Trên nhành xoài cát, đôi vợ chồng chim họa mi kiễng chân, chẩu mỏ hồng đua hót đối nhau, nhại tiếng hót chim sơn ca thánh thót; nhại tiếng hót chích chòe lửa từng tràng âm sắc lảnh lót; đột ngột thòng xuống nốt nhạc hò trầm; rồi vút lên bay bổng thanh nhạc réo rắt tuôn tràn. Tôi và em Phượng đứng yên, lặng ngưng nhịp thở, thưởng thức bản đàn song tấu diệu kỳ của thiên nhiên, trỗi lên giai điệu tình yêu vào thời khắc của ngày mới đang rựng ánh hồng từ phương Đông.
Tràng tiếng hót âm thanh giai điệu nhặt khoan, rung động, dạt dào cảm xúc. Chim họa mi sáng tác, trình tấu câu chữ, nốt nhạc, nhịp phách câu sau không lập lại như câu trước. Là năng lực tài nghệ của “nhạc sĩ” vườn xoài. Họa mi biết học tập tiếng hót các loài chim khác, nhưng không rập theo khuôn, mà biến tấu thanh âm thành những tràng âm giai mới.
Đôi bạn nhỏ ngừng bước đi thể dục trên đường thôn, quan sát và lắng nghe thiên nhiên tình tự trong buổi sớm mai. Hai đứa đứng yên để không làm phân tâm nhịp điệu giao duyên của vợ chồng “nhạc sĩ”. Phượng háo hức nhìn theo hướng cánh tay tôi vươn cao, em đếm: “1, 2, 3… Anh Phương ơi! Có 7 tổ chim cùng cư trú trên cây xoài”. “Ừ, em. Đất lành, chim đậu!”. “Nhưng mà, em không thấy chim làm tổ trên cây mít”. “Đúng rồi em, lá mít nhỏ, thưa. Mít có nhựa dính nên chim không đậu. Cây xoài trưởng thành là ngôi nhà vững chãi cho các loài chim tới cư trú và sinh sôi. Xoài thay lá chậm rãi từ mùa thu tới lập xuân. Xoài không bao giờ trơ trụi lá, luôn có lá mới kế thừa. Lá xoài to, dày kín, che nắng mưa nên nhiều loài chim thích bay về làm tổ. Nhất là giống xoài cát Hòa Lộc tỏa hương thơm quyến rũ”.
Đôi bạn ngước mắt hóng lên tán lá xoài để xác định vị trí tràng âm thanh thánh thót phát ra. Ồ! Kia rồi! Đôi chim nhảy nhót chuyền cành. “Diễn viên” họa mi trang điểm đôi mắt đẹp kẻ viền mi màu trắng sáng. Vợ chồng chim giao hoan bằng ngôn ngữ hình thể uyển chuyển, mạnh khỏe, tươi sáng; bằng ngôn ngữ âm nhạc vi vút, réo rắt, tiết tấu vui khỏe, rộn ràng. Tiếng hót lên cao vút như tiếng gió tha thướt len qua vườn đồi; gió lượn vờn trên thảm cỏ non xanh; gió lướt qua thung khe suối ngàn, đưa hương đồi vườn dào dạt như trở về thuở nguyên sơ tinh tuyền.
Đôi nghệ sĩ họa mi say mê biểu diễn, tung những cú lượn đẹp như trên sân trượt băng, buông nhau ra, rồi xích lại gần, cọ mỏ hồng, dựa cánh xòe, ấp mình, rung lông vũ, nhịp chân múa, ca hót rộn vang. Tôi và em Phượng hít thở sâu, thu nhận nguồn năng lượng ngày mới. Lồng ngực trẻ căng bật, tràn đầy hơi thở tinh sương buổi sớm mai. Làn không khí trong trẻo nhẹ lâng. Ngàn tia nắng màu hồng chiếu rọi. Tất thảy sinh vật cảnh nơi đồi vườn xoài cùng nghiêng mình thưởng thức bản tình ca tuyệt diệu của thiên nhiên.
Cậu Tuấn sáng tác bản nhạc “Tiếng hót chim họa mi” dựa theo bản ký âm tiếng chim của tôi. Cậu đề tên đồng tác giả Thanh Tuấn - Hoài Phương - Bích Phượng làm tôi và em ngượng nghịu mà sướng rơn cả người. Cậu biểu diễn đàn violon như nhạc công điệu nghệ. Nét mặt cậu thanh thoát. Môi cười tươi xinh. Ánh mắt sáng ngời. Tay cậu uyển chuyển dạo vĩ trên phím đàn. Tôi, em Phượng, vợ chồng họa mi và tố tồ lặng yên thưởng thức bản đàn vui tươi, rộn ràng, dìu dặt, réo rắt tuôn tràn nơi đồi vườn.
Tố tồ được tôi nuôi hơn sáu tháng rồi, là giống chó lai béc-giê, thân đen xám sọc vàng, “bốn mắt” tinh tường, dỏng tai, vểnh mõm gâu báo động có người lạ xâm nhập khu vườn. Tôi và em Phượng rảo bước xuống suối Bình An, chạm mặt với anh trai vai mang lồng chim mồi. Tôi hiểu ngay đời sống chim họa mi vườn xoài đang bị đe dọa. Tố tồ giận dữ, đôi mắt long lên sòng sọc, bốn chân chồm chổm. Tôi giữ nó lại, xoa vuốt đầu.
Tôi tròn mắt soi xét kẻ xâm nhập: “Anh ở đâu tới mà lạ hoắc?”. Anh trai e dè, chậm bước: “Cậu nhỏ hỏi làm chi”. “Anh không được bẫy chim trong vườn em”. “Chim trời. Cá nước. Cậu quyền chi cấm tui bẫy chim”. Tôi chỉ tay lên cây xoài: “Chim làm tổ trên cây xoài là chim của em”. “Anh trai cười sằng sặc: “A ha. Cậu em lý sự! Tui bẫy chim chơi thôi, không ăn thịt chim”. Em Phượng hỏi: “Anh có bạn thân không?”. “Em gái hỏi làm chi?”. “Chim họa mi là bạn thân thiết của tụi em. Bạn của anh bị người ta truy bắt anh chịu được không?”. Anh trai lừng khừng không nói. “Em hỏi anh, tỉ dụ như anh đang tự do đi chơi đây đó. Bỗng dưng ai bắt anh đem nhốt trong lồng anh chịu được không?”. Anh trai cười khục khục: “A ha! Lý sự nữa. Thôi, tui đi, đứng đây nghe cô cậu lý sự mất công quá!”.
Anh trai lội theo con suối ra tít đằng xa. Ba tôi biết người bẫy chim cố công rình bắt vợ chồng chim họa mi. Mỗi ngày ba tôi nổ máy cắt cỏ ì ầm vang động. Anh trai “cuốn gói” đi khỏi vườn xoài, nhưng chưa từ bỏ mưu đồ độc ác là bắt sống vợ chồng họa mi. Tôi dẫn em Phượng thận trọng dò theo những dấu giày lạ bên bờ suối ra đường lớn ngoài xa. Cậu Tuấn đặt ra kế hoạch bảo vệ đàn chim. Tuần tra bờ suối. Rấp rào tre gai cản lối. Nổ máy cắt cỏ hàng ngày. Tôi, em Phượng và cậu Tuấn ra sức canh phòng, lo lắng đến nỗi mất ăn, mất ngủ nhiều ngày. Các anh trai chán nản, thất vọng, ngừng cuộc chơi quấy phá đời sống chim chóc.
Tôi dẫn em Phượng đi nhà sách nơi thành phố. Hai đứa vui thích ngắm thỏa thuê vô vàn quyển sách được trưng bày trên giá kệ. Thế giới sách truyện lộng lẫy, huy hoàng, tràn ngập hương sắc làm tôi và em Phượng choáng ngợp. Hai đứa “cắm trại” một ngày trong nhà sách, xem đọc no nê, phủ phê nhiều sách truyện yêu thích, chọn mua vài quyển vừa hợp túi tiền đang có.
Đến chợ chim bên công viên, hai đứa thấy người ta bày bán các loại chim cảnh. Chim họa mi bị nhốt trong lồng. Tiếng chim đau sầu thống thiết, tiếc nhớ bầu trời tự do. Em Phượng rưng rưng buồn. Sau lúc suy nghĩ, em thực hiện một việc mà tôi cũng không ngờ. “Chú ơi! Chú bán chim họa mi này bao nhiêu tiền?”. Người đàn ông có khuôn mặt râu ria, sạm đen, khắc khổ, ra giá: “Một triệu đồng!”. Em Phượng hỏi: “Nếu cháu mua và thả họa mi bay vào bầu trời tự do, chú có giảm giá tiền không?”. Người kia lặng yên, mắt đăm nhìn em Phượng. “Chú có thấy họa mi đang khóc than, nhớ thương cha mẹ, anh chị em của nó? Tại sao nó bị người ta bắt nhốt tù? Người ta độc ác lắm! Chú giảm giá cho cháu mua thả chim nhé!”. Người đàn ông động lòng trắc ẩn: “Có giảm giá!”.
Những người khác chú ý tới cuộc thương lượng mua bán. “Chú giảm bao nhiêu tiền?”. “Giảm một nửa. Còn năm trăm ngàn đồng”. Nhóm người ùa tới góp lời: “Cháu gái mua chim để thả, lấy hai trăm ngàn đồng thôi!... Một trăm ngàn thôi!...”. Người bán chim đưa ra quyết định sau cùng. Ông mở cửa lồng, nhẹ tay bắt chim họa mi đưa em Phượng: “Nè! Chú cho cháu, không lấy tiền. Thả đi!”. Phượng tròn mắt vui sướng: “Cháu cảm ơn chú!”.
Em đưa hai tay ôm họa mi, kề môi hôn vành mi trắng nhỏ xơ rơ. Em Phượng nhoẻn miệng cười, ngước mặt lên, vươn cánh tay tung chim họa mi bay vút vào bầu trời. Tán cây xanh nơi công viên sẽ là nơi cư trú mới của nó. Ngay lúc đó, có nhiều ống kính camera ngắm em Phượng. Thần thái em rạng rỡ, xinh tươi, khỏe đẹp hơn nữ minh tinh điện ảnh tôi đã xem trong phim Hàn Quốc.
Ngày chủ nhật mưa dầm dề, ẩm ướt. Chim họa mi ngủ vùi trong tổ. Tố tồ nằm khoanh râu bên hè. Đồi vườn im ắng. Chỉ có tắc kè kêu từng chặp trên cây dầu nơi bờ suối Bình An. Tôi cũng lười biếng rúc mền, tay ôm quyển sách truyện. Trí nghĩ tôi ghi nhớ sự việc mỗi ngày là tôi học theo cậu Tuấn. Lòng tôi nhớ những dấu chân của tôi và em Phượng nơi con dốc nhỏ bên suối Bình An; nhớ những dấu chân hai đứa tung tăng tới trường học. Những dấu chân hai đứa khao khát được bước rộng ra khỏi phạm vi đồi vườn. Khi tôi leo lên chạc ba cây xoài ngồi đọc sách, dõi tầm mắt xa tắp, thấy con đường cao tốc băng qua xóm thôn, thấy những chuyến xe lao vút trên cuộc hành trình mạnh mẽ và can trường.
Những cây xoài tôi và em Phượng đã trồng dịp ấy mừng sinh nhật. Tôi đào hố bón phân. Em cẩn thận đặt cây giống xuống. Tôi lắng nghe lời cậu Tuấn chỉ dẫn cách chăm sóc xoài. Hai mùa xoài thay lá mới, hai đứa học lên lớp 9. Xoài cũng đua nhau vượt lên vươn cành xòe tán ngang vai tôi. Ba má tôi nói cây xoài thích gần gũi hơi hướng con người. Lá xoài biết lọc không khí. Hơi thở thơm ngát, trong trẻo, nhẹ lâng. Sau giờ học, tôi và em Phượng quấn quít, thân thiết, trò chuyện, cười nói, ca hát. Xoài biết “nghe chuyện” nên xoài mau lớn.
Tôi cho gốc rễ xoài ăn dưỡng chất hữu cơ do ba tôi gom ủ cỏ dại trong vườn. Tôi tưới cây bằng vòi hoa sen. Xoài có “con mắt” nhìn lên bầu trời. Ngọn xoài vươn lên “nhìn thấy” mái tôn cản hướng, nên xoài uốn lượn thân mình “né” qua một bên. Em Phượng ngạc nhiên hỏi tôi: “Anh Phương vui gì mà cười một mình?”. “Anh khoái trí khi thấy xoài biết xử lý tình huống để sinh tồn mạnh khỏe”. Tôi huýt sáo điệu nhạc vui khiến chim họa mi trên cành xoài ngẩng đầu chăm chú nhìn tôi.
Mùa thu dạo bước qua đồi vườn. Cánh mây bông trắng lững lờ êm trôi. Đất mát lành no nê giọt mưa. Cỏ xanh bừng lên màu ngọc bích tươi sáng. Thảm lá xoài trải rộng khắp vườn lao xao bước chân vui. Nắng thu vo viên rải trên mái tóc em Phượng. Nắng vàng ấm tràn ngập miền quê thanh bình. Tôi len lén nhìn đôi má em sáng bừng như mặt trời nho nhỏ.
Vợ chồng họa mi bay tới nghiêng ngó hồi lâu, rồi quyết định xây tổ ấm nơi cây xoài gần mái hiên nhà. Tôi và em Phượng học theo chim: Thức dậy sớm, bay lượn, vận động thể dục, múa hát, đón mặt trời lên. Vợ chồng chim chung sức chung lòng làm việc, “cõng” vật liệu cành que, rơm rạ gác lên chạc ba cây xoài. Trong buổi sáng tổ chim đã được xây xong. Chim vợ nằm tổ xoay mình rúc rích vui sướng. Chim chồng rung lông vũ, dựa đầu, cọ mỏ “thì thầm”. Tiếng nhạc lòng thánh thót. Niềm hạnh phúc len nhẹ vào trong trái tim tôi.
TRUYỆN NGẮN: NGUYỄN BÁ KHƯƠNG