Nhận diện 'tẩy xanh'

Nhận diện 'tẩy xanh'
6 giờ trướcBài gốc
Có thể thấy rõ các biểu hiện của "tẩy xanh" như các công ty hoặc thương hiệu thường sử dụng truyền thông, quảng cáo để tạo ra ấn tượng sai lệch về mức độ bền vững hoặc trách nhiệm sinh thái của họ, trong khi vẫn tiếp tục các hoạt động gây hại cho môi trường. Họ sẵn sàng gắn nhãn “xanh”, “tự nhiên”, “thân thiện với môi trường” mà không có chứng nhận rõ ràng. Họ quảng cáo sai sự thật, tập trung vào một khía cạnh nhỏ để che lấp các tác động tiêu cực lớn hơn.
Gần đây, một hãng hàng không đã bị cơ quan giám sát của Singapore gỡ các quảng cáo tuyên bố bảo vệ môi trường. Hãng hàng không này đã quảng bá chương trình "Green Friday", tung ra một triệu vé máy bay "xanh" có giá chỉ từ 86 SGD (gần 1,6 triệu đồng) nhằm khuyến khích hành khách Singapore sử dụng dịch vụ bay của họ để “đóng góp vào một tương lai xanh hơn" bằng cách lựa chọn hãng, nhấn mạnh hãng sử dụng các dịch vụ kĩ thuật số khi làm thủ tục trực tuyến và xuất vé điện tử, giúp giảm sử dụng giấy và mực in.
Hãng này cũng cho biết họ chủ yếu sử dụng dòng máy bay Airbus A320, được quảng cáo là "hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường". Nhưng cơ quan giám sát của Singapore đã điều tra và nhận thấy những lợi ích về môi trường mà hãng hàng không nọ tuyên bố chỉ áp dụng cho một số máy bay và loại động cơ cụ thể, vốn chỉ là một phần của hãng và không thể đảm bảo mọi chuyến bay đều đạt mức giảm khí thải như tuyên bố. Và kết luận, chiến dịch quảng cáo của hàng hàng không nọ đã vi phạm bộ quy tắc thực hành quảng cáo của Singapore khi gây hiểu lầm cho khách hàng và là một ví dụ của "greenwashing" (lợi dụng bảo vệ môi trường để quảng bá sản phẩm).
Cũng là “tẩy xanh”, khi một công ty dầu khí có thể tài trợ chiến dịch bảo vệ rừng nhưng vẫn tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch quy mô lớn. Hoặc nhà sản xuất mặt nạ dưỡng da tuyên bố thân thiên với môi trường khi tung ra sản phẩm mặt nạ tự hủy, nhưng vẫn được đóng gói trong bao bì bằng ni lông, với cả lớp ni lông định hình mặt nạ bên trong.
Liên hệ trong thực tiễn còn dễ gặp nhiều hành động “tẩy xanh” kiểu thương hiệu thời trang quảng cáo sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc giảm lượng nước tiêu thụ nhưng thực chất vẫn duy trì mô hình sản xuất gây ô nhiễm. Một số tổ chức, chính phủ công bố mục tiêu phát triển bền vững nhưng không có hành động cụ thể hoặc triển khai nửa vời. Trong tiêu dùng cá nhân: Người tiêu dùng dễ bị thu hút bởi các sản phẩm "xanh" mà không kiểm tra kỹ thông tin, dẫn đến vô tình ủng hộ những hành vi "tẩy xanh".
Tại Đại học Viena (Áo), chúng tôi đã được nghe GS.TS. Jorg Matthes giảng một chuyên đề về tẩy xanh với những cảnh báo có tính cấp thiết về tình trạng “tẩy xanh” trên các lĩnh vực. Trong khi chỉ rõ các mánh khóe tẩy xanh của nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp hiện nay, ông cũng nêu ví dụ về “tẩy xanh” trong mỗi cá nhân. Ấy là khi một người đã quá cân, nhưng vẫn tự cho phép mình nạp thức ăn quá số lượng cần thiết với ý nghĩ sẽ tập thể dục nhiều hơn. Ấy là khi có người thường xuyên chia sẻ thông tin về bảo vệ môi trường, kêu gọi hạn chế rác thải nhưng bản thân họ lại sử dụng đồ nhựa một lần, mua sắm quá mức hay lãng phí tài nguyên…
Hiện đang là thời điểm các địa phương đang rầm rộ tổ chức lễ trồng cây xanh đầu năm. Nhưng dễ thấy những biểu hiện “tẩy xanh” đáng chê trách là vẫn còn không ít nchuẩn bị sẵn những cây lớn để trồng, thay vì trồng cây nhỏ. Thậm chí có địa phương chọn cây cổ thụ, đào từ nơi khác mang về trồng, chỉ để có hình ảnh đẹp khi lãnh đạo đặt tay xẻng xuống đất. Thật đáng suy nghĩ khi trồng cây đầu năm là một truyền thống ý nghĩa, không chỉ thể hiện tinh thần bảo vệ môi trường mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự phát triển, thịnh vượng.
Việc trồng cây cổ thụ thường khó sống do bị di dời, chưa kể việc vận chuyển, trồng lại cây lớn tốn nhiều công sức và chi phí, nhưng hiệu quả không cao. Ấy là chưa kể việc trồng cây hình thức, trồng xong nhưng không bảo vệ, tưới nước, bón phân đầy đủ, khiến nhiều cây chết sau vài tháng. Lại có tình trạng nhiều nơi sính trồng cây ngoại, độc lạ mà không thực sự quan tâm đến tác động lâu dài với môi trường và cảnh quan.
Có thể thấy, "tẩy xanh" là một vấn đề nghiêm trọng trong bối cảnh môi trường ngày càng bị đe dọa. Hệ lụy của “tẩy xanh" dẫn đến gây hiểu lầm, làm chậm quá trình bảo vệ môi trường thực sự, làm mất niềm tin của công chúng vào các sáng kiến bền vững.
"Tẩy xanh" trong sản xuất công nghiệp không chỉ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng mà còn làm chậm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững. “Tẩy xanh” trong nông nghiệp vừa đánh lừa người tiêu dùng vừa gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mỗi người cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tin vào các tuyên bố "xanh", và các cơ quan chức năng cần có quy định chặt chẽ hơn để chống lại các chiêu trò này.
Việc nhận diện và đấu tranh chống lại hiện tượng này đang hết sức cần thiết để hướng tới sự phát triển bền vững thực sự, thay vì chỉ là những chiến dịch truyền thông mang tính hình thức.
Hà Linh
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/nhan-dien-tay-xanh-206414.html