Mạng xã hội những ngày qua lan truyền đề thi môn Ngữ văn của lớp 10A25, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TPHCM). Đề Văn chỉ có một câu, yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận bàn về lối sống "phông bạt" của giới trẻ hiện nay. Thời gian làm bài là 45 phút.
Đề thi môn Ngữ văn của lớp 10A25, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TPHCM)
Xung quanh đề kiểm tra này có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số giáo viên cho rằng "phông bạt" là từ lóng nên cần có phần gợi dẫn về lối sống "phông bạt" để học sinh hiểu trước khi đi sâu vào bàn luận. Ngoài ra, đề thi cần chú giải cho học sinh rõ nghĩa của từ "phông bạt" thì mới đạt được tiêu chí nội dung đề tường minh, giúp học sinh không hiểu sai đề.
Trao đổi về đề kiểm tra trên, cô Trần Thị Bích Châu, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết, đây là bài kiểm tra định kỳ thực hiện theo từng lớp. Giáo viên bộ môn là người ra đề, dưới sự thống nhất của tổ chuyên môn.
Yêu cầu của đề là viết văn thể nghị luận bàn về một vấn đề (một hiện tượng đời sống hoặc một vấn đề liên quan đến giới trẻ). Đề không dùng ngữ liệu mà thuộc kiểu bài dùng lý lẽ và dẫn chứng để bàn luận và làm sáng tỏ về một vấn đề xã hội.
Về thời lượng làm bài 45 phút, cô Châu lý giải, do học sinh đã được hướng dẫn nhận biết yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội. Các em cũng đã vận dụng các thao tác lập luận trong bài viết phù hợp với thời gian yêu cầu. Ngoài ra, học sinh còn được học cách diễn đạt ngắn gọn, trình bày rõ ràng, có lý lẽ và dẫn chứng phù hợp theo yêu cầu của đề.
Cô Châu nói thêm, trước khi thực hiện bài kiểm tra, giáo viên đã hướng dẫn học sinh nêu được ý nghĩa thực tiễn các vấn đề xã hội mà các em được định hướng lựa chọn, trong đó có nội dung về lối sống "phông bạt".
"Trong tiết học viết, học sinh đã được thực hành các kỹ năng viết, trình bày vấn đề xã hội đã lựa chọn. Trong tiết học nói - nghe, các em được trình bày theo nhóm về các vấn đề xã hội, giáo viên lắng nghe và nhận xét", cô Châu nói.
Theo cô Châu, các tiết học trên đã giúp học sinh nhận thức đúng vấn đề xã hội, thể hiện được nhận thức, lập trường người viết trước các biểu hiện đúng/sai, biết cách phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong cách nhìn nhận vấn đề và có cái nhìn khách quan, hướng tới những điều tốt đẹp.
"Học sinh lớp 10 còn được học chủ đề Xây dựng quan điểm sống từ bộ môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Chủ đề này cũng góp phần bổ sung kiến thức xã hội để học sinh viết bài nghị luận", cô Châu cho biết thêm.
Anh Nhàn