"Ăn ngủ" cùng hoa Tết
Năm nay, nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh ưu tiên chọn hoa mai, hoa cúc để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Thời điểm này, các hộ trồng mai, trồng cúc đang tất bật hoàn thành các công đoạn cuối, kích thích giúp cây phát triển khỏe mạnh để kịp bung nở đúng dịp Tết.
Các thành viên Câu lạc bộ Bonsai Đông Gia Lai (thị xã An Khê) lặt lá mai để cây ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: N.M
Đang bận rộn làm giàn lưới cho vườn hoa cúc, ông Trần Văn Xin (thôn Tân Định, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cho hay: Khoảng 10 năm trở lại đây, người trồng hoa cúc chậu ở khu vực phía Đông tỉnh đã chuyển từ định hình chậu cúc bằng thanh tre sang giàn lưới. Cách làm này vừa giảm chi phí, đỡ tốn công vừa tạo phom chậu tròn đều, mắt lưới giữ dáng cây hiệu quả.
Về kỹ thuật làm giàn lưới, ông Xin chia sẻ: “Giàn lưới cúc tuy nhẹ nhàng, không tốn công sức, nhưng mất thời gian. Công việc này cũng đòi hỏi thao tác khéo léo, cẩn thận, quan sát, sắp xếp, bố trí chỗ đứng cho cây theo hướng cao đứng giữa thấp đứng ngoài, không so le, phom chậu tròn đều, bắt mắt”.
Ngắm những chậu cúc đều tăm tắp, ông Xin cho biết thêm: Năm nay, ông trồng 600 chậu cúc pha lê với kích cỡ từ 40 đến 90 cm nhằm đa dạng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu của người dân. Từ giữa tháng 12 đến nay, một số thương lái đến tham quan và hẹn đầu tháng 1 chốt số lượng để đặt cọc. “Tôi mong giá cả ổn định, bán mua thuận lợi, bù công sức vun trồng, chăm chút từng cành cúc, nụ hoa ròng rã nửa năm trời”-ông Xin kỳ vọng.
Từ đầu tháng 12 đến nay, trên địa bàn thị xã An Khê mưa liên tục, khiến rệp, sâu bệnh phát sinh gây hại. Để ứng phó với điều kiện bất lợi của thời tiết, người trồng hoa cúc chậu phải dầm mình dưới mưa lạnh, gió rét, tỉ mỉ luồn từng cành cúc vào mắt lưới để cây sớm ổn định, tạo ra những chậu cúc bắt mắt, đẹp, đều đáp ứng nhu cầu của người chưng hoa Tết.
Vừa hoàn thiện công đoạn làm giàn lưới cho các chậu cúc, chị Nguyễn Thị Thanh Nga (tổ 3, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) nói: Thời điểm này, những người trồng hoa như chị dù gió rét, mưa lạnh đến mấy vẫn phải ra vườn thăm nom, chăm sóc. Bởi đây là thời điểm cây đạt chiều cao 1-1,2 m, phù hợp để làm giàn lưới. Việc làm giàn để hoa cúc có điểm tựa, giúp cây mọc thẳng vươn cao, không bị gió thổi làm xô nghiêng, chậu cây định hình tròn đều.
“Trồng cúc chậu trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, giàn lưới và lặt nụ cúc là công đoạn cuối. Nếu giàn lưới khi cây còn thấp việc định hình chậu cây sẽ không chuẩn, phom không đều, còn để cây mọc quá cao, khi luồn cành vào mắt lưới mất nhiều thời gian và nguy cơ gãy cành cao. Cành bị gãy sẽ không còn thời gian phục hồi, ảnh hưởng đến sự đồng đều, giảm giá trị chậu cúc”-chị Nga giải thích.
Với những người trồng mai, thời điểm này, lại tập trung lặt lá nhằm kích thích cây ra hoa, giúp cây phô dáng thế đẹp. Chỉ như vậy, người chơi cây cảnh mới cảm nhận được vẻ đẹp trọn vẹn của cây mai.
Khi chúng tôi đến thăm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bonsai Đông Gia Lai Đỗ Văn Tuyên (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đang tất bật lặt lá cho gần 100 cây mai và chăm sóc hơn 200 cây cảnh có dáng thế độc lạ.
Ông Tuyên bảo rằng: Tùy theo giống mai cũng như thời tiết mà xác định thời điểm lặt lá. Theo đúng kỹ thuật, việc lặt lá được thực hiện trước Tết Nguyên đán khoảng 30-45 ngày. Quá trình này phải cẩn thận, tránh làm gãy cành, gãy nhánh, phá dáng thế của cây.
Sau khi lặt lá mai xong thì theo dõi tiết trời, sự phát triển của nụ hoa để kịp thời chăm bón. Khi thấy nụ mai nở muộn, ngoài tưới nước đều đặn 1 lần/ngày vào buổi trưa, người trồng có thể pha loãng phân lân và kali với nước tưới vào gốc mai. Cây được bổ sung dưỡng chất sẽ đẩy nhanh quá trình trổ hoa đúng dịp Tết.
Ông Tuyên cho hay: Câu lạc bộ Bonsai Đông Gia Lai có 32 thành viên trồng hơn 1.000 chậu mai bonsai bán dịp Tết. Để đáp ứng nhu cầu mua cây cảnh chưng Tết, các thành viên tập trung chăm sóc hơn 3.000 cây cảnh như: sung, lộc vừng, bông giấy, sanh, mai chiếu thủy, phi lao, bồ đề, khế... Tùy vào kiểu dáng, kích thước, độ tuổi mà mỗi cây có giá bán từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.
“Từ tháng 11 âm lịch đến nay, tại vườn hoa, cây cảnh của các thành viên Câu lạc bộ đã có khách hàng đến tham quan, đặt mua cây về chưng Tết. Năm nay, lượng khách đặt hàng cao hơn so với năm ngoái khoảng 20%. Tới đây, Câu lạc bộ kết nối với các cơ quan, đơn vị để hỗ trợ các thành viên tham gia bán cây cảnh tại chợ hoa Tết của thị xã An Khê nhằm tạo thuận lợi về đầu ra và mang lại lợi nhuận cao hơn”-ông Tuyên cho biết.
Đa dạng thị trường hoa, cây cảnh
Bên cạnh những hộ trồng mai và hoa cúc, hiện nay, nhiều nhà vườn, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng nhập hoặc xuống giống trồng nhiều loài hoa, cây cảnh khác nhau để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, anh Lê Hữu Trường (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) trồng hơn 2.000 cây quất, chanh và hơn 1.000 chậu hoa cát tường, lài nhật, hoa lan các loại để cung ứng thị trường Tết.
Người trồng hoa cúc chậu tại thị xã An Khê tỉ mỉ làm giàn lưới cho các chậu hoa. Ảnh: N.M
“Từ tháng 8 âm lịch đến nay, lượng khách chốt mua cây cảnh tại vườn tăng 40% so với các tháng trước. Thời gian này, tôi tăng cường phân bón và đảm bảo nước tưới cho các loại hoa sinh trưởng, phát triển tốt. Với cây hoa lan đòi hỏi kỹ thuật cao nên tôi theo dõi kỹ lưỡng, bón phân, tưới nước hợp lý để các vòi nụ mau lớn, nở hoa to, bền, đẹp”-anh Trường chia sẻ kinh nghiệm.
Sở hữu vườn mai duy nhất tại thị xã Ayun Pa, anh Đặng Văn Hoàng cũng đang tích cực chăm sóc, đảm bảo đưa ra thị trường những chậu mai đẹp nhất đúng dịp Tết Nguyên đán.
Trước đây, anh là chủ vườn mai hơn 2.000 chậu tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Mỗi dịp Tết, sau khi bỏ sỉ ở dưới quê, anh chở khoảng 400 chậu lên chợ hoa xuân thị xã Ayun Pa để bày bán. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển cao nên giá hoa mai bị đẩy lên. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột cũng làm cho chất lượng hoa không được như ý.
Với mong muốn đưa đến khách hàng những chậu mai đẹp nhất với giá cả hợp lý, năm 2024, anh Hoàng quyết định xây dựng nhà vườn ngay tại tổ 1, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa với quy mô 1.000 chậu mai. Do khí hậu tương đối nóng nên tầm ngày 8-12 âm lịch, anh bắt đầu lặt lá mai.
“Mặc dù có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề nhưng đây là năm đầu tiên trồng mai tại vùng đất này nên tôi phải tính toán rất kỹ thời điểm lặt lá, tránh cho hoa nở quá sớm hoặc quá muộn.
Hiện đã có một số khách hàng đến đặt cọc và nhờ nhà vườn chăm sóc cho đến cận Tết. Hy vọng năm nay thị trường hoa Tết nhộn nhịp, giúp người làm vườn có một năm thắng lợi để tái sản xuất”-anh Hoàng kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết-Chủ vườn hoa, cây cảnh trên đường Tôn Thất Tùng (TP. Pleiku) ươm gần 2 ngàn chậu hoa để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Ảnh: H.T
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà Nguyễn Thị Tuyết-Chủ vườn hoa, cây cảnh trên đường Tôn Thất Tùng (TP. Pleiku) tập trung chăm sóc gần 2.000 chậu hoa với gần 50 loại như: hoa ban xê, mào gà, ớt cảnh… để cung ứng thị trường Tết Nguyên đán.
“Những năm gần đây, ngoài khách hàng ở TP. Pleiku, tôi còn nhận thêm nhiều khách sỉ từ huyện Đak Pơ, thị xã An Khê và TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Năm nào cũng vậy, cứ trước Tết khoảng 1 tháng sẽ có khách gọi điện đặt cọc đơn hàng và đến ngày 20 tháng Chạp trở đi thì bắt đầu đắt khách”-bà Tuyết tâm sự.
Trao đổi với P.V, ông Hoàng Thi Thơ-Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Năm nay, toàn tỉnh có khoảng 282,5 ha hoa và 82,5 ha cây cảnh. Người dân chủ yếu trồng các loại hoa như: cúc, hoa ly, hồng, lay ơn, huệ, đồng tiền, cẩm chướng… Các loại hoa này khá thích nghi với điều kiện đất đai và khí hậu nên sinh trưởng và phát triển tốt, cho chất lượng hoa đẹp.
Cây cảnh chủ yếu được trồng và kinh doanh tập trung tại TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa. Chủng loại cây cảnh rất phong phú và có giá trị kinh tế cao, từ những giống có nguồn gốc bản địa như: mai rừng, lộc vừng, vạn tuế, thiên tuế, sung, sanh, si, sộp, bồ đề đến các giống ngoại nhập như: kim phát tài, cau sâm banh, cau bụng, dừa Hawai, cọ Nam Mỹ, hoàng lan, huyền diệp…
“Việc trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm và có tính thẩm mỹ cao. Đây là hoạt động mang lại giá trị kinh tế cao, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển tại Gia Lai”-ông Thơ nhìn nhận.
NHÓM PHÓNG VIÊN