Lavender Resorts với những luống lavender phủ kín bên sườn núi và một sân khấu ngoài trời công suất đến 4.000 chỗ trong KDLQG Hồ Tuyền Lâm đang xây dựng chiến lược thu hút du khách ngoại quốc
• SẢN PHẨM... NA NÁ NHAU
Đà Lạt - điểm đến du lịch hấp dẫn của Lâm Đồng, được ví von là “thiên đường du lịch”, thành phố hoa, thành phố Festival, thành phố mộng mơ và nhiều danh hiệu khác... Cũng không thể thống kê được Đà Lạt có bao nhiêu điểm đến du lịch, với các loại hình du lịch đặc trưng và đặc sắc là: du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm... Nhưng dễ nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp du lịch ở Lâm Đồng có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Khu du lịch Quốc gia (KDLQG) Hồ Tuyền Lâm có tỷ lệ dự án quy mô hơn, gồm 37 dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 10 ngàn tỷ đồng; nhưng, sau hơn 20 năm triển khai, đến nay, mới có 15 dự án đã đưa vào khai thác kinh doanh. Không tính Thiền viện Trúc Lâm là điểm đến của du lịch tâm linh, thì các dự án khác chủ yếu là về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, dã ngoại và vui chơi giải trí… Du khách biết nhiều đến loại hình sân golf (của SAM Tuyen Lam Golf & Resorts), hoặc du lịch thể thao mạo hiểm (canyoning, high rope couse, zipline, máng trượt… của KDL Datanla), đường hầm đất sét (Dalattourist)… Chính vì loại hình sản phẩm kinh doanh na ná như nhau, mà nhiều doanh nghiệp trong KDLQG Hồ Tuyền Lâm cho biết, họ không có sự kết nối với các đơn vị khác trong ngành Du lịch và trong chính KDLQG Hồ Tuyền Lâm; hoặc một thực tế khác, là nhiều du khách và người dân Lâm Đồng biết rất ít về KDLQG Hồ Tuyền Lâm…
Đà Lạt cũng hình thành nhiều tuyến du lịch theo hướng Cầu Đất, đèo Mimosa, đèo Tà Nung, suối Vàng…; nhưng ở mỗi tuyến, du khách chỉ dừng ở 1 - 2 điểm tham quan, vì sản phẩm đặc trưng giống nhau là tham quan, dã ngoại để chụp ảnh; với một vài trải nghiệm khác biệt theo mùa, như: săn mây, làm hồng treo gió, đi xe đạp, chèo sup… Ông Tưởng Hữu Lộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Chính sự phát triển “nóng” của các điểm du lịch tạo nên cảm giác “cả thèm, chóng chán”. Khách vào các điểm du lịch chỉ có mỗi chuyện chụp ảnh checkin. Không có chiều sâu văn hóa - chính là nỗi đau của du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng.
Bản sắc văn hóa truyền thống của Lâm Đồng sẽ càng đặc sắc hơn khi sáp nhập tỉnh
• CẦN ĐẦU TƯ THEO CHIỀU SÂU
Cùng ý tưởng với ông Lộc, theo bà Dung Trần - Quản lý của Ana Mandara Villas Dalat Resort: Khu du lịch Ana Mandara đưa câu chuyện di sản và nội hàm văn hóa của những ngôi biệt thự cổ trong khu du lịch làm điểm nhấn để hoạt động và thu hút khách... Đà Lạt đang sở hữu 4 di sản thế giới được UNESCO công nhận, đó là: Di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”; Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn”, Lang Biang là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”, Đà Lạt là Thành phố Sáng tạo toàn cầu lĩnh vực Âm nhạc và đang xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt trở thành thành phố Di sản của thế giới vào năm 2025.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 37 di tích (có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh), có 32 làng nghề (21 làng nghề truyền thống, có 14 làng nghề gắn với du lịch)… Nhưng, không nhiều di tích và làng nghề được du khách biết đến; mà nếu có đến, như Trường Cao đẳng Đà Lạt thì thiếu dịch vụ, Dinh I bị đóng cửa chưa có đơn vị thay thế khai thác; các làng nghề, như làm gốm hay đúc nhẫn bạc ở Đơn Dương, lại vừa thiếu nguồn du khách, vừa thiếu nguồn nguyên liệu, đang có nguy cơ thất truyền…
Bà Đoàn Ngọc Bích - Giám đốc Điều hành Tám Trình Coffee Experiences - Điểm du lịch trải nghiệm cà phê Tám Trình, chia sẻ: Tám Trình có 40 năm hoạt động thương mại trong ngành cà phê, nhưng chỉ mới bước chân vào ngành Du lịch chừng 3 năm. Nhận định khó khăn lớn nhất của Tám Trình là khoảng cách địa lý, xa trung tâm. Vì vậy, Tám Trình đã định hướng phải tạo phân khúc khác biệt trong sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Đó là trải nghiệm cà phê và buffet chay. Với khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ trải nghiệm những khác biệt ở Tám Trình Coffee Experiences, thì gần 1 giờ đồng hồ di chuyển từ Đà Lạt đã không làm du khách thất vọng… Chính vì sự khác biệt này, Tám Trình đã gây dựng được các mối liên kết không chỉ riêng trong ngành Du lịch, mà còn liên kết được với các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề…
• CƠ HỘI VẼ LẠI BẢN ĐỒ DU LỊCH LÂM ĐỒNG
Từ đầu năm đến nay, du lịch Đà Lạt đang ghi nhận sự sụt giảm của thị trường khách Hàn Quốc; trong khi 2 năm trước, có thời điểm, các khách sạn giành nhau phòng cho khách Hàn… Việc không còn khách Hàn Quốc một phần do thị trường bão hòa, không có đàm phán giữa các hãng du lịch để thu hút khách Hàn Quốc; bên cạnh đó là thông tin, trong thời gian tới, sân bay Liên Khương đóng cửa để nâng cấp, du khách phải đổi tuyến di chuyển từ sân bay Cam Ranh cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch của các đơn vị lữ hành…
Theo ông Đoàn Hải Đăng - Tổng Giám đốc Worldtrans: Rút kinh nghiệm từ các địa phương Khánh Hòa, Bình Thuận, Đà Nẵng mấy năm trước, khi chỉ tập trung và bị bẫy seri (chuỗi đặt phòng) khách Trung Quốc, hoặc khách Nga…, Lâm Đồng nên tập trung ưu tiên khai thác dòng khách du lịch nội địa… Đến khi đủ lớn mạnh rồi, thì nên định hướng dòng khách du lịch ngoại quốc dựa vào sự khác biệt, như Đà Lạt mát mẻ thì dòng khách châu Âu nên hướng về Phan Thiết, còn Đà Lạt nên khai thác thị trường khách Tây Á (sa mạc, nóng, khô…).
Ông Nguyễn Phước Duy - Giám đốc Điều hành của Lavender Resort cho biết, ông đã đi nhiều nơi và khi làm việc ở Đà Lạt thì cảm nhận của bản thân và du khách là Đà Lạt buồn quá, thiếu nhiều hoạt động hấp dẫn du khách, cũng như thiếu các dịch vụ cao cấp... Ông Duy cũng chia sẻ định hướng của doanh nghiệp trong thời gian tới, ngoài cung cấp dịch vụ lưu trú, đơn vị sẽ đầu tư vào loại hình tổ chức sự kiện; tập trung vào những sự kiện lớn và những sự kiện mang tính quốc tế để có thể đưa được khách du lịch từ quốc tế về cho Việt Nam và cho Đà Lạt…
Quy hoạch cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến doanh nghiệp du lịch. Ông Tưởng Hữu Lộc, phân tích: Chỉ cần so sánh với Nha Trang hay Phan Thiết thôi là thấy Đà Lạt - Lâm Đồng rất thiệt thòi cơ sở hạ tầng. Đà Lạt có rất nhiều khách sạn nhỏ ở khu vực trung tâm, thiếu chỗ đậu xe, chủ doanh nghiệp nhiều nhưng ít nhân viên. Cơ số phòng trên một đơn vị diện tích quá thấp, nên chi phí cao dẫn đến giá thành cao. Có thể thấy rất rõ, cùng một diện tích như nhau, nhưng Nha Trang có thể xây được khách sạn nhiều trăm phòng, trong khi Đà Lạt chỉ được xây vài chục phòng. Du lịch MICE cũng được kêu gọi là điểm mạnh của du lịch Đà Lạt, nhưng sức chịu tải và giá dịch vụ cho các hội nghị, hội thảo của Đà Lạt - Lâm Đồng cũng rất cao, mà phòng tổ chức hội nghị, hội thảo chưa có diện tích nào đạt được con số 1.000 chỗ… Lâm Đồng sắp tới sẽ được sáp nhập cùng Bình Thuận và Đắk Nông với diện tích lớn nhất nước và gồm đủ 54 dân tộc anh em. Như vậy, nguồn tài nguyên du lịch, gồm bản sắc văn hóa chắc chắn sẽ phong phú hơn; cùng với địa hình đa dạng được kết nối từ miền núi đến vùng biển, từ biên giới đến hải đảo; cũng như các điểm đến đặc sắc và đặc biệt, là: Đà Lạt, Phú Quý, Mũi Né, Tà Đùng, Công viên địa chất núi lửa Krông Nô… sẽ là lợi thế nếu cộng đồng doanh nghiệp du lịch của Lâm Đồng mới có thể liên kết tạo nên các giá trị khác biệt...
LÊ HOA