Một chiếc B-2 Spirit từ Căn cứ Không quân Whiteman (Mỹ) bay qua một địa điểm trong khu vực hoạt động của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Ảnh: Không quân Mỹ
Bên cạnh đó, theo chương trình dự kiến, các máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ cũng sẽ có một màn trình diễn tại sự kiện này. Đây là loại máy bay đã được Không quân Mỹ sử dụng để tấn công các cơ sở làm giàu urani tại Fordow và Natanz hồi đầu tháng này.
Ngoài các phi công trực tiếp tham gia nhiệm vụ ném bom, các quân nhân khác từ Căn cứ Không quân Whiteman ở Missouri - nơi các máy bay B-2 đồn trú - cũng sẽ tham dự sự kiện này.
“Ngày 4/7, Tổng thống Trump mong muốn được kỷ niệm ngày Quốc khánh tại thủ đô của đất nước. Để góp phần vào lễ kỷ niệm, sức mạnh của Không quân Mỹ sẽ được thể hiện qua màn bay trình diễn của các chiến đấu cơ F-22, B-2 và F-35 hiện đại nhất của chúng tôi. Đây cũng chính là những khí tài được sử dụng trong cuộc tấn công quyết định và thành công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran”, bà Leavitt tuyên bố.
Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên tiết lộ việc mời các phi công đến Nhà Trắng trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News cuối tuần trước. Tuy nhiên khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ không đề cập rõ là sẽ mời đến nhân dịp sự kiện nào.
Theo Lầu Năm Góc, có bảy máy bay B-2 đã tham gia cuộc không kích Fordow và Natanz của Iran. Các oanh tạc cơ hiện đại này đã bay liên tục trong suốt hành trình khứ hồi kéo dài 36 tiếng từ Missouri (Mỹ) đến Iran và quay trở lại. Hoạt động này đòi hỏi nhiều lần tiếp liệu trên không cũng như hỗ trợ từ các chiến đấu cơ hộ tống. Các máy bay B-2 đã thả 14 quả bom “xuyên phá boongke” xuống Fordow và Natanz, trong khi tàu ngầm Mỹ phóng tên lửa hành trình nhắm vào cơ sở hạt nhân Isfahan của Iran. Ngoài ra, một nhóm máy bay B-2 khác đã bay qua Thái Bình Dương để làm mồi nhử theo chiến thuật nghi binh, đánh lạc hướng radar của đối phương.
Ông Trump mô tả chiến dịch này là một thành công toàn diện và nói rằng các cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran đã bị “xóa sổ” hoàn toàn trong cuộc tấn công.
Tuy nhiên, theo nhiều hãng truyền thông, mức độ thiệt hại cụ thể của các cơ sở hạt nhân Iran vẫn thực sự chưa rõ ràng. Một báo cáo tình báo sơ bộ của Cơ quan Tình báo quân sự Mỹ đánh giá rằng chương trình hạt nhân của Iran có thể chỉ bị trì hoãn khoảng vài tháng. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao khác của Mỹ đã lên tiếng phủ nhận những đánh giá trên và nói rằng thông tin tình báo mới nhất cho thấy chương trình có thể đã bị trì hoãn trong nhiều năm.
Ông Rafael Mariano Grossi, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Face the Nation” của CBS News rằng năng lực hạt nhân của Iran đã chịu "thiệt hại nghiêm trọng", nhưng không phải là "thiệt hại hoàn toàn".
Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc