Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi như tình hình quốc tế phức tạp, giá thị trường biến động, dòng vốn chậm, thiên tai, dịch bệnh nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, cả hai địa phương trước khi sáp nhập đều đạt được những kết quả tích cực.
Tỉnh Bình Định cũ ước đạt mức tăng trưởng GRDP 7,92%; Gia Lai cũ đạt 6,9%. Tính chung toàn tỉnh Gia Lai đạt mức tăng trưởng 7,49%.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhận diện khó khăn tỉnh Gia Lai phải đối mặt từ đó xây dựng chương trình phát triển một cách bền vững, phấn đấu mức tăng trưởng không thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước.
Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Gia Lai có thể đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như: áp lực hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên của Trung ương giao; công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương sau sáp nhập cần thêm thời gian để vận hành nhịp nhàng, hiệu quả; hệ thống quy hoạch, quy chế, cơ chế chính sách vẫn còn thiếu đồng bộ…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, khó khăn nhất của Gia Lai cũ không phải là sản xuất phân tán, việc sản xuất nông nghiệp đang đối mặt vấn đề thiếu nước.
Cụ thể, tổng dung tích 2 tỉnh ngang nhau. Tỉnh Bình Định cũ có tổng dung tích các hồ chứa khoảng 650 triệu m3 nước cùng hệ thống tưới tiêu (khoảng 85% hệ thống kênh mương hóa) đồng bộ có thể chủ động tưới được 95% diện tích đất canh tác, tương đối phủ kín địa bàn từ miền núi đến đồng bằng. Tỉnh Gia Lai cũ có khoảng trên 600 triệu m3 nước nhưng diện tích tưới chỉ được khoảng 68.000 ha, tương đương khoảng 14% tổng diện tích đất canh tác của tỉnh Gia Lai cũ. Đây là khó khăn thách thức lớn của tỉnh trong phát triển kinh tế sau này.
Tỉnh có tiềm năng để phát triển các cây công nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, vùng đồng bằng rộng lớn, vùng biển trải dài 134 km để khai thác nuôi trồng thủy hải sản. Trước mắt, tỉnh cần tập trung giải quyết về vấn đề nước cho khu vực Gia Lai cũ; đồng thời tính toán hệ thống tưới và xây dựng phương án tối ưu giải quyết vấn đề nước cho các vùng sản xuất.
Quang cảnh Hội nghị.
Theo tính toán sơ bộ, nếu đầu tư hệ thống tưới tiêu đảm bảo cơ bản cho vùng tưới ở khu vực Gia Lai cũ sẽ khoảng khoảng 17.000 tỷ đồng. Đây là số tiền khá lớn nên cần phải chia ra từng bước, từng thời gian cụ thể. Tranh thủ tận dụng nguồn vốn trung ương, vốn tỉnh hoặc hình thành dự án mới để vay ODA. Bởi việc giải quyết nguồn nước là vấn đề quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững khu vực Gia Lai cũ. Nếu trong 5 năm tới không giải quyết được, chính quyền có lỗi với người dân, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định.
Theo Bí thư Hồ Quốc Dũng, tỉnh cần nhận diện khó khăn thách thức mới để có cơ sở giải quyết, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Gia Lai quyết tâm phấn đấu đạt được mức tăng trưởng GRDP năm 2025 không thấp hơn bình quân của cả nước. Tỉnh sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách, tạo áp lực để phát triển.
Trên tinh thần này, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, các đồng chí trong Ban Chấp hành, sở, ngành, địa phương đánh giá tiềm năng thế mạnh, dư địa có thể tăng trưởng được, từ đó tạo đà xây dựng, phát triển kinh tế trong năm 2025.
Tin, ảnh: Sỹ Thắng (TTXVN)