áo mẹ đi chợ chỉ cần đảo một vòng là hết.
Bấy giờ, chú thím tôi vét tiền túi mua cho anh em tôi hai chiếc máy bay trực thăng màu xanh, loại có vặn dây cót. Chiếc máy bay này với tụi tôi là món quà xa xỉ, nằm mơ cũng không dám thấy. Vậy mà bây giờ, nó ở trên tay tôi rồi. Tôi mân mê cái cánh xếp của nó và hít hà mùi nhựa, đưa lên mắt săm soi lớp mi-ca trong suốt ở phần đầu bo tròn, xem chỗ ngồi của ông phi công bên trong. Sao lại có một thứ đồ chơi “tối tân” hấp dẫn như vậy chứ (!). Tôi ngồi bệt xuống nền xi măng trước chợ, lên dây cót và đặt chiếc máy bay xuống thềm cho nó xoay cánh và vụt tăng tốc, rồi lồm cồm bò theo chụp lại kẻo sợ rủi nó cất cánh bay đi mất. Anh họ tôi (là vai anh, nhưng nhỏ tuổi hơn) cứ đòi chơi một mình nhưng mọi việc đâu có đơn giản, vai vế làm sao đủ mạnh hơn tuổi tác trong mấy trò trẻ con này.
Chợ Đầm khiến tôi lóa mắt. Đường phố khiến tôi choáng ngợp. Đồ chơi khiến tôi đê mê.
Tôi ngồi trên chiếc xích lô đi về nhà người quen của chú thím để xin tá túc, những đường phố sạch sẽ, nhà cửa khang trang cứ mở ra mãi, hết ngã tư lại tới ngã ba, góc nào cũng nhiều cây xanh, nhà lầu sang trọng, những chiếc ô tô lướt đi êm ả, cửa hiệu bóng loáng ngăn nắp lạ lùng... Nó khác xa ở quê tôi, một vùng quê còn chưa có điện thắp sáng, ánh đèn văn minh chỉ đến từ những chuyến tàu Bắc Nam thoáng qua và mỗi tuần chỉ có vài ba chiếc xe ba-lua (xe tải thùng lớn) chở mía chạy ngang phả đèn sáng khiến hàng cây trước nhà đổ bóng lên những bức tường vách đất tối tăm, buồn tẻ...
Nha Trang, một cách trực quan, đã cho tôi bài học vỡ lòng thế nào là một thành phố.
Biển và bầy voi bí mật
Buổi chiều, tôi và anh họ tôi cùng đám trẻ trong căn nhà phố chật chội mà chúng tôi lưu trú đã kịp làm quen và kéo nhau xuống biển tắm. Bọn trẻ thành phố cái gì cũng biết, chúng mạnh dạn và tự tin hơn tụi tôi trong mọi việc. Chúng nhìn vào ánh mắt ngơ ngác của tụi tôi, ra vẻ cảm thông cho “bọn nhà quê”, chỉ dẫn hết điều nọ tới điều kia. Ví dụ vầy, “tắm biển thì lặn xuống đừng có thở nghe chưa”. “Ừ, nhớ rồi, nhưng không lẽ cứ nín thở mãi, sặc nước thì sao. Nước gì mà mặn chát”, tôi cự lại. “À, còn chuyện này phải nhớ, xuống biển đừng có mở mắt nhìn trừng trừng, dưới đó có con voi khổng lồ, đứa nào nhìn trừng trừng là nó vẫy vòi kéo đi”, con bé con của chủ nhà trạc tuổi tôi cảnh giác. Tôi cũng tin vậy thật. Nhưng tôi làm sao dễ dàng bỏ qua cơ hội nhìn thấy con voi dưới biển! Vậy là mặc cho sặc nước, tôi mở mắt trừng trừng ngó vào lòng biển. Và tôi thấy cái vòi con voi thật. Rất nhiều vòi nữa là khác. Tôi cũng thấy những cái chân trước, chân sau của một bầy voi đang bước đi và giỡn đùa dưới đó. Tôi tin lời con bé, vì vậy tôi cố vẫy vùng khỏi những đợt sóng cuộn để chạy trốn bầy voi đang săn đuổi cái đứa dám trố mắt nhìn trộm vào lòng đại dương. Rồi lại lặn xuống, dõi mắt dò tìm...
Cũng từ đó, tôi vẫn nghĩ lòng biển Nha Trang có một bầy voi khổng lồ. Cho đến bây giờ, dù đã tuổi trung niên, trong cuộc đời trôi nổi, tôi bơi lặn ở rất nhiều vùng biển trên thế giới, thì bầy voi đó vẫn chưa đi khỏi tâm trí tôi. Mà lạ, chỉ khi tắm ở biển Nha Trang, bầy voi mới hiện ra. Không tin ư, bạn hãy học theo cách của ông du khách mộng mơ tuổi bốn lăm, hít một hơi thật sâu và lặn xuống, rồi ở khoảng tĩnh tại trong làn sóng, mở mắt ra sẽ thấy một bầy voi đang vui đùa...
“Tin thì tin, không tin thì thôi”, con bé mà tôi chỉ gặp một lần trong đời đã nghếch mặt lên trời, phán như vậy. Tôi tin nó và tôi ôm huyễn tưởng cả đời.
Cho đến lần gần nhất, vào một chiều mùa hạ của thời hiện tại, tôi trở lại Nha Trang, rủ cậu con trai đi bơi ở bãi tắm gần ngã ba đường Yersin - Trần Phú, nơi ngày trước tôi được trao truyền một bí mật từ con bé lém lỉnh nọ. Tôi bỗng buột miệng: “Khi lặn xuống, con đừng mở mắt trừng trừng dưới biển nghe”. “Sao vậy ba?”. “Có một bầy voi dưới đó, chúng sẽ bắt con đi”, tôi nói, trước sự ngơ ngác của đứa con trai 12 tuổi.
Con bé năm xưa bây giờ ở đâu? Là ai? Có còn ở trong thành phố này không? Nó vẫn thường đi tắm biển chứ? Nó có nhớ đã từng gieo vào đầu óc mơ màng của một đứa nhà quê xa lạ bằng một câu đùa phi lý mà quan trọng đến vậy hay không? - Tôi không thể biết. Nhưng giá mà có một phép màu nào để tôi có thể tìm lại được nó, chắc chắn tôi sẽ hỏi rằng, bầy voi đó ở đâu ra? Và làm sao để hóa giải lời nguyền, huyễn tưởng về bầy voi trong đầu óc tôi sau từng ấy năm trời?
Thành phố mở ra những thành phố
Rốt cuộc thì tôi cũng tìm thấy một con voi trắng trong bầy voi. Nó xuất hiện trong các bức ảnh hành trình khám phá cao nguyên của bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin. Tôi thấy nhà vi trùng học đam mê phiêu lưu đặc biệt gắn bó với thành phố này đang ung dung cưỡi trên một con voi lớn tiến vào ngôi làng của miền cao nguyên, ngang qua những mái nhà rông có đám người bản địa đang ngồi chống cằm ngó. Tôi lại đọc thấy hình ảnh của voi trong nhật ký hành trình của ông, những trang viết trên lưng voi. Nhưng lạ thay, giữa đường phố Nha Trang của thời Yersin là linh hồn, người điều hành Viện Pasteur, chỉ thấy hình ảnh giản dị của ông già với mái tóc gọn và chòm râu bạc đang cưỡi chiếc xe đạp Peugeot đi từ xóm Cồn đến sở làm mỗi ngày. Chẳng có bức ảnh nào ghi lại cảnh ông cưỡi voi đi trong thành phố!
Nói khác đi, hình ảnh ông cưỡi voi đi vào thành phố chỉ có thể là kết quả tưởng tượng của một kẻ mơ mộng và bị vướng mắc trong một lời nguyền riêng tư. Kẻ mắc chứng mơ mộng mạn tính đã không sao phân biệt được hai mặt bên trong một con người thiên tài phi thường: Mặt này thuộc về sự xê dịch, thám hiểm, khám phá giới tự nhiên; mặt kia thuộc về thế giới văn minh với những cuộc chinh phục có tính tương lai của y khoa, những nỗ lực phụng sự nhân loại. Ông Yersin đã cưỡi voi trắng đi vào rừng và cưỡi xe đạp Peugeot đi vào thành phố.
Vậy thì thử đưa ra câu hỏi ngớ ngẩn này: Khi trở về với thành phố biển Nha Trang hiền hòa sau những cuộc thám hiểm, ông Năm Yersin đã để bầy voi đi đâu? Có lẽ ông đã, bằng một cách nào đó, giấu bầy voi thân thương của mình vào lòng biển xanh, để chúng vẫn ở thật gần, nhắc nhở và lôi kéo ông dấn bước vào rừng thẳm.
Rồi đến lượt mình, Nha Trang, thành phố mà Yersin lưu lại dấu ấn rồi cũng sẽ như ông: Mặt này là đô thị vươn mình về phía văn minh sẵn sàng nối kết với mọi đô thị khác trên toàn cầu bằng phẩm chất tài nguyên nhân văn riêng có; mặt kia, luôn tìm thấy sự gắn kết với những giá trị phát triển trên nền tảng của một hệ tài nguyên thiên nhiên bền vững.
***
Khi cùng cậu con trai bước vào vòm kính của Viện Hải dương học để nhìn bầy cá muôn sắc bơi lội, có một người cha ở tuổi trung niên vẫn dõi mắt tìm bầy voi của mình.
Nha Trang, nơi trình bày cho người cha ấy biết thế nào là một thành phố, lại vô tình gieo vào anh ta một ký ức, một bí mật, một lời nguyền bay bổng mà thẳm sâu. Rồi từ đó, thành phố này gợi mở một điều, bên dưới những gì có thể trông thấy, cần đến tâm hồn mộng mơ và trong trẻo như trẻ nhỏ để luôn dõi tìm những điều ẩn mật mà một đô thị, một nơi chốn hãy còn giấu kín.
Khởi từ Nha Trang, cuộc đời tôi trôi dạt và lạc lối trong những thành phố khác.
Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2025/202502/nha-trang-bien-va-bay-voi-trang-0f02a46/