'Nhà tù Cá sấu Alcatraz' chuyên giam giữ người nhập cư ở Mỹ có gì đáng sợ?

'Nhà tù Cá sấu Alcatraz' chuyên giam giữ người nhập cư ở Mỹ có gì đáng sợ?
20 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Thống đốc Florida Ron DeSantis và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem đã có chuyến thăm trung tâm giam giữ di dân mới được dựng tạm tại sân bay Dade-Collier ở Ochopee, bang Florida – khu vực đầm lầy hẻo lánh nằm trong Khu bảo tồn quốc gia Big Cypress, giáp Công viên Quốc gia Everglades.
Trung tâm này, được giới chức Florida đặt biệt danh là "Alcatraz Cá sấu", đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng và dự kiến sẽ đón những người đầu tiên vào ngày 2/7.
“Tôi thấy đây là một công trình chuyên nghiệp và được tổ chức rất bài bản", ông Trump phát biểu sau chuyến tham quan, ca ngợi sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chính quyền.
(Ảnh: Reuters)
Chuyến thăm của ông Trump diễn ra chỉ một ngày trước khi nhóm người đầu tiên được đưa đến. Cũng trong ngày, ông nhận được tin từ Washington rằng Thượng viện đã thông qua một đạo luật nhập cư mới của ông.
“Tôi lẽ ra nên có mặt ở đó, nhưng tôi chọn đến đây vì tôi quan tâm tới việc này”, ông Trump nói. Chính quyền đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi số chỗ tạm giữ người di dân trên toàn quốc, lên 100.000, coi “Alcatraz Cá sấu” là mô hình kiểu mẫu và kêu gọi các bang khác làm theo.
Vị trí biệt lập giữa đầm lầy
Cái tên “Alcatraz Cá sấu” do quan chức tư pháp Florida James Uthmeier đặt ra, hàm ý nói đến vị trí cô lập và đầy hiểm nguy của trung tâm, nơi sinh sống của rắn, muỗi, cá sấu và các loài ăn thịt khác. Ông DeSantis mô tả:
“Một khi đã vào đó, trừ khi có người đưa đi, bạn không thể tự thoát ra được — vì ra tới khu dân cư là cả một hành trình gian nan”.
Trả lời câu hỏi về khả năng người bị giam sẽ bị cá sấu tấn công nếu tìm cách trốn thoát, ông Trump đùa rằng “chắc là vậy” và gợi ý nếu chạy thì đừng chạy thẳng, "hãy chạy zigzag" để tăng cơ hội sống sót “lên khoảng... 1%”.
Trung tâm giam giữ tạm thời
Cơ sở này được dựng nhanh chóng với các dãy lều và nhà lưu động, không xây dựng bằng bê tông, dự kiến ban đầu có khoảng 5.000 giường, một nửa công suất tối đa.
Theo kế hoạch của tiểu bang và Bộ An ninh Nội địa (DHS), nơi đây không chỉ để tạm giữ mà còn đóng vai trò trung chuyển, xử lý và trục xuất di dân. Với đường băng dài hơn 3.000 mét, các chuyến bay trục xuất sẽ được triển khai trực tiếp từ đây. Ông DeSantis cho biết bang sẽ cử các nhân sự thuộc Vệ binh Quốc gia đảm nhiệm vai trò “thẩm phán di trú”, nhằm tăng tốc quá trình trục xuất.
“Bạn chỉ cần đưa họ vào, xử lý hồ sơ, có lệnh trục xuất, đưa lên máy bay — và họ rời đi ngay từ đường băng đó”, ông nói.
(Ảnh: Reuters)
Dự án gây tranh cãi
Tuy được triển khai nhanh chóng, dự án này đang vấp phải phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức nhân quyền, môi trường và cộng đồng bản địa.
Người dân Florida, từ các nhà bảo tồn đến các bộ lạc bản địa Miccosukee và Seminole, tập trung biểu tình dọc theo tuyến đường gần cơ sở. Các nhóm môi trường, như Friends of the Everglades và Center for Biological Diversity, đệ đơn kiện liên bang vì cho rằng dự án chưa trải qua đánh giá tác động môi trường như luật liên bang yêu cầu.
Các bộ lạc bản địa cho rằng khu vực này là vùng đất tổ tiên linh thiêng, sát cạnh nhiều ngôi làng truyền thống.
“Big Cypress không phải là vùng đất hoang mà là quê hương của chúng tôi”, lãnh đạo bộ lạc Miccosukee, ông Talbert Cypress, tuyên bố.
Trong khi đó, giới chức Florida khẳng định trung tâm này có điều hòa nhiệt độ, có phương án sơ tán nếu xảy ra bão mạnh, và chỉ là giải pháp tạm thời. DHS cho biết chi phí vận hành mỗi năm ước tính 450 triệu USD, phần lớn sẽ được FEMA (Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang) hoàn trả.
Phương Anh (Nguồn: NPR )
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nha-tu-ca-sau-alcatraz-chuyen-giam-giu-nguoi-nhap-cu-o-my-co-gi-dang-so-ar952252.html