Dù đã bước vào tuổi 87, song kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (từng là thành viên Cụm Điệp báo A10) vẫn còn rất minh mẫn. Ký ức về những phút giây hào hùng của dân tộc 50 năm trước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của ông.
KTS Nguyễn Hữu Thái hồi tưởng khoảnh khắc chứng kiến đoàn xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.
Nhân chứng đặc biệt
Ông Nguyễn Hữu Thái sinh ra tại Đà Nẵng, nguyên là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (giai đoạn 1963 -1964). Ông cũng chính là "người trong cuộc" chứng kiến khoảnh khắc đoàn xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.
Trò chuyện với PV tại căn nhà riêng nằm sâu trong ngõ ven đê Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) giữa những ngày cuối tháng 4 lịch sử, bao ký ức của ngày chiến thắng lại ùa về trong trí nhớ của ông.
Ông Thái chia sẻ, năm nay tuổi đã cao, chân tay không còn được linh hoạt như trước. Thế nhưng, mỗi khi có bạn bè hay đồng đội hỏi về thời khắc buổi trưa ngày 30/4/1975, vị thủ lĩnh phong trào sinh viên năm ấy vẫn kể vach vách từng khoảnh khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
"Sống giữa thời bình với con cháu, nhưng những ký ức về buổi trưa lịch sử đó luôn khiến tôi rạo rực mỗi khi nhớ lại.
Dù đang sống ở Hà Nội, tôi luôn hướng lòng mình về miền Nam - nơi sẽ diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng dịp 30/4 - 1/5. Tôi rất tự hào vì là một trong những người chứng kiến thời khắc trọng đại cách đây 50 năm", ông Thái chia sẻ.
Trao đổi với PV, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Nhu (Trợ lý tác chiến của Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) - một trong những người có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975 và cùng tham gia bắt, dẫn giải ông Dương Văn Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng, đã kể thêm về khoảnh khắc lịch sử ngày đó.
Theo đó, đúng 11h30 ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng của Lữ đoàn Thiết giáp 203 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy, sừng sững tiến vào trước cửa Dinh Độc Lập.
Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đến cửa dinh, do cầu thang chính đã bị hư hỏng và bịt lối đi, đang loay hoay thì được một số người, trong đó có ông Nguyễn Hữu Thái dẫn đường lên nóc dinh để cắm cờ giải phóng.
Sau khi Đại đội trưởng Bùi Quang Thận lên kéo cờ giải phóng trên nóc dinh, chiến sĩ Nguyễn Khắc Nhu cùng các đồng đội khác xông tiến vào phòng họp, nơi Dương Văn Minh và nội các đã có mặt đầy đủ.
Theo ông Nhu, ông Nguyễn Hữu Thái có khoảng một năm làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (nhiệm kỳ 1963 - 1964).
"Khi chuẩn bị ngày 30/4/1975, ông Thái vào Dinh Độc Lập trước với mục đích gặp ông Dương Văn Minh để nói chuyện tiền đề cho Chính phủ 3 thành phần. Ngay sau đó, quân ta nhanh chóng xông vào", ông Nhu kể lại.
Giây phút cờ giải phóng tung bay
Nhớ lại thời khắc lịch sử những ngày cuối tháng 4/1975, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái kể, khi Dương Văn Minh lên làm Tổng thống và phát thanh yêu cầu quân lính ngưng nổ súng, ông Thái đã cùng một số người của Cụm Điệp báo A10 di chuyển vào Dinh Độc Lập.
Tổng thống ngụy Dương Văn Minh được Quân giải phóng dẫn ra đài phát thanh để đọc lời đầu hàng vô điều kiện (ảnh tư liệu).
"Sáng 30/4/1975, tôi cùng giáo sư Huỳnh Văn Tòng đi vào Dinh Độc Lập. Vừa đến nơi, chúng tôi bất ngờ vì bên trong vắng lặng. Chúng tôi nhanh chóng đi tìm Đài phát thanh để chuẩn bị cho buổi thông báo", ông Thái nhớ lại.
Giữa lúc mọi người đang loay hoay tìm phương tiện đến nơi phát thanh thì từ phía cổng Dinh Độc Lập, một cảnh tượng hào hùng xuất hiện ngay trước mắt ông Thái. "Chiếc xe tăng 390 của Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, gầm rú tiến vào bên trong xé toạc sự tĩnh lặng của nơi này", vị kiến trúc sư bồi hồi kể lại.
Khi mọi người chưa kịp bình tĩnh, ông Thái thấy một trung úy của Quân Giải phóng từ trên xe tăng bước xuống. Anh cầm theo lá cờ còn nguyên cọc ăng-ten xe tăng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nhanh chóng tìm đường lên tầng thượng.
Lúc đó, thấy người lính trẻ loay hoay tìm đường lên do cầu thang chính của dinh đã bị phá hủy, ông Thái lập tức tiến đến, đề nghị dẫn đường qua lối thang máy để đưa chiến sĩ này đến nơi cắm cờ. "Sau này, tôi mới biết người lính cầm cờ đó là anh hùng Bùi Quang Thận", ông Thái hồi tưởng.
Phát thanh viên "bất đắc dĩ"
Sau khi hỗ trợ các chiến sĩ lên vị trí cắm cờ, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái tiếp tục cùng các thành viên của hội và chiến sĩ giải phóng quân, trong đó có trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 đưa Dương Văn Minh và nội các ra Đài phát thanh.
Khoảng 14h20 chiều 30/4/1975, Nguyễn Hữu Thái bất ngờ được giao làm phát thanh viên bất đắc dĩ, dẫn chương trình để Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
"Chúng tôi không hề có sự chuẩn bị nào, nhưng khi đọc lời giới thiệu ở thời khắc thiêng liêng đó, tôi đọc liền một mạch, cảm xúc rất khó tả mà đến nay vẫn còn hằn sâu trong tâm trí", ông nhớ lại.
Ngay sau khi phát băng ghi lời của Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và bàn giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chính ủy Bùi Văn Tùng tiếp lời, long trọng tuyên bố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng.
Hòa trong không khí tưng bừng của ngày vui, nhóm của Nguyễn Hữu Thái tiếp tục tổ chức chương trình phát thanh trên sóng, thông báo một số chính sách mới của Chính phủ lâm thời.
Đặc biệt hơn, lúc đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến tham gia và cùng mọi người hát bài "Nối vòng tay lớn", không cần đệm đàn.
"Suốt cả buổi chiều và tối 30/4/1975, đông đảo giới sinh viên thành phố cũng như người dân tụ tập kín khu vực công viên trước Dinh Độc Lập. Cùng với các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, họ xa cách nhau về địa lý nhưng mọi người hân hoan chuyện trò, như những người thân trong gia đình lâu ngày gặp lại.
Đêm ấy, bầu trời Sài Gòn cũng không còn tiếng máy bay gầm rú hay tiếng đạn pháo vọng về từ xa, mà xung quanh chỉ có tiếng hát, tiếng cười", vị kiến trúc sư bồi hồi nhớ lại.
Năm 1958, Nguyễn Hữu Thái (quê Đà Nẵng) thi đỗ tú tài tại Trường Thiên Hựu (Huế), sau đó ông vào học ngành Kiến trúc và Luật tại Viện Đại học Sài Gòn. Nhờ những thành tích nổi trội khi tham gia phong trào kháng Mỹ, Nguyễn Hữu Thái trở thành Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn khóa đầu tiên (1963 - 1964).
Trong cuốn sách Lịch sử Công an nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997) có đoạn viết: "Anh Nguyễn Hữu Thái đã tiếp cận Dương Văn Minh trước khi Minh làm tổng thống. Anh đã có mặt tại Dinh Độc Lập từ sáng 30/4, góp phần tác động Dương Văn Minh đơn phương ngừng bắn chờ "bàn giao trong vòng trật tự", tổ chức ghi âm và phát lời tuyên bố của Dương Văn Minh trên Đài phát thanh Sài Gòn".
Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Thái cũng từng hoạt động tích cực trong phong trào tranh đấu sinh viên, học sinh miền Nam từ 1963 - 1975, là một "người trong cuộc" chứng kiến ngày sụp đổ và giải phóng Sài Gòn 50 năm về trước.
Hoàng Lam