Đó là một con người hiền lành, điềm đạm, rất dễ gần gũi đã có nhiều cống hiến lớn lao cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại trên cả 2 lĩnh vực: sáng tác và sưu tầm, nghiên cứu. Với quê hương Bình Thuận, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã để lại những ấn tượng khó quên về một người thầy nghiêm cẩn trong nghiên cứu, học thuật; một người anh lớn nhưng xiết bao gần gũi đối với anh em nhạc sĩ trẻ của địa phương. Đã có không dưới 3 lần, anh nhận lời tham gia Ban giám khảo các cuộc thi sáng tác ca khúc của tỉnh nhà; lần đầu vào năm 1990 và lần gần nhất là vào cuối năm 2014.
Với hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, anh từng được mời về thâm nhập thực tế sáng tác cho Thuận Hải, Bình Thuận cùng với các nhạc sĩ nổi tiếng khác như: Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Ngô Huỳnh, Hoàng Hiệp… Tôi gặp anh lần đầu vào năm 1980, khi anh trong Đoàn văn nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh về tham gia chương trình “Mừng rừng núi Ông Bà, dâng đàn đá cho Đảng” tại khu vực suối Đá bàn của núi rừng Bác Ái, thuộc huyện An Sơn. Đây là thời điểm tỉnh Thuận Hải phát hiện được bộ đàn cổ gồm 15 thanh đá lớn, nhỏ khác nhau, do đồng bào dân tộc Raglai lưu giữ. UBND tỉnh đã tổ chức một buổi lễ trang trọng để trao bộ đàn đá nói trên cho Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam. Trong chương trình này, tôi được nghe các nghệ sĩ của Viện Âm nhạc trình diễn các ca khúc viết riêng cho đàn đá Thuận Hải, bao gồm: Bác Ái quê ta mở hội dâng đàn (sáng tác: Nguyễn Văn Tý), Nghe tiếng thời gian (sáng tác: Huy Sô) do nhạc sĩ Lư Nhất Vũ hòa âm - phối khí theo thang âm đàn đá.
Khi tham gia chấm các ca khúc dự thi, với trách nhiệm là Trưởng Ban giám khảo, bao giờ anh cũng có văn bản nhận xét hết sức cụ thể, chỉ ra những ưu điểm cũng như phần hạn chế của các tác phẩm được vào chung khảo. Qua đó, giúp cho các tác giả rút ra những bài học quý báu trong sáng tác ca khúc. Trong một số trường hợp, anh còn dự báo về sự đón nhận của công chúng trong tương lai đối với những ca khúc được giải, và thực tế đã diễn ra đúng như anh nhận xét. Xin được mở ngoặc nói thêm, những cuộc thi sáng tác lúc bấy giờ, không yêu cầu phải có bản demo kèm theo, chỉ cần bản ký âm ca khúc bao gồm nhạc và lời của người dự thi.
Sau ngày hòa bình lập lại, anh và nhà thơ Lê Giang (người bạn đời tuyệt vời của anh) cùng một số đồng nghiệp tổ chức nhiều chuyến đi điền dã, sưu tầm dân ca các vùng, miền của mảnh đất phương Nam. Để làm thật tốt việc này, đòi hỏi anh và nhóm cộng sự phải bền bỉ, kiên trì và tập trung nhiều tâm huyết đối với kho tàng âm nhạc dân tộc. Những người yêu quý và nể phục đoàn sưu tầm của anh chị đã trìu mến gọi tên “đội hình” này là “Những người đi tìm kho báu vô hình” hay “Những người đi tìm ngọc”. Mỗi lần ra Phan Thiết nghỉ dưỡng, anh đều mang theo những công trình nghiên cứu vừa được xuất bản để tặng tôi và gửi cho Hội VHNT của tỉnh như một món quà tinh thần quý giá của thế hệ đi trước.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh năm 1936 tại Bình Dương, tốt nghiệp khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội (1956-1962). Anh là Phó Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh khóa 1 (1981), Ủy viên Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 3 (1983), Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Công chúng mãi không quên những ca khúc đã làm nên tên tuổi của anh như: Chiều trên bản Mèo (1961), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (1968), Lời ru của Mẹ (lời thơ Vũ Ngàn Chi -1976), Khúc hát người đi khai hoang (lời: Lê Giang - 1977), Hãy yên lòng mẹ ơi (lời: Lê Giang - 1978), Bên tượng đài Bác Hồ (lời: Lê Giang - 1978), Bài ca đất phương Nam (lời: Lê Giang - 1997)…
Trên lĩnh vực nghiên cứu, biên khảo, sưu tầm anh và chị Lê Giang cùng với các tác giả Nguyễn Đồng Nai, Nguyễn Văn Hoa, Quách Vũ, Thạch An, Lê Anh Trung, NSƯT Bích Hường đã cho ra đời những công trình đồ sộ, đặc biệt có giá trị về nhiều mặt, tiêu biểu như: Tìm hiểu dân ca Nam Bộ (1983), Dân ca người Việt ở Nam Bộ (1986), Nhạc và Đời (1989), Tập ca khúc Lư Nhất Vũ (2000), 300 Điệu Lý Nam Bộ (2002), Hò trong dân ca Việt Nam (2004), Hát ru Việt Nam (2005), Lý trong dân ca người Việt (2006), Nói thơ - nói vè - Thơ rơi Nam Bộ (2010), Hành khúc giải phóng (2011), Đi tìm kho báu vô hình (2014), Vi vu tình đời (2022).
Với bề dày cống hiến lớn lao cho âm nhạc nước nhà, anh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 1 (2001). Bộ hồ sơ đề nghị trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT cũng đã được anh hoàn tất nhưng tuổi tác và bệnh tật đã khiến anh phải giã từ cõi tạm vào lúc 9 giờ 30 ngày 29/3/2025, hưởng thọ 90 tuổi. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - người đi tìm ngọc để làm giàu cho kho tàng âm nhạc dân tộc Việt Nam đã về miền mây trắng.
ĐỖ QUANG VINH