Theo thống kê của Google trends, từ ngày 14/4, từ khóa liên quan đến ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác được tìm kiếm tăng đột biến.
Trong đó, tỉ lệ tìm kiếm cao nhất là ngày 27/4, đạt 43%, lượng tìm kiếm vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Dự kiến, càng sát ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), số lượng tìm kiếm về ca khúc còn tăng đáng kể.
Nhiều nghệ sĩ, người dùng mạng xã hội "bắt trend" làm video chèn bản nhạc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình".
Trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube, ca khúc cũng đang "làm mưa làm gió", hiện đã vượt mốc hơn 1 tỷ lượt xem.
Một trong những khoảnh khắc gây xúc động mạnh, được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi, là đoạn clip ghi lại buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành vào tối 25/4 ở quận 1, TP.HCM. Hàng nghìn chiến sĩ trong quân phục chỉnh tề, cùng đông đảo người dân trên tuyến phố, trang nghiêm hát vang bài "Viết tiếp câu chuyện hòa bình".
Điển hình, trên TikTok, bản remix dài 45 giây của ca khúc do Đức Tư thực hiện nhận gần 200.000 lượt sử dụng cho các video ghi lại không khí chiến trường xưa hay khung cảnh thời bình.
Đoạn remix của ca khúc do Đức Tư thực hiện cũng là bước ngoặt khiến ca khúc gây sốt.
Nguyễn Văn Chung thừa nhận, anh không thể nghĩ được rằng chỉ sau 1 đêm, hàng nghìn clip ngắn được lồng ghép đoạn nhạc remix trên nền tảng TikTok, số lượng đó tăng lên liên tục theo cấp số nhân chỉ trong thời gian ngắn.
Bằng trực giác của 1 nhạc sĩ, anh đã liên hệ với Đức Tư để thực hiện toàn bộ bài hát.
Khi được hỏi về lý do ca khúc nhanh chóng gây sốt, Nguyễn Văn Chung cho rằng, đoạn remix 45 giây của Đức Tư với nguồn năng lượng tươi trẻ là 1 "cơ duyên" giúp bài lan tỏa mạnh mẽ. Nhưng vai trò của ca sĩ Duyên Quỳnh mới là yếu tố quan trọng đóng góp cho thành công của bài hát.
Ngoài ra, ca khúc dễ chạm đến khán giả nhờ cảm xúc thật trong ca từ của nhạc sĩ. Nguyễn Văn Chung nói, anh luôn tin rằng cái gì từ cảm xúc sẽ chạm được đến cảm xúc.
"Đặc biệt, đúng dịp đại lễ kỷ niệm 30/4 năm nay là thời điểm mà hàng triệu trái tim đập nhanh hơn, thời điểm ai cũng sục sôi tinh thần yêu nước và khát khao muốn thể hiện lan tỏa điều đẹp đẽ đó với những ký ức hào hùng và sự vươn mình mạnh mẽ của TP.HCM.
Tất cả những điều đó đều góp phần giúp tác phẩm này chạm đến trái tim mọi người, nhất là những người trẻ, và thậm chí là cả các bé thiếu nhi", Nguyễn Văn Chung bày tỏ.
Món quà ý nghĩa dành tặng giỗ đầu má
Không chỉ phổ biến trên mạng xã hội, ca khúc còn được lựa chọn trình diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật lớn. Tại nhiều trường học, học sinh các cấp, sinh viên biểu diễn văn nghệ trên nền nhạc tác phẩm.
Chia sẻ với Báo Xây dựng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hồ hởi cho biết, đến hiện tại, anh mới dám tin rằng "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" được biểu diễn 6 lần ở nhiều địa điểm, trong ngày kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước.
"Đây là niềm vinh dự vô cùng to lớn khi bài hát được vang lên trước các vị lãnh đạo cấp cao của đất nước và được hàng triệu người dân Việt Nam dõi theo.
Những ngày này, tôi thật sự hạnh phúc. Suốt hơn 23 năm trên con đường sáng tác, chưa bao giờ tôi có cảm giác này, vừa vui, vừa vinh dự, vừa tự hào.
Ước gì má vẫn còn ở đây để tôi có thể thấy được ánh mắt má vui như thế nào. 12/5 là giỗ đầu của má, có lẽ đây là món quà ý nghĩa nhất tôi có thể dành tặng cho má", nam nhạc sĩ giãi bày.
Nguyễn Văn Chung cùng người dân TP.HCM xem tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
"Viết tiếp câu chuyện hòa bình" được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt
"Viết tiếp câu chuyện hòa bình" có phần lời giản dị, giai điệu hào hùng, thể hiện lòng biết ơn của người trẻ với thế hệ dựng nước, giữ nước.
Bài hát có những lời ca xúc động như: "Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình/ Giữa khói binh ai cũng nguyện lòng hy sinh/ Xin tri ân những người chiến sĩ quên đi niềm riêng quên đi cả bản thân mình/ Cuộn chảy trong lòng một dòng máu nóng dòng máu Lạc Hồng".
Đặc biệt, điểm nhấn của bài hát là đoạn điệp khúc: "Để cho đất nước yên vui từ đó/ Để cho đỏ thắm màu cờ tự do/ Để những tiếng cười vang khắp nơi từ ngày chiến thắng/ Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hòa bình/ Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh/ Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ tung bay phấp phới".
Với những câu hát này, nhạc sĩ muốn gửi gắm khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ: Phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh lớn lao, phải học tập, lao động và cống hiến để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và ca sĩ Duyên Quỳnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết vui, vinh dự khi ca khúc được yêu thích. Đây là bài hát chủ đề của album cùng tên do anh phối hợp ca sĩ Duyên Quỳnh thực hiện cuối năm 2023, dịp mừng 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2023).
"Tôi muốn thực hiện 1 album về đề tài quê hương đất nước để thử thách bản thân trong 1 mảng đề tài mới. Duyên Quỳnh cũng muốn có 1 sản phẩm âm nhạc để tặng cho ba - một cựu chiến binh cùng các đồng đội của ông.
Chúng tôi đã bắt tay cùng nhau để thực hiện album bao gồm những bài hát tôi đã từng viết qua từng đợt vận động sáng tác bởi Hội Âm nhạc TP.HCM bao năm qua. Khi thực hiện, chúng tôi thấy album thiếu 1 bài hát mang tính chủ đề xuyên suốt, mang tính tư tưởng khái quát của tổng thể album. Sau khi thảo luận với nhau về ý tưởng, nội dung và chủ đề, bài hát 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình" đã ra đời như thế", nhạc sĩ kể lại.
Nguyễn Văn Chung tiết lộ, câu hát: "Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ Quốc kỳ tung bay phấp phới" được ra đời trong một khoảnh khắc đầy cảm xúc.
"Tôi hay đi giao lưu với các bạn học sinh ở các trưởng tiểu học, trung học. Mỗi sáng thứ 2 đến trường cùng các con tham dự lễ chào cờ, tôi vẫn hay ngước nhìn cờ Tổ quốc khi bài 'Quốc ca' vang lên.
Đối với tôi, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay được chiếu bởi những tia nắng rực rỡ của ánh bình minh là một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, đầy xúc động và tự hào, quốc kỳ của mình đẹp quá! Hòa bình chúng ta đang có đẹp quá!", nhạc sĩ tâm sự.
Không chỉ lấy cảm hứng từ biểu tượng quốc kỳ, cảm hứng sáng tác ca khúc còn được Nguyễn Văn Chung thổi bùng từ những câu chuyện đời thực.
Theo nhạc sĩ, ca sĩ Duyên Quỳnh từng kể cho anh về những buổi cô theo ba mình dự họp mặt hội cựu chiến binh. Ở đó, hình ảnh những người lính năm xưa hiện lên rất thật: Có người mất cánh tay, có người mất cả đôi chân, có người trên cơ thể còn hằn rõ những vết đạn chiến tranh.
"Tận mắt nhìn thấy và được nghe các chú kể chuyện, cảm xúc mạnh mẽ hơn rất nhiều so với khi chỉ đứng trước tượng đài hay xem phim tài liệu", Nguyễn Văn Chung xúc động kể.
Anh nhận ra rằng, sự hy sinh không phải là những điều chỉ có trong sử sách, mà hiện hữu bằng xương bằng thịt, ngay trước mặt thế hệ hôm nay. Chính những cảm xúc chân thành đó đã trở thành chất liệu xuyên suốt trong từng câu chữ, từng nốt nhạc của Viết tiếp câu chuyện hòa bình.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sinh năm 1983, tại TP.HCM. Anh là chủ nhân của những ca khúc về tình yêu, gia đình, được khán giả yêu thích.
Nhiều ca khúc anh viết trở thành hit của ca sĩ thể hiện, như "Vầng trăng khóc" (Nhật Tinh Anh - Khánh Ngọc), "Con đường mưa (Cao Thái Sơn), "Chiếc khăn gió ấm" (Khánh Phương), "Mùa đông không lạnh" (Akira Phan), "Nhật ký của mẹ" (Hiền Thục).
Năm 2020, Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận anh là Nhạc sĩ trẻ có nhiều ca khúc thiếu nhi nhất.
Duyên Quỳnh thể hiện ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình". (Video: Nguyễn Duyên Quỳnh).