Những diễn biến mới về nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là chính sách áp thuế mới của Mỹ đang trực tiếp tác động đến doanh nghiệp cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.
Cộng đồng doanh nghiệp sẽ đối mặt nhiều thách thức như: chuỗi liên kết bị đứt gãy, chi phí sản xuất gia tăng, quy mô hoạt động giảm, doanh thu giảm; thậm chí nguy cơ thu hẹp thị trường, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu; người lao động mất việc làm...
Quý II, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu đặt mục tiêu doanh thu gần 60 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu (KCN Bắc Cẩm Xuyên) chuyên sản xuất bê tông thương phẩm, ống cống, gạch không nung... cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Những tháng đầu năm 2025, tình hình sản xuất – kinh doanh của đơn vị bị ảnh hưởng do chu kỳ tết Nguyên đán. Ngoài ra, hiện nay các địa phương đang thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính nên một số công trình đầu tư công khởi công mới phải tạm ngừng khiến doanh nghiệp sụt giảm sản lượng.
Bà Trần Thị Thanh – Kế toán trưởng Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu cho biết: “Quý I/2025, công ty đạt doanh thu 28 tỷ đồng và mục tiêu doanh thu trong quý II gần 60 tỷ đồng. Chúng tôi đang tập trung phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam và các dự án trọng điểm đang triển khai tại Hà Tĩnh. Ngoài ra, doanh nghiệp chú trọng mở rộng thị trường, ký kết thêm với các đối tác mới ở Quảng Bình, Nghệ An. Trong bối cảnh khó khăn, Ban Giám đốc công ty chỉ đạo bộ phận kinh doanh phân vùng thị trường cho từng nhân viên, nắm bắt tình hình, nghiên cứu giá cả cạnh tranh cho từng sản phẩm để có giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành”.
Ngoài sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc tiếp tục phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi lợn.
Giá lợn hơi đang duy trì ở mức cao là thuận lợi với Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc (huyện Can Lộc). Tuy nhiên, thời tiết bất lợi, dịch bệnh tăng đe dọa hoạt động chăn nuôi nên nguy cơ ảnh hưởng chuỗi cung ứng sản phẩm của công ty khá rõ; buộc doanh nghiệp phải chủ động, sẵn sàng các giải pháp ứng phó kịp thời.
Theo ông Thân Văn Vỵ – Giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc, quý II là giai đoạn doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh. Do đó, ngoài làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, chúng tôi phải chủ động mở rộng thị trường. Ngoài 52 đại lý truyền thống, đơn vị vừa mở thêm 3 đại lý tại Quảng Bình, tạo điều kiện đẩy mạnh các đơn hàng. Đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, gia tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong sản phẩm.
Cùng với “mũi chủ công” là cung ứng thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển theo hướng chuyên nghiệp chuỗi chăn nuôi lợn liên kết với 8 trang trại vệ tinh tại các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà và Cẩm Xuyên, tiến tới mục tiêu doanh thu 170 tỷ đồng năm 2025”.
Trong tháng 4/2025, Công ty CP Cảng Việt – Lào chính thức đưa cầu cảng số 3 vào khai thác thương mại.
Trước hạn chế về năng lực tiếp nhận tàu thuyền, bốc dỡ hàng hóa tại các cầu cảng, thời gian qua Công ty CP Cảng Việt – Lào (TX Kỳ Anh) đã đầu tư xây dựng thêm cầu cảng số 3. Trong tháng 4 này, cầu cảng mới sẽ chính thức đi vào khai thác, nâng quy mô tổng công suất bốc dỡ hàng hóa lên gần 7 triệu tấn/năm.
Ông Phạm Quốc Lượng – Phó Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết: “Để vận hành thông suốt cầu cảng số 3, từ năm 2024 lại nay, công ty tập trung tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư mua sắm, bảo dưỡng sửa chữa máy móc, thiết bị; tăng cường các giải pháp chăm sóc khách hàng truyền thống, tìm kiếm thêm đối tác mới, mở rộng thị trường trong nước và hàng hóa quá cảnh từ Lào. Quý II, công ty phấn đấu bốc dỡ hơn 1,3 triệu tấn hàng hóa (tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2025). Năm 2025, công ty phấn đấu sản lượng bốc dỡ hàng hóa qua cảng Việt – Lào đạt 5,7 triệu tấn (tăng hơn 0,6 triệu tấn so với năm 2024), doanh thu ước 300 tỷ đồng (tăng 70 tỷ đồng so với năm 2024)”.
Quý II đã mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu, dự định mới. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đang ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, "chạy" các gói tín dụng “giá rẻ” để hỗ trợ nền kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư trong giai đoạn mới.
Các ngân hàng ở Hà Tĩnh đã triển khai các gói tín dụng “giá rẻ” để hỗ trợ nền kinh tế.
Ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho hay: Quý I/2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản ổn định, tuy nhiên chưa có sự tăng trưởng đột phá do ảnh hưởng của chu kỳ tết Nguyên đán.
Từ quý II, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh sẽ tăng tốc, đẩy mạnh cho hoạt động sản xuất – kinh doanh để gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang đối mặt những khó khăn nhất định từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, việc sắp xếp đơn vị hành chính. Các doanh nghiệp trên địa bàn mong muốn các cấp, ngành triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, nhất là về cơ chế, chính sách, nguồn vốn tín dụng...
Để phát triển bền vững, có sự tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tiềm ẩn khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh cũng cần tiếp tục chủ động đổi mới, thích ứng linh hoạt, có các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp thiếu hiệu quả cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình hoạt động mới phù hợp xu thế.
Thu Phương - Phan Trâm